Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI THỨ 18 CẢNH LÂM

Đời thứ mười tám

NGUYỄN CẢNH LÂM
(XVIII - D)

Ngài Cảnh Lâm là con Trai của Ngài Nguyễn Cảnh Thứ.
Sinh Ngày 1 Tháng 1 Năm 1911, tại làng Nghiêm Thắng, phủ Anh Sơn, Nghệ An (nay là xã Đông Sơn, huyện Đô Lương).
Mất Ngày 28 Tháng 5 (Âm lịch) Năm 1997, Thọ 85 tuổi.
Chánh thất của Ngài là bà Nguyễn Thị Thu.
Sinh Ngày 31 Tháng 1 Năm 1914, tại làng Diên Tiêu, xã Lưu Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Bà mất ngày  8 Tháng 6 năm 2000 (dương lịch), tức là ngày 7 tháng 5 Năm Canh Thìn (Âm lịch). Thọ 86 tuổi.
Sinh thời Ngài là người được thừa hưởng các nét diện mạo thanh tú của mẹ, cộng thêm sức khoẻ hơn người, nên được xếp hạng trai tráng trong vùng. Chuyện kể rằng: “Có lần thanh niên hai làng xảy ra xích mích, đánh nhau ngoài đồng, khi rượt đuổi nhau, gặp cái trục đá (công cụ đẽo từ đá, tròn to như cột nhà và dài khoảng nửa mét, dùng trâu bò kéo để làm vỡ đất cày ở ruộng để trồng trọt, hoặc dùng để trục lúa rải ra sân nhà cho hạt lúa rời ra khỏi bông của nông dân miền Trung bộ thời trước), Ông vác cả cái trục chạy theo ném dọa vào đám thanh niên làng bên, mọi người chứng kiến mà thán phục”.
Ngay từ nhỏ, Ngài được cha mẹ cho sang ở với ông ngoại tại làng Trung Thịnh, xã Đặng Sơn, phủ Anh Sơn (Nay là Nam sơn, Đô lương). Mới 5 tuổi đầu chưa làm được những việc nặng nhọc thì đứng đưa võng cho người lớn, lớn hơn một chút thì phụ việc trong nhà cho ông bà, tham gia trông coi các tá điền gặt lúa, đào khoai. Theo người dân trong vùng kể lại thì Ngài tuy là con cháu dòng dõi nhà giàu, nhưng vì sớm sống gần gũi, gắn bó với nông dân nên quen lao động, lam lũ vất vả từ nhỏ, lại sẵn lòng nhân ái thương người, nên những lúc đi trông coi người làm đồng thuê cho Ông, Bà ngoại, Ngài thường lén cho nông dân tá điền khoai lúa, như hôm thì giả vờ làm ngơ để sót một ít khoai, khi thì bó lúa, trên phần ruộng mình trông coi thu hoạch, để người làm thuê có thể lấy đem về dùng, vì vậy ngay từ hồi còn trẻ Ngài đã được nhiều người yêu mến.
Đến năm 20 tuổi Ngài lập gia đình và ở lại luôn bên quê ngoại của mình để sinh cơ lập nghiệp. Ngày mới lập thân, vợ chồng Ngài (ông bà Lâm-Thu) chỉ có một túp lều tranh vách nứa tại làng Trung Thịnh (ngay cạnh sân vận động xã Nam Sơn, huyện Đô Lương ngày nay), gia cảnh bấy giờ ruộng thì không một tấc đất cắm dùi, tiền thì một vài quan giắt lưng không có. Hai vợ chồng phải cày ruộng rẽ (thuê mướn đất của người khác) để sinh sống, ngày lại ngày “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lao động cật lực mà vẫn nghèo vẫn túng, con cái ngày càng đông, chạy lo miếng ăn đã khó, nói chi đến chuyện làm giàu.
Năm 1944 để chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng tháng tám, Ngài xung phong vào tự vệ xã Đặng Sơn, tham gia cướp chính quyền, hoạt động tích cực trong ban chỉ huy của Đội tự vệ với cương vị là Xã đội phó, đêm đêm cưỡi ngựa đi tổ chức lực lượng, luyện tập du kích. Vì vậy Ngày 1 tháng 12 năm 1949, Ngài được kết nạp vào Đảng Lao động Việt nam (Đảng Cộng sản Việt nam ngày nay).
Tới ngày 14 tháng 1 Năm 1951, Ngài gia nhập vào Vệ quốc quân (Quân đội Nhân dân Việt nam lúc bấy giờ) được biên chế vào Đại đội 11, Tiểu đoàn 544, thuộc Liên khu 4. Trong thời gian 5 năm tại ngũ, Ngài giữ chức vụ từ Tiểu đội trưởng đến Trung đội phó, trung đội pháo binh và trên cương vị lãnh đạo là Chi uỷ viên trung đội, rồi đại đội.
Thời gian đó, gánh nặng gia đình với 6 người con 7 miệng ăn đè nặng lên đôi vai của Bà ở quê nhà, Bà đã phải “Xắn váy quay cồng, tần tảo ngược xuôi” vừa làm ruộng vừa tảo tần chợ búa nuôi con ăn học.
Sinh thời, Bà là người rất thông minh. Chuyện kể rằng: “Ngày mới cướp chính quyền, đang có phong trào diệt giặc dốt. Trước cổng chợ thường có người canh gác buộc các bà các chị, ai muốn vào chợ phải đọc được vài chữ cái trên bảng kê đầu chợ, vì không được đi  học nên không biết chữ, Bà quay ra nhờ người hướng dẫn cấp tốc, chỉ một lúc là Bà nhớ hết mặt chữ và trở vào đọc vanh vách các chữ cái trên bảng để tham gia phiên chợ như thường”. Lại còn chuyện “Những năm miền Bắc còn chế độ hợp tác xã nông nghiệp làm ruộng chung và ăn chia sản phẩm theo công điểm. Những ngày xã viên trong đội sản xuất đến gánh phân chuồng nhà Bà để bón ruộng hợp tác xã, vì không biết chữ để ghi chép sổ sách, Bà chỉ dùng phương pháp tính nhẩm và ghi nhớ lại số cân của từng người. Đến tối về họp đội sản xuất, Bà đọc vanh vách cho thư ký ghi vào sổ mà không nhầm lẫn một ai”. Có lẽ để trở thành những Kỹ sư, Tiến sỹ, các con của Bà ngoài sự thừa hưởng trí thông minh của dòng họ Nguyễn Cảnh, còn được thừa hưởng nguồn gien thông minh thiên bẩm của Người.
Ngày 19 tháng 8 năm 1955 sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể tiếp tục phát triển trong quân đội, Ngài xuất ngũ về nhà. Với bản tính chắt chiu, chịu nghèo, chịu khổ hay lam hay làm, không có đất thì đi vỡ đất, không có vườn thì bạt núi khai hoang, dần dà về sau Ông Bà cũng có được một vài miếng ruộng và một con bò. Những tưởng thời kỳ khó khăn nhất đã qua, cùng với vợ chung tay làm ăn, nuôi dạy con cái học hành. Nhưng thật không may cho gia đình Ngài, cái mốc lịch sử đó lại mở ra một thời kỳ gian khổ nhất.
Nguyên là Ngài có một người cậu ruột, làm Tham biện lục lộ (Kỹ sư cầu đường thời Pháp thuộc) tên là Nguyễn Văn Thuyên, có nhà và nhiều ruộng vườn ở quê. Nhân chuyến đi công tác xa nhà dài ngày để xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt (Do Pháp chủ trì thiết kế và thi công), ông Thuyên đem theo cả gia đình đi vào miền Nam. Toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn ông giao cho vợ chồng người cháu ruột mà mình yêu quý và tin tưởng nhất trông coi, đó là vợ chồng Ngài. Đến mùa thu hoạch, Ông Bà đem bán nông sản và hoa lợi, quy thành tiền rồi gửi vào cho ông bà Thuyên ở tận Sài gòn. Cuộc cách mạng cải cách ruộng đất diễn ra trong cả nước, nông dân hàng ngũ tá điền vô cùng phấn khởi vì sẽ được Cách mạng chia ruộng chia nhà. Nhưng gia đình Ngài thì không được hưởng niềm vui đó. Tai hoạ giáng xuống gia đình Ngài - Nhà bị quy sai là thành phần Địa chủ với toàn bộ gia sản của ông bà Thuyên gửi lại.
Đó là thời kỳ cực khổ và đen tối nhất trong lịch sử gia đình Ngài cũng như một số gia đình khác ở miền Bắc. Vì trình độ dân trí cũng như nhận thức của đội ngũ cán bộ Đội cải cách hồi bấy giờ còn thấp. Nhiều Đảng viên ĐCS Việt nam hay cơ sở cách mạng đã bị tù đày, thậm chí bị tử hình oan uổng! Ngài cũng chịu số phận như nhiều người trong số đó. Gia đình bị quản thúc gần một năm trời, nước giếng làng Bà cũng không giám bén mảng tới múc, vì sợ bị quy cho là phản động, có âm mưu bỏ thuốc độc vào giếng để đầu độc dân làng. Với hai cái vò sành ngày ngày Bà ra tận sông Đào, leo xuống leo lên bến sông Bà Hàn gánh nước. Nhà bị niêm phong, cả nhà sống trong chái bếp, đêm đêm dùng gậy khều từng củ khoai  trong nhà của mình, để lấy cái ăn qua ngày đoạn tháng mà cứ như là kẻ trộm. Gà vịt do mình nuôi trong chuồng cũng không được tự do giết mổ, trong đêm tối lén làm thịt con gà, luộc lên gọi các con Cảnh Ngọc, Thị Xuân dậy đút cho các con ăn, nói dối với chúng: “Các con dậy ăn khoai lang”, vì sợ ngày mai chúng khoe với đám bạn được ăn thịt gà, Đội (Cán bộ đội cải cách) biết được thì nguy to. Chuyện kể rằng: “Nhà có con bò đang thuộc tài sản bị tịch thu để chia cho nông dân nghèo, nó bị buộc dưới gốc cây cau mấy ngày không được ăn được uống. Thương con bò, người bạn cùng mình bao năm tháng vật vã bên luống cày, Bà giả vờ lấy cớ đi vệ sinh, nhặt vài tàu cau rụng vất cho nó. Con bò ăn ngấu nghiến mấy tàu cau trong cơn đói khát”. Thật đáng thương thay…
Hàng ngày vợ chồng Ngài bị dẫn giải tới sân đình làng (Đình làng đã bị phá bỏ trong những năm sau cải cách. Ví trí đình làng là vị trí ngôi nhà ông Lý Dượng ngay sau trường cấp I ngày nay) để nông dân đấu tố. Trình độ dân trí của nông dân lúc bấy giờ rất thấp kém, bị quy kết thành phần giai cấp là Địa chủ cũng năm bảy loại Địa chủ. Có người tuy gọi là Địa chủ nhưng chẳng có tội tình gì để mà đấu mà tố, mà nông dân thì không đấu tố cũng không xong, vì còn có cán bộ đội cải cách thúc ép, gợi ý này nọ (từ mỹ miều gọi là “Giác ngộ”)…. Bởi vậy có nông dân đành kể tội vu vơ kiểu như: “Mi độc ác lắm, mi cậy thế mi khoẻ hơn tau, mi ghánh đến sáu  lượm ló (bó lúa) mần tau theo hông kịp”. Thật cười ra nước mắt! Người mà cũng lao động cật lực, ghánh tới 6 bó lúa thì đích thực là nông dân lao động giỏi rồi, đâu còn là địa chủ nữa mà đấu với tố. Vì vậy tuy vừa xuất ngũ, còn mang trên mình cả bộ quân phục của anh Vệ quốc quân, nhưng Ngài vẫn bị người ta chà đít chảo lên mặt mà hỏi giật ngược: “Mi biết cấy chi đây không?” (Mày biết cái gì đây không) và mắng rằng: “Chỉ có địa chủ bọn bay mới có chảo rán cá, chớ nông dân bọn choa mần chi có chảo”. Có đêm, hai Ông Bà bị bắt đứng suốt đêm giữa sân đình không được ngồi, đến sáng hai chân tụ máu sưng vù.
Sau những đêm đấu tố là những vụ hành quyết, những địa chủ bị coi là “Cường hào ác bá” bị mang ra xử bắn. Cả một vùng quê yên tĩnh vang lên tiếng loa tay của cán bộ đội cải cách, cả làng tập trung ra xem. Những người thuộc thành phần giai cấp Trung nông hay Địa chủ là những người khách bất đắc dĩ phải mục sở thị cảnh tượng này. Vừa sợ hãi vừa không muốn chứng kiến cảnh thương tâm (vì phần lớn người bị bắn cũng là người có quan hệ họ hàng gần xa), mặt người nào người nấy cứ cúi gằm xuống đất vì vậy luôn bị hất mạnh vào cằm kèm theo lời quát mằng “Ngước mặt lên mà nhìn cho rõ”. Cảnh hành quyết cũng thật đau lòng, có người sau khi bị bắn chết, chặt dây trói xong thây đổ nhào dưới đất, còn bị người ta dùng cào răng bổ vào lôi xuống hố chôn như chôn rác, không hòm không vỏ, không mảnh chiếu đắp thây …. Trong số đó không khỏi có người là đã từng nuôi giấu cán bộ tiền cách mạng (ông Nguyễn Trung Lục, nguyên bí thư huyện uỷ Đô lương đầu tiên, ông Nguyễn Xuân Sâm, ông Nguyễn Văn Luyện…) nhiều năm trong nhà như ông Nguyễn Văn Thảo ở làng Trung thịnh.
Thật may, sau đó ít lâu, nhờ chính sách sửa sai của Đảng và Bác Hồ, gia đình Ngài được trả lại thành phần giai cấp là Trung nông. Nhưng "Được vạ thì má đã sưng", số tài sản ít ỏi giành dụm được tài cũng vì thế mà mất hết. Ông Bà bán căn nhà bếp lấy tiền nộp học phí cho con. Cũng may là còn một căn nhà gỗ mít ba gian hai hồi, Ngài mua tận miền ngược còn phủ trong đống rạ chưa kịp dựng lên nên Đội cải cách không biết, nông dân tá điền thì chỉ nhăm nhăm vào mấy căn nhà ngói tường gạch, vì vậy không bị tịch thu. Căn nhà đó cũng là cái nôi ban đầu, cái tổ ấm của các con Ông Bà, mà sau này khi đã đi xa càng thương càng nhớ. (Để lưu giữ vết tích của ngôi nhà này, về sau vào năm 2006 các con của Ngài đã sử dụng một số vật liệu chính của căn nhà như cột, xà v.v. để xây dựng nhà thờ của Tiểu chi  thứ 17 họ Nguyễn Cảnh-Ngài Nguyễn Cảnh Thứ).  
Cả nhà bắt đầu một thời kỳ kiếm kế sinh nhai, kiếm tiền khổ học. Ngài ngược lên miền núi xứ Đồng Vĩnh, Đồng Cốc huyện Tân Kỳ để làm nghề kéo gỗ, chặt nứa. Mỗi bận kết bè về xuôi trên sông Con, sông Cái (sông Lam) không quên kèm theo sọt sắn, bao ngô. Đồng Vĩnh ngày đó là nơi rừng thiêng nước độc, luôn có nguy cơ mất mạng bởi bệnh tật và muông thú. Với sức khoẻ hơn người, Ngài chẳng nề hà, miễn là kiếm được gạo, được tiền cho con ăn học. Chuyện kể rằng: “Có lần đi kéo gỗ trên đường về trại, trời đã tối nhá nhem, một mình Ông ngồi trên lưng trâu, đang đi con trâu dừng lại nghếch mũi lên hít kìn kịt, Ông phải ra roi quát tháo ầm ỹ, lát sau nó mới chịu đi tiếp. Hôm sau mới vỡ lẽ là ngay trước đó vài chục mét, sau bụi cây có một con hổ ngồi phục, những lốt chân còn để lại trên nền đất cái nào cái đó bằng cái bát ăn cơm. Có lẽ nó đã bỏ đi khi nghe tiếng la hét quát tháo đánh đuổi con trâu của Ông”. Cám ơn con trâu đã phát hiện ra mùi hôi con cọp và cứu sống một mạng người trong cơn hoạn nạn ...
Ở nhà Bà và các con cũng tần tảo làm thuê cuốc mướn. Những địa danh luôn được nhắc tới trong nhà như Bàu Buồng, Bọ Xá, Chọ Hao … vì đó là những nơi cả nhà thường mò cua, bắt ốc. Chả là có câu: “Giam (cua) Bọ Xá, cá Bàu Buồng, cuông (con công) Hòn Lả (lửa), ma Hòn Trọc” đã thành thơ, thành vè của người dân xứ làng Trung Thịnh và quanh vùng từ lâu. Các con Ông Bà, đứa sáng đội cua lên chợ Gay (thuộc huyện Anh Sơn, Nghệ An ngày nay) bán, đứa chiều gánh củi sang chợ Vĩnh Đức (xã Liên Sơn thị trấn Đô Lương ngày nay) bán cho người nấu kẹo lạc, đứa đêm đêm nhủi tôm, xúc tép dọc sông Đào từ Hàng Phượng tới Diều Gà (nơi tập kết thuyền bè trước khi qua Thuỷ quan Núi Cóc), góp sức cùng mẹ cha độ nhật qua ngày.
Ngày đó, nghề đốt than và hái nụ (nụ hoa cây chè xanh) là hai nghề được dân “Thành phần địa chủ” chọn làm kế mưu sinh. Không đứng ngoài số họ, Ngài rèn một cây rựa tốt, cầm chắc tay, ngày ngày cùng vợ con lên rừng chặt củi đốt than. Đứa lớn như Sửu (Cảnh Lương), Thìn, Long (Cảnh Hải) thì giúp đào lò xếp củi, đứa nhỏ như Cảnh Bằng, Cảnh Ngọc thì vác quả bầu khô chạy đi, chạy lại xuống khe múc nước cho các anh và bố mẹ. Ớn nhất là lũ đỉa đói cứ thế nhao nhao đòi chui theo vào quả bầu, phải luôn tay khoát nước để đuổi chúng đi. Sau nhiều năm (tới mãi những năm 70 của thế kỷ 20), cây rựa vẫn tồn tại trong nhà như một kỷ vật, minh giám cho một thời khốn khó. Tiếc rằng những năm tháng chiến tranh phá hoại, cùng với lụt lội của miền Trung mà cây rựa đã bị thất lạc đi đâu không còn nữa, nếu không nó phải được đặt trong tủ kính lưu giữ tại nhà thờ của tiểu chi như một kỷ vật đắt giá nhất.
          Người khổ thì con vật nuôi cũng bị vạ lây. Chuyện kể rằng “Nhà có nuôi một con chó, chủ vật ngày ngày quấn quýt bên nhau không rời một bước, nhưng ngặt nỗi nhà nghèo không có gì đáng giá. Để có tiền học cho con, Bà bảo Cảnh Ngọc mang sang chợ Lường để bán, khi đến sông Lam trong lúc chờ phà qua sông, dây buộc con chó bị tuột, nhưng nhờ sự gần gũi giữa người và chó nên Cảnh Ngọc bắt lại được. Thật hú vía, vì đó là cả một gia tài đâu phải giỡn. Mấy hôm sau, gần sáng nghe tiếng chó hú ngoài sân, mở cửa ra con chó mừng quá nhảy bổ vào người, thì ra nó đã sổng khỏi nhà người ta, nhớ hướng nhà bơi qua dòng sông Lam để về với chủ. Thương quá đi thôi, nhưng vì nhà nghèo túng quá, nên nó lại bị mang đi bán một lần nữa trong nước mắt ngắn, nước mắt dài của cả nhà. Lần này thì nó ra đi thậ sự, không bao giờ trở lại…”. Nhiều năm sau đó, Bà vẫn không quên nhắc lại câu chuyện thương tâm đó và luôn nói: “Tội thân con chó, có lẽ hắn bị người ta mần thịt mất rồi…”.
 “Dân địa chủ” tối về làng đều im thin thít, đi đâu thì mặt cúi sầm, ở trong nhà mình cũng chẳng dám nói to. Ngày vào rừng với mo cơm (mà hơn nửa là khoai dong riềng và sắn) muối vừng (Nếu khá hơn thì gạo rang với muối có vẩy vào một ít mắm tôm pha loãng) cùng những nắm lộc Mưng, lộc Ớt, lộc chè (lá cây non), được cười to nói lớn giữa chốn rừng rú hoang sơ của vùng khe Ngang, khe Cá, được kể cho nhau nghe chuyện cổ chuyện kim, cả chuyện đang đêm trèo qua hồi nhà (vì cửa nhà bị niêm phong) vào múc mật mía ăn, rồi tè vào chum ... đựng mật.
Ngài Cảnh Lâm có một người con gái duy nhất tên Xuân, nhưng vất vả khổ sở cũng chẳng khác gì các anh trai. Mới lên 7 tuổi, đêm đêm đã phải theo các anh ra con Sông Đào phụ nhủi tôm (xúc tôm) bắt cá. Ngày đó con sông Đào tôm tép  nhiều vô kể, để bắt được phải có một công cụ xúc tép mà dân địa phương thường gọi là Nhủi, anh đẩy Nhủi dưới nước, em mang giỏ đi dọc trên bờ. Khổ nỗi hai bờ nhiều chỗ quá dốc đi lại rấ khó khăn lại có quá nhiều gai thèn thẹn (gai Xấu hổ), gai Ngấy (cây Mâm xôi) và đủ thứ các loài rắn độc như Hổ mang, Cạp nong, Cạp nia…, Ngài dạy các con cầm một cây gậy, vừa để chống vừa đập đập phía trước để xua lũ rắn đang rình rập đâu đó. Nghề nhủi tôm cực là vậy nhưng nó vẫn được các con Ngài lựa chọn truyền cho nhau làm kế mưu sinh, từ những tháng năm sau cải cách (1957) cho tới những năm 70, từ thế hệ anh chị đến thế hệ em út. Quần áo, sách vở, giấy bút đi học cũng từ những bát tép hũ mắm đó mà ra.
Lo cái ăn đã vậy, lo cái mặc cho cả đám con bảy, tám đứa cũng chẳng kém gay go. Tết đến, không đủ tiền sắm đồ tết, Bà may cho đứa cái áo, thằng cái quần, chia đều để đứa nào cũng có đồ mới diện Tết. Có lần Cảnh Vinh ngây thơ nhắc Bà: “Mự lấy lá chuối vá lỗ rách trên áo cho con, để con mặc Tết”. Bà hàng xóm tên Thanh (Bà Thanh Lệ) nghe thấy mủi lòng, cho vay tiền may áo. Bà cám ơn mà chẳng dám phiền, mặc dù bà Thanh trấn an tha thiết rằng: “Chờ khi mô thằng Lương ra trường, đi mần (đi làm) có tiền lương tui mới lấy lại…”.
Cuộc sống ngày đó cũng giản đơn, mấy anh em cũng như đám con nít nhà quê thật dễ chơi, dễ ngủ. Mùa Hè nóng thì nhảy ùm xuống ao mà tắm, đêm oi bức đặt nong xuống đất mà nằm, chả sợ muỗi, chả lo hơi đất. Chỉ ngán gặp mấy con rết, mấy con rắn cạp nong ngọ ngoạy đi ăn đêm. Đến mùa Đông không có áo ấm thì mặc nhiều áo rách vào trong, ngực và lưng lót thêm vài tờ giấy lộn, cứ thế mà đi qua từng đợt gió mùa Đông bắc. Mỗi bận trời rét, Ngài thường tết mấy cái tranh rạ lót xuống dưới chiếu làm nệm, phía trên đắp mấy cái chiếu rách thế là ấm rồi. Có điều mấy đứa con còn nhỏ bị tật đái dầm, nước đái không thoát, hết mùa đông giỡ ra, thì mấy tấm tranh rạ bị mục nát và khai ngấy cả một vùng. Những đợt rét đậm, Ngài thường đốt bếp lửa bằng những gốc cây khi đi đào rẫy mang về, để cho các con nằm ngủ vây quanh, vì thế đã có một lần do sơ suất, vạt áo sau của Cảnh Hải bén lửa cháy bùng, cả nhà được một phen hú vía.
Về sau, nhờ kiếm được vài cái bao tải làm bằng sợi đay, loại có “Sọc xanh”, mỗi người một cái, cho chân vào trong vừa đỡ muỗi cắn, vừa đỡ buốt bàn chân. Cậu bạn Cảnh Thìn ở làng Khả Phong tên Cò tìm đâu được chiếc áo Trấn Thủ (loại áo ấm của bộ đội Điện biên) mang đến tặng, bà mặc vào và coi như bộ cánh duy nhất để chống chọi với cái rét mùa đông. Ràn trâu (chuồng trâu) của Ông Bà cũng được mệnh danh là “Lò kỹ sư, tiến sỹ”. Bởi đám bạn bạn của Thìn, Lương như đám Ngọc (Phị), Khánh (Phi), Cò…(sau này đều trở thành kỹ sư, tiến sỹ) đêm nào học bài xong cũng trèo lên, rúc vào đống rơm để “Tá túc” qua đêm.
Cuộc sống vẫn trôi, mầm sống vẫn đâm chồi! Thật ngàn lần cám ơn những con cua, con ốc, những cánh rừng đại ngàn xứ Nghệ, đã cứu giúp con người kiếm được miếng khoai củ sắn để vượt qua một thời hoạn nạn.
Miền Bắc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa trong bối cảnh nghèo nàn và lạc hậu, vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Các con Ngài cũng lần lượt ra chiến trường, đứa vào miền Nam, rồi đứa lên Lào chiến đấu. Ngày Cảnh Hải nhập ngũ (8.1964), mọi hoạt động trong nhà vẫn không hề thay đổi, Bà vẫn đi cấy tại cánh đồng Lòi Mua. Ông ở nhà giã mấy củ nâu nhuộm mấy mét vải chiêm bâu (vải thô rẻ tiền) phơi trên bờ gai Ngấy bên đường quốc lộ số 7, giao cho Cảnh Vinh trèo trên cây ổi trông chừng và chơi với Cảnh Quang, rồi vội vã bê thúng khoai lang ra sát (cắt miếng), phơi cho kịp nắng. Cảnh Hải ra trận mà không một người đưa tiễn, không một lời hẹn hò tái ngộ. Có lẽ miếng cơm manh áo ngày đó cũng quý tựa mạng người! Trưa về Bà sai Cảnh Ngọc trèo lên hái mấy quả bưởi (cây bưởi này đứng sát bờ rào cạnh đường quốc lộ số 7, ngay tại bên trái cổng vào nhà Nguyễn Cảnh Bằng ngày nay) gọt ăn ngay dưới gốc cây cho đỡ đói bụng. Bà hỏi các con: “Hải đi ruồi à” (Hải đi rồi à), hỏi xong nước mắt Bà chảy giàn dụa, miếng bưởi cũng nghẹn trào trong cổ họng. Có lẽ lúc đó trong lòng Bà cũng đang đứt từng khúc ruột ...
Những năm tháng tiếp theo là những năm tháng khắc khoải chờ tin Cảnh Hải từ chiến trường miền Nam xa xôi. Mỗi lần nhận được thư là cả nhà như ngày hội, thư thường được đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng xong mỗi lần đọc là một lần Bà nói trong nước mắt “Thư vìa đó, hông biết ngài còn hông” (thư về đó, không biết người còn không) bởi ngày gửi thư và ngày nhận thư có khi cách nhau đến cả nửa năm trời. Hễ có người từ chiến trường ra là Ông Bà tìm đến hỏi thăm, hy vọng nhận được một mẩu tin về con trai của mình. Ở nơi xa, Cảnh Hải cũng luôn ngóng về quê nhà qua những vần thơ gửi về đại loại như: “Nghệ An quê anh xa lắc xa lơ. Đêm dài nằm ngủ anh vẫn mơ. Nghệ An quê anh đẹp hơn xưa”. Từ miền Nam xa xôi qua những người thương binh hiếm hoi được đưa ra miền Bắc, cũng le lói một vài thông tin ít ỏi, lúc thì có tin Cảnh Hải bị thương nặng phải chuyển công tác khác, lúc thì có tin rằng đã hy sinh ... và sau đó là thời gian rất dài không nhận được tin tức gì. Thỉnh thoảng địa phương lại tổ chức lễ truy điệu cho một vài liệt sỹ, chiến tranh thật tàn khốc. Cả nhà cứ vậy sống trong khắc khoải chờ mong…
Chiến trường ngày càng ác liệt, thanh niên lớn lên là đi bộ đội. Trong làng hầu như chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ con, mà phụ nữ khoẻ mạnh cũng không còn mấy người, vì còn phải đi Dân công hoả tuyến (tiếp tế cho chiến trường). Năm 1965, Cảnh Bằng bị bệnh đau đầu suy nhược thần kinh, hoàn cảnh cũng thật ngặt nghèo. Có bệnh thì vái tứ phương, Bà cơm nắm cơm đùm đi bộ tới lui đền Bà Vi tận xứ Giang Sơn bốc thuốc. Bấy giờ muốn đến bệnh viện Tỉnh để khám cũng khó, nhà ở xa mượn được chiếc xe đạp cũng đâu phải dễ, mà cũng đâu có tiền có bạc mà đi! Năm 1967 sau mấy năm ốm đau, vừa mới tạm bình phục là Cảnh Bằng xin gia nhập vào lực lượng Thanh niên Xung phong, đi phá đá mở đường, bắc cầu phao rồi vào bộ đội, chiến đấu tận Cánh đồng Chum bên nước Lào xa lắc.
Năm 1968, Mỹ đánh phá ác liệt ra miền Bắc, đặc biệt là vùng Khu 4 cũ (Thanh Hoá, Nghệ An). Lại một thời thử thách mới bởi gian khổ và đạn bom. Sẵn kinh nghiệm sông nước của những ngày đi bè hồi cải cách, Ngài tham gia làm tổ trưởng đội thuyền vận tải của hợp tác xã Đại Thắng, Nam Sơn. Thường ngày thì đi chở đá cho mấy lò nung vôi của hợp tác, mỗi bận đi làm trên đường về nhà, buổi tối Ngài vác vài ba hòn đá xanh tích cóp dần. Sau này trong một lần nghỉ phép, với "tay nghề" ghép đá mở đường của thanh niên xung phong, Cảnh Bằng đã ghép lại móng nhà. Thỉnh thoảng Ngài tham gia vận tải hàng hóa của nhà nước, chở  dân đi kinh tế mới. Ngược xuôi trên dòng sông Lam từ thượng nguồn cho tới hạ lưu vùng Bến thủy. Chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ngày càng khốc liệt, nhà lại ở gần cầu Sắt (nay là cầu Khả Phong, trên đường số 7, thuộc xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), một mục tiêu số một của Không lực Huê kỳ. Ngày cũng như đêm máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời, chúng thường bổ nhào cắt bom theo chiều dọc của cây cầu, rất không may đó lại là hướng của căn nhà Ông Bà và các con đang ở. Ngài dạy các con cách phòng tránh khi có máy bay ném bom, rằng đừng chạy theo chiều cây cầu mà chạy ngang theo hướng dọc bờ sông lên phía Rú Cựa, xuống phía Trọt Rú. Ngài đào ba góc vườn ba căn hầm trú ẩn, dặn mỗi người chạy về một hướng khi có tiếng kẻng báo động của dân quân từ đỉnh núi Hòn Dài, để nếu trúng bom thì không chết cả nhà. Trong nhà, Ngài cũng đào một cái ngay dưới tấm phản giữa nhà, chính căn hầm này đã cứu sống cả nhà thoát khỏi một quả bom sát thương nổ gần bụi tre sau nhà. Bận đó, khi phát hiện có máy bay thì đã nghe tiếng bom rít trên đầu rồi, đâu kịp chạy ra vườn nữa. Căn nhà ngói tuyềnh toàng vách liếp, nhưng nhiều phen chỉ trơ lại những tấm rui tre, vì bom Mỹ nổ đã hất toàn bộ ngói xuống đất. Một mình Ngài giắm đi giói lại, chắt chiu từng viên ngói vỡ, dồn ngói lành cho hai mái nhà còn hai hồi nhà thiếu ngói thì lợp bằng rơm rạ. Những năm tháng chiến tranh cũng lại là những tháng năm đói cơm rách áo. Học sinh sơ tán vào học trong những lán học nửa nhà, nửa hầm ở vùng Xóm Sau của làng. Ông Bà đưa các con vào ở tạm trong những lớp học của trường cấp I Nam sơn cùng gia đình ông Mai, Ông Luyện là hai gia đình trong làng bị bom Mỹ ném đúng nhà không còn chỗ ở.
Dần già mọi người cũng quen dần với đạn bom và rốc két Mỹ, trẻ con cũng trở nên lỳ lợm với sự có mặt của không lực Huê kỳ. Cứ mỗi bận có máy bay, sau những hồi kẻng báo động giục liên hồi (bằng vỏ một quả bom tấn thời Pháp cắt đôi) từ trạm trực chiến của dân quân xã trên đỉnh núi Hòn Dài, là có nhiều người chạy ra nơi dễ quan sát để xem chừng. Những tiếng hô như “4 chiếc F105”, “6 chiếc vỉ ruồi”, “Vòng lại rồi” hay “Xuống hầm đi lên cao rồi, chuẩn bị bổ nhào”… cứ thế vang lên từ các “Đài quan trắc” tự nguyện đó. Mọi người ngồi trong hầm cũng biết được lúc nào thì cần bịt tai (để khỏi bị điếc tai, ù tai) vì những tiếng nổ chát chúa của bom sát thương, bom tấn dội xuống cầu Sắt, Vòm Cóc gần nhà.
 Sân vận động gần nhà được cày lên để trồng mía, trồng khoai vừa để ngụy trang tránh máy bay Mỹ đánh bom, vừa để lấy cái ăn. Đó là những năm mất mùa đói kém, máy bay đánh hàng ngày như cơm bữa, giao thông hầu như tê liệt. Chỉ có đêm đêm những đoàn xe chở đầy vũ khí, đạn dược nặng nề bật đèn gầm mò mẫm trên đường số 7 đi về phía mặt trận Lào, trong phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc” của người dân Khu 4. Vì vậy chỉ cách biển Diễn châu có 29 Km mà nhiều nhà muối cũng không có để ăn. Trẻ em đi học không có mực, có giấy để viết, có người lấy quả cây mua, quả dây mùng tơi vắt nước làm mực, lấy giấy cũ phơi ra sương cho mờ chữ để viết lại bằng bút chì (vì viết bút mực sẽ bị nhoè). Trẻ em nhà nào ban đêm muốn học bài cũng phải dùng một ống tre to, cho cây đèn Hoa kỳ (đèn hột vịt) vào trong, khoét một lỗ nhỏ đủ cho ánh đèn dầu le lói chiếu vào mặt vở vì sợ máy bay Mỹ bắn tên lửa, thả bom. Ngài dùng một đoạn ống phóng Rốc két của Mỹ thay cho ống tre làm ống để đèn, vừa nhẹ lại vừa đẹp. Chả thế mà nhà thơ Vương Trọng đã có câu thơ khá thi vị: “Chiếc đèn chui vào ống tre ống nứa. Cho đám trai làng đọc lá thư thăm”… Bếp nhà cũng tuềnh toàng, chẳng che được ánh lửa rơm bập bùng trong những chiều về muộn, vì vậy đang nấu cơm có máy bay là lại phải tắt bếp. Nhiều hôm nồi cơm trương sình, khét lẹt mùi khói rơm vì thiếu lửa. Các chân ruộng vùng gần cầu Sắt như: Cửa Mình, Trọt Cầu, Trọt Rú chỉ dám sản xuất vào ban đêm hoặc gần sáng, hạt lúa trồng được cũng phải cắn đôi một nửa dành cho truyền tuyến vì khi mặt trời lên nhìn rõ mục tiêu là máy bay lại tới ném bom. Hạt lúa củ khoai trồng được trong mồ hôi nước mắt cũng phải cắn đôi một nửa dành cho tuyền tuyến, cực khổ trăm bề….
Năm 1968 còn là một năm mất mùa lớn, cây khoai lang trồng xuống cũng không dễ gì có củ, vì từ khi bén rễ đã bị con người hái ngọn, hái lá để ăn quá nhiều làm cho cây không phát triển được. Bới khoai lên, tất cả những gì bám vào dây khoai, phần nằm trong lòng đất đều được thu hoạch hết. Mỗi lần ăn khoai Ngài vẫn thường gọi đùa đó là món “Khoai bốc”, vì khi ăn không thể cầm từng củ, mà phải bốc một nắm nhiều củ, cũng chẳng cần bóc vỏ, mà bóc làm sao được bởi củ nào cũng chỉ bằng chiếc đũa hoặc quá lắm là bằng ngón tay. Tết đến nơi, trong nhà nhiều gia đình không còn gì để ăn sống người, đừng nói chi tới bánh chưng, bánh tét. Ngài cùng mấy người bạn chèo thuyền lên miền ngược, mua về một đống chuối xanh, vậy là có cái ăn rồi. Từ món canh chuối xanh lá lốt nêm muối, tới món chuối luộc, món chuối hấp cơm. Đến những nhánh cuối cùng thối cồi, vỏ chuyển sang màu vàng thì được gọi là… Chuối chín. Kiếm được cái ăn để sống người là mục tiêu số một, không loại trừ cả những mớ cá Rô cá Diếc bị ngộ độc thuốc trừ sâu do phun bèo hoa dâu nơi xứ Cống Mình. “Cứt cá còn hơn lá rau” là câu ngạn ngữ của người dân xứ Nghệ, nhưng cũng là câu nói vui được nhắc đến trong nhà, trong những ngày tháng đói cơm rách áo đó. Cứ như vậy cả nhà nhặt nhạnh, độ nhật qua ngày đoạn tháng, cùng cả làng chống chọi với trận đói, mà đi qua cái tết Mậu Thân trong mưa phùn gió bấc.
Nói đói khổ là đặc điểm chung của cả bàn dân thiên hạ, còn trong nhà Ngài, khổ thì có khổ, nhưng đói thì có lẽ chưa bao giờ Ngài để các con mình đứt bữa. Với bản tính cần cù, chịu khó, Ông Bà nhẫn nại khai hoang hết cồn này rú nọ. Vùng đất tốt như Bãi Nhoi thì để trồng rau muống đỗ Cô ve, đám sỏi đá thì trồng khoai, trồng sắn. Đất gò đồi chỗ cao chỗ thấp thì san lấp cải tạo dần, làm được vài mùa tạm bằng phẳng một chút xã tịch thu xung vào hợp tác (với lý do không cho phát triển kinh tế cá thể) lại đi tìm khai hoang nơi khác. Vệ sắn (nương sắn) núi Đồng Lữ, vệ khoai Bàu Buồng, vệ đậu lạc Rú Cựa… đầu mùa kẽo kẹt gánh phân đi đ, cuối mùa cò cử gánh sắn khoai về. Tất cả để làm sao cho đầy mấy chum sắn, chum khoai khô lát, để ngày ba tháng tám có các món “cổ truyền” như Sắn vắt (bột sắn nhào nước, vắt vào đũa bếp để có lỗ hổng ở giữa khi đồ cho nhanh chín, xếp vào chõ, đồ lên) hay Sắn viên hấp cơm. Toàn những món “Sơn hào hải vị”, mà trong đời ai đã một lần “Thưởng thức” thì không thể nào quên được, vì cái vị nhân nhẩn đắng của vỏ sắn và ngai ngái, hăng hăng của sắn khô….
Cũng may, ngày đó môi trường phát triển tự nhiên, thiên nhiên còn đang dồi dào phong phú. Trên đồi, bên sông, nơi lòi (bãi tha ma), ngoài bụi, chồn cáo rất nhiều, cá mú dưới sông, ngoài ruộng thì vô kể. Ngoài lũ cá Rô, cá Diếc, lươn, ếch… những đêm thanh vắng nằm trong nhà, nghe cá Tràu (ngoài Bắc gọi là cá Chuối và trong Nam gọi là cá Lóc) đớp ngoài ruộng Lá Cờ mà giật cả mình. Đó là nguồn đạm, nguồn protein gần như duy nhất cho cả nhà. Ngài dạy các con cách huấn luyện chó để săn chồn, bắt cáo. Được cái mấy con chó nuôi trong nhà như con Hươu, sau này có con Súc (Bà còn hay gọi nó là con Cụt chả là nó bị cụt đuôi), con Tô, con Xoăn con nào săn chồn cũng giỏi. Có bận đi theo cô Hương (con ông Luyện) sang bờ sông còn bắt được một con chồn Ngận (cầy Hương), chồn Mồng. Ngài dạy cách trát bùn, xem hướng đi của lũ chồn Rèn để đặt bẫy cò ke. Cách cắm câu, đặt đụt, làm bộng lóc (một loại bẫy cá làm bằng cái hố đất hay cái vò sành v.v), đặt trộ sa (cũng là một loại bẫy cá đan bằng tre) ở những đám ruộng bậc thang xứ ruộng Trọt Ngang mà bắt lươn bắt cá. Cái hương vị của cá Lòng Đong, Bạ Trù, Cần Cấn, Mái Mái bắt được, đem kho với lá gừng, nước Nhút còn theo các con Ngài đi suốt cuộc đời, đi đến tận trời Tây mà không sao quên được…
Để có thêm thu nhập, Ngài chủ trương phát triển đàn dê đến mười mấy con, giao cho Cảnh Vinh chăn dắt, tiền bán dê để may quần áo, đóng học phí. Ngoài ra đó cũng là nguồn thực phẩm bổ sung cho những ngày lễ Tết của cả gia đình. Lũ dê khi chăn thả láu lỉnh chạy lông nhông từ Hòn Dài, băng qua Hòn Xạ, sểnh ra là chui vào vệ (đám nương trên núi) ông Tần, ông Điệm. Ngài có sáng kiến dùng mấy cái bịt đầu đạn pháo cao xạ 37 ly, chế tạo thành những cái chuông, đeo vào cổ  con đầu đàn, vì vậy chúng đi đến đâu cũng phát ra tiếng kêu leng keng rất dễ nhận biết. Rất tiếc là những cái chuông đó nay cũng không còn, có lẽ nó đã bị mất trong các chiến dịch thu gom hàng phế liệu sau này.
Việc nuôi con ăn học, khổ học thành người có lẽ người dân trong vùng không ai là không biết. Vật lộn cùng cuộc sống mưu sinh gian nan là vậy, nhưng Ông Bà không để đứa nào trong 8 đứa con của mình thất học. Rau cháo bữa đói, bữa no, nhưng chưa bao giờ Ông Bà để các con mình đói chữ. Bà luôn dạy các con: “Cậu Mự (cha mẹ) không được học hành. Tức chí, bấm chí nuôi các con, các con cố học cho giỏi để thoát khỏi cảnh nghèo khó quê ta, thoát khỏi cảnh lội Bàu Buồng, trèo Hòn Tròn, Động Rãy”. Từ thời đầu Cảnh Lương, Cảnh Thìn, cả tỉnh chỉ có một trường cấp III, nhà nghèo trường lại ở xa, nhưng các con không bỏ học. Ngài đi làm ăn xa, ở nhà Bà dám tự quyết bán cả căn nhà bếp lấy tiền đóng học phí cho con. Cảnh Hải bị quá tuổi vào cấp II, Bà gửi lên tận vùng cao Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn theo học. Cảnh Hải hồi đó tuy còn nhỏ, nhưng thừa hưởng cái nét đẹp trai của cha, cái nết hay lam, ham làm của mẹ, luôn thực hiện phương châm “Đi dân nhớ ở dân thương” vì vậy đã được một ông bà ở nơi trọ học rất thương rất quý, nhận là con nuôi và hứa gả cho cô “con gái rượu” tên Nhường…
Anh đi trước dìu giắt em đi sau, Cảnh Lương tốt nghiệp đại học ra trường đi dạy, đã cùng các em Cảnh Ngọc, Thị Xuân vào rừng chặt nứa hái măng, dựng lán trồng rau, trồng đỗ Cô-ve, trồng sắn để phụ thêm cha mẹ tìm cái ăn cái mặc, anh em cùng nhau khổ học trên vùng rừng núi  huyện Tân kỳ, Nghệ An. Mỗi tháng về nhà khi gặp khoai lấy khoai, khi có sắn lấy sắn, dịp bẻ ngô lấy ngô. Đi bộ ngược xuôi, vượt qua Truông Dong (nằm giữa phần giáp ranh của huyện Đô Lương & Tân Kỳ) trong bom, trong đạn.
Sau năm 1972, chiến tranh phá hoại kết thúc, miền Bắc được hưởng hòa bình trở lại. Sau 2 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc, ngôi nhà gỗ mít ba gian hai hồi của Ông Bà vẫn còn đó nơi đầu làng Trung Thịnh, cho dù quanh nhà nham nhở những hố bom. Cả nhà được hưởng một chút niềm vui tinh thần, đó là Cảnh Thìn học đại học từ Liên Xô về nước và Cảnh Hải sau gần chục năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam cũng sống sót trở về. Gia đình sum họp đông vui, đó là lần gặp mặt đông đủ duy nhất của cả nhà từ trước tới nay và có lẽ mãi mãi về sau không bao giờ còn nữa. Cũng may Cảnh Thìn có mang máy ảnh về và đã kịp ghi lại khoảng khắc hiếm hoi đó với sự hiện diện của “Tứ đại đồng đường”, từ hai cố nội, ngoại tới chắt Nguyễn Thị Hằng con của Cảnh Lương.
Chiến tranh còn đó, sau cuộc gặp mặt cả nhà vào mùa hè năm 1972 lại những cuộc “Chia ly màu đỏ”. Năm 1974 Cảnh Vinh tiếp tục nhập ngũ vào Nam chiến đấu, để chuẩn bị cho chiến dịch Mùa xuân năm 1975. Thời gian đã trôi qua hơn 10 năm (từ ngày Cảnh Hải lên đường) nhưng cuộc chia tay với người ra trận vẫn mông muội tựa ngày nào, không nước mắt, không bữa cơm chia tay, không người thân đưa tiễn, mọi người vẫn ai đi làm việc nấy… Hình như người ta sinh ra để mà tảo tần tìm miếng cơm, manh áo. Lớn lên để mà ra trận, để mà chiến đấu. Cuộc đời vẫn vậy, miếng ăn vẫn …quý tựa mạng người !
Cuối những năm 70 đất nước lại xảy ra chiến tranh, hết biên giới Tây Nam với quân Khơ me đỏ lại  biên giới phía Bắc với quân bành trướng Trung Quốc, Đến lượt Cảnh Quang nhập ngũ sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế (theo thoả thuận của hai nước Việt-Lào) nơi rừng thiêng nước độc với cái chết cận kề của bọn phỉ Vàngpao và những cơn sốt rét rừng giai giẳng tận biên giới Thái-Lào…
Diệu kỳ thay! Trải qua bao năm tháng cùng dân tộc trường kỳ kháng chiến, từ đời cha cho tới đời con, mấy mươi năm căng mình ra trên mọi miền đất nước, mọi ngả chiến trường, trải qua không biết bao nhiêu éo le, gian nan, khốn khó để mưu sinh. Tám người đàn ông trong nhà thì tới năm người ra trận, người đi xa sống trong bom đạn, người ở nhà cũng sống dưới đạn bom, mà vẹn toàn không mất một ai. Từ trong khó khăn gian khổ đạn bom, các con Ngài không phụ lòng bố mẹ, đã vượt lên vươn tới thành Người. Anh đi trước tiếp bước em theo sau, lần lượt học hết phổ thông (một điều không dễ làm hồi đó) đi qua các cuộc chiến tranh, sống sót trở về bước vào vào các trường cao đẳng, đại học để thành Thầy, thành Sỹ quan, thành Nhà kinh doanh, thành Kỹ sư, Tiến sỹ…

             Thật là:
Từ trong gian khổ vượt lên
Giũ bùn đứng dậy chói ngời tương lai.
Có lẽ có được điều kỳ diệu đó cũng phải nhờ hồng phúc của nhiều đời tiên tổ dòng họ Nguyễn Cảnh. Nhưng phải chăng đây chính là do lẽ sống hợp với lẽ trời là “Đức năng thắng số” của gia đình Ngài Cảnh Lâm …
Các con các cháu sau này xin đừng bao giờ quên điều đó và hãy luôn nhắc mình: Đừng thẹn với Ông Cha!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét