Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI THỨ 7

Đời thứ bảy

Phò mã-Thắng Quận Công
NGUYỄN CẢNH HÀ
(VII-B)

Ngài là con trai thứ hai của Mặc tướng Hồng đồ Thái Bảo Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên.
Ngài sinh năm 1583.
Mẹ của Ngài là chắt của Thái sư Cang Quốc Công Nguyễn Xí.
Ngài có dáng mạo khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn.
Khi tuổi nhỏ (16 tuổi) đã theo cha tham gia chiến trận. Nhắc lại những công tích của Ngài đã có những trang oanh liệt vô song như trên đã kể, đó là:
Năm 1601, khi tuổi mới mười tám, trong trận đánh với quân của tướng Mạc Nam Quận Công và Nga Quận Công, Ngài đã chém trên trăm đầu giặc ở Cổ Lệnh. Trong trận đánh quân Mạc Kiền thống ở Hà Đông và Hải Hưng, Chúa Trịnh Binh An Vương đã ngợi khen “Trong trận đánh vừa rồi các tướng phần nhiều đều gắng sức, trong đó có một viên bộ hạ của thần, tên là Quảng Phú Hầu Nguyễn Cảnh Hà, con của Thư Quận Công, thật đáng khen. Người này luôn luôn đI đầu trong các trận đánh, vung gưom múa đao, có can đảm và mưu trí, công tích nhiều lắm, không thể ghi hết được’’
Trong dịp mừng công chiến thắng, Nhà Lê đã căn bản diệt đựơc Nhà Mạc, thu lại Kinh Đô Thăng Long, Ngài đã được phong tặng Dương Uy Vũ Dũng Công Thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy đồng tri Thự vệ sự Hầu tước.
Trong chiến tích, Ngài bắt được Chúa Mạc Kiềm Vương, chúa Trịnh Binh An Vương đã ngợi khen: “Thiên hạ đấu nhau, hạng dũng mãnh có nhiều, riêng Quảng Phú Hầu, cháu của Tấn Quốc Công, con của Thư Quận Công là hạng danh gia phiệt duyệt, trí dũng hơn đời, trèo non vượt biển, xông pha nguy hiểm như vào cõi không người, ai giám đối địch?’’
Bình An Vương lại nói: “Ông nội ngươi đã có công lao lớn với Nước, nay ngươi lại có công phá được giặc, tài năng xuất chúng, xứng đáng làm một Phò mã để đáp công xưa”.
Tiếp đó, chúa Trịnh mời Thư Quận Công vào nói rằng: “Nhà ta từ khi tôn quân dựng nước tới nay, cuối cùng đã có thể quét sạch bốn biển, dẹp yên Hoa Hạ. Ta chỉ nghĩ nhiều đến tổ tiên gia đình ông được uỷ quyền chinh phạt, hoàn tất nhiều mệnh lệnh được giao, công tích thật không nhỏ. Nay ông có người con trai là Nguyễn Cảnh Hà lập được công lớn, ta đánh giá rất cao. Còn ta thì có chút con gái, tên là Ngọc Thanh, hiện đã khôn lớn, nên có vài lời muốn cùng ông định việc hôn nhân cho chúng, không biết ý ông thế nào?”.
Thư Quận Công ưng thuận và Ngài (Cảnh Hà) trở thành Phò mã, chồng của công chúa Trịnh Thị Ngọc Thanh.
Ngài được phong tặng Dương vũ uy dũng Công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ, Thị vệ sự, Phò mã Đô uý Quảng Phú Hầu.
Năm 1613, trong dịp ngày sinh nhật của chúa Trịnh Bình An Vương, quân thần đến mừng thọ, đêm đó, Chúa mộng thấy Tấn Quốc Công. Nhớ đến công lao to lớn xưa, Chúa trình triều đình truy gia phong cho Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan là Hùng Nghị Khuông tế trạch dân Đại Vương.
Lại nói Công chúa Trịnh thị Ngọc Thanh (vợ ngài Nguyễn Cảnh Hà) là con dâu hiền thảo của Họ Nguyễn Cảnh. Nàng thưa với Cha là chúa Trịnh Bình An Vương rằng: “Chồng của con là Quảng Phú Hầu, quê ở Đô Lương, con nghe nói ở đó, vùng Bụt Đà cầu đường hư hỏng, đi lại khó khăn. Con xin cha cùng phò mã về bản quán bàn định việc bố thí làm điều công ích để rộng cầu mặt con cái” Chúa Trịnh cho phép và ban cho tiền bạc. Mẹ nàng là Công chúa Tăng Thị Ngọc Hồ cũng cho thêm tiền của.
Hai vợ chồng Nguyễn Cảnh Hà và Trịnh Thị Ngọc Thanh lạy tạ cha mẹ về quê, đến năm sau (1614), việc sữa chữa đường xá ở Bụt Đà (xã Đà Sơn, huyện Đô Lương) đã làm xong.
Sang tháng 11 năm sau (1615), vợ chồng Quảng Phú Hầu Nguyễn Cảnh Hà lại trở về quê, trùng tu chùa Bụt Đà (nằm trên Rú Già ở thôn Phượng kỷ, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương ngày nay). Tại Chùa này, hiện vẫn còn văn bia do Lại bộ Hữu Thị Lang Nhân Lĩnh Hầu Tiến sỹ Lưu Đình Chất là người nổi tiếng văn hay, chữ tốt biên soạn. Trong văn bia này ghi rõ công trùng tu chùa của Phò mã Đô uý Quảng phú Hầu Nguyễn Cảnh Hà, vợ là Công chúa Trịnh Thị Ngọc Thanh, nghiêm phụ là Thái bảo Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên, nội cung trượng mẫu là Tăng Thị Ngọc Hồ và các con là: Nguyễn thị Ngọc Thơm, Lương Tài Hầu Nguyễn Cảnh Diễn, Nguyễn thị Ngọc Tài, Nguyễn Cảnh Lâm, Nguyễn Cảnh Trừng, Nguyễn Cảnh Triệt và Nguyễn Cảnh Khuê.
Con gái của Nguyễn Cảnh Hà là Nguyễn Thị Ngọc Thơm được tiến cung làm phi tần của Vua Lê Thần Tông, được vua rất sủng ái.
Vì lo ngại Án thủ Nghệ An là Thái tể Nhạc Quận Công chơi thân với Vạn Quận Công Trịnh Xuân làm phản, nên Chúa Trịnh Tráng chọn Thắng Quận Công Nguyễn Cảnh Hà vào trấn giữ Nghệ An.
Tháng 06 năm Quý Hợi (1623), Bình An Vương Trịnh Tùng bị cảm. Trịnh Tráng thay cầm binh quyền, Trịnh Xuân nổi loạn chống anh cướp bóc, đốt phá kinh kỳ. Bình An Vương bỏ chạy ra xứ Quán Bạc, xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. Trịnh Tùng giả viết thư gọi Trịnh Xuân về trao quyền rồi bắt và chặt chân, thích chữ vào mặt. Xuân chết.
Ngày hôm sau, Bình An Vương Trịnh Tùng chết.
Thắng Quận Công Nguyễn Cảnh Hà sau khi đưa quân vào Nghệ An đã truyền cho Nhạc Quận Công ra Thanh Hoá trong dịp mai táng chúa Trịnh Tùng, bị xử lý ra sao không rõ.
Sau khi Vua Mạc Kiền Thống (Mạc Kính Chung) mất, Mạc Khánh Vương (Mạc Kính Khoan) chiếm cứ đất Cao Bằng, niên hiệu Long Thái. Nay nghe tin trong nước có loạn, tập hợp quân đánh xuống Gia Lâm. Trịnh Tráng đưa quân ra bắc dẹp yên.
Thắng Quận Công Nguyễn Cảnh Hà được tặng thưởng là Đô Đốc Thiêm Sử.
Trịnh Tráng được phong làm Nguyên soái Thống Quốc chính Thanh đô Vương. Nhân dịp này, Vua Lê phong tặng cho những người có công tham gia đánh giặc năm Quý Hợi (1623). Thắng Quận Công được thăng là Đô đốc đồng tri, vinh phong Mỹ tự Dực vận tán trị công thần nay là Dương vũ uy dũng Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Nam quân Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri Thắng quận Công trụ quốc thượng trật.
Tháng 7 năm 1626, nhà Lê tiến quân tiêu diệt Nhà Mạc ở Cao Bằng, Thắng Quận Công Nguyễn Cảnh Hà làm tiên phong. Ngài đánh phá quân Mạc thua, chúa Mạc bỏ chạy. Thắng Quận Công được phong Tả Đô Đốc.
Năm 1630, dư đảng Nhà Mạc chiếm cứ hai huyện Chí Linh và Đông Triều, Thắng Quận Công đem quân chỉ bốn ngày đã dẹp yên, bắt tướng giặc giải về kinh sư. Ngài được gia phong Thiếu Bảo Tả Tư Mã.
Họ Nguyễn Cảnh, từ thời Tấn Quốc Công đã được nhà Lê cấp cho hai huyện Nam Đường (Nam Đàn) và Chân Phúc, nay đến thời Thiếu bảo Nguyễn Cảnh Hà lại được cấp thêm hai huyện nữa là Phù Dung và Thanh Miện (Thanh Chương) để thu thuế làm bổng lộc cúng tế.
Năm Quý Mùi (1643), Chúa Nguyễn ở Thuận Hoá trở mặt bất phục nhà Lê, Trịnh Tráng đưa quân vào đánh ở Bố Chính (Quảng Bình), sau vì khí hậu oi bức nên rút quân về Bắc.
Tháng 10 năm đó Duy Hựu lên ngôi là Chân Tông Thuận Hoàng Đế, Thiếu bảo Tư Mã Nguyễn Cảnh Hà được phong là Dương vũ uy dũng Dực vận tấn trị công thần, Đặc tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Đô đốc Phủ Tả Đô đốc Thiếu phó Tả Tư mã Thượng trụ quốc thượng trật.
Ngày Giáp Dần, mùng 6 tháng 9 năm Ất dậu (1645) Ngài mất, thọ 63 tuổi. Vua Lê cho bãi chầu 3 ngày, đưa Ngài về an táng tại xứ Cồn Công, thôn Thượng Thọ, nay thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Thắng Thiếu phó Nguyễn Cảnh Hà sinh được mười một người con trai, tám người con gái là:
Con trai trưởng là Nguyễn Cảnh Cái, tức là Trí Nghĩa Hầu.
Con trai thứ là Nguyễn Cảnh Quế, mẹ họ Phạm, con gái của Lai Quận Công Phan Công Tích, vợ là Trịnh thị Ngọc Loan, con giá của Vân Tổ Nghị Vương. Ngài làm quan đến chức Tả Đô Đốc Phó Tướng Liêu Quận Công.
Con trai thứ ba là Nguyễn Cảnh Ích. tức là Đề Đốc Gia Quận Công, vợ là Công chúa Trịnh thị Ngọc Cẩn.
Con trai thứ bốn là Nguyễn Cảnh Căn (Lương), tức là Tham Đốc Hán dương Hầu.
Con trai thứ năm là Nguyễn Cảnh Ỷ, tức là Cẩm Thuỷ Hầu.
Con trai thứ sáu là Nguyễn Cảnh Lâm, tức là Phú Thuận Hầu.
Con trai thứ bảy là Nguyễn Cảnh Thuyên, tức là Đông An Hầu.
Con trai thứ tám là Nguyễn Cảnh Nghị, mẹ là Sử, con gái thứ hai của Hạ Đạo Nhân ở Đông thành (Yên thành) Ngài làm quan đến chức Chính đội trưởng Luân Nghĩa Hầu.
Con trai thứ chín là Nguyễn Cảnh Khuê, tức là Dĩnh Xuyên Hầu.
Con trai thứ mười là Nguyễn Cảnh Đống (Chu), tức là Tuyên Nghĩa Hầu.
Con trai thứ mười một là Nguyễn Cảnh Thụ, cùng mẹ với Nguyễn Cảnh Nghị, Ngài được phong là Chí thuận Nghĩa Hầu.
Con gái cả là Nguyễn thị Ngọc Thơm, là phi tần của Vua Lê thần Tông.
Con gái thứ hai là Nguyễn thị Ngọc Tài, lấy Nghĩa Quận Công.
Con gái thứ ba là Nguyễn thị Ngọc Thuấn, lấy Vân Nham Hầu.
Con gái thứ tư là Nguyễn thị Ngọc Hữu (Ngọc Hựu), lấy Toàn Trung Hầu.
Con gái thứ năm là Nguyễn thị Ngọc Hiên, lấy Ân Vĩnh Hầu.
Con gái thứ sáu là Nguyễn thị Ngọc Triều, lấy Chấn Quận Công.
Con gái thứ bảy là Nguyễn thị Ngọc Tuế, lấy Hào Lương Hầu.
Ngài có hai người con nuôi là Nguyễn Cảnh Đang, là cháu ruột của Nguyễn Cảnh Trường và Lê duy Đệ (tức Lê Duy Phất).
Trong những người con của Thiếu phó Thắng Quận Công Nguyễn Cảnh Hà, có Nguyễn Cảnh Quế, mẹ là con gái của Tả Tư mã Lai Quận Công, sinh năm 1599, được phong là Lộc Nghĩa Hầu, lấy vợ là con gái Văn Tổ Nghị Vương tên là Trịnh thị Ngọc Loan. Ngài có nhiều công tích, phía trong dự đánh Thuận Quảng, phía Bắc dẹp Mạc ở Cao Bằng, thăng đến chức Tả Đô Đốc, Phó tướng Liêu Quận Công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét