Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI 18 C CẢNH THẢO

Ngài Cảnh Lâm có người em ruột tên là
NGUYỄN CẢNH THẢO
(XVIII-Đ)

Ngài Nguyễn Cảnh Thảo là con thứ 5 của Ngài Nguyễn Cảnh Thứ, lại là người gốc Bắc vì vậy người dân trong vùng thường gọi là Ông Năm Bắc.
Năm sinh: 1916 (Ngày tháng sinh không rõ). 
Nơi sinh: làng Nghiêm Thắng, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Thuộc xã Đông Sơn, Đô Lương, Nghệ An ngày nay.
Mất ngày 13 tháng 1 (âm lịch) vào năm 1985, thọ 69 tuổi.
Hiện nay lăng mộ đã được xây dựng tại chỗ ở của con trai đầu của Ngài là Nguyễn Cảnh Phượng thuộc thị trấn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Chánh thất của Ngài là bà: Nguyễn Thị Tân.
Năm sinh 1922, tại Mỹ Trà, Cao Lãnh, Kiến Phong (nay là Đồng Tháp).
Bà từ trần ngày 16 tháng 2 (âm lịch) Năm 1975, thọ 53 tuổi. Mộ của Ngài được táng gần chồng.
          Ngài Cảnh Thảo là người thông minh, nhanh nhẹn. May mắn hơn các anh chị em của mình, Ngài được cha mẹ cho ăn học ngay từ nhỏ. Tuy chưa đậu đạt gì lớn nhưng cũng được xếp hạng là những người “Có chữ” trong làng. Vì vậy, ngay từ còn trẻ, Ngài đã được cậu ruột Nguyễn Văn Thuyên (Tham biện lục lộ) lựa chọn trong đám cháu của mình để đưa đi theo vào miền Nam, tham gia xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt. Hàng ngày, Ngài phụ giúp Cậu tham gia việc đo đạc, ghi chép, tính toán sổ sách trên công trường như một trợ lý thực thụ. Khi tuyến đường sắt xuyên Việt hoàn tất và đưa vào sử dụng, Ngài tiếp tục theo Cậu đi tham gia xây dựng các công trình cầu đường khác của người Pháp tận xứ Nam vang (Căm-Pu-Chia).
Ngay từ lúc còn trẻ, Ngài đã sớm nuôi ý chí sẽ trở thành một Triệu phú. Với bản tính cần cù, chắt bóp, tằn tiện của người dân xứ Nghệ, ngay từ khi còn làm ăn trên đất Nam Vang, một xứ sở nổi tiếng có nhiều vàng bạc loại tốt, Ngài chăm chỉ làm ăn, sớm biết tích lũy tài chính bằng kim loại quý của xứ người. Khi đã có được một số vốn kha khá Ngài trở về Việt nam lấy vợ, sinh con xây dựng cơ nghiệp. Ngài sinh sống ở nhiều nơi, làm nhiều nghề, nhưng nơi định cư lâu nhất là: Thị trấn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và nghề nghiệp Ngài dành nhiều tâm huyết nhất là nghề chụp ảnh. Cuối cùng Ngài cũng xây dựng thành công thương hiệu: “Tiệm chụp hình Tấn Thành”- Ngay thị trấn, gần Cầu mương nhà máy. Một thương hiệu khá nổi tiếng ở thị trấn Hồng ngự và vùng lân cận thuộc tỉnh Đồng tháp hồi bấy giờ
Giai đoạn chống Pháp năm 1948, Ngài được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt nam ngày nay). Được giao Chức vụ: Phó Ty giao thông liên lạc (tương đương với Phó GĐ Sở ngày nay) tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Từ năm 1953 đến 1975, vợ chồng Ngài phụ trách trạm giao liên mật, từ Việt Nam sang Cam-pu-chia do Trung ương Cục miền Nam tổ chức, trực thuộc đơn vị Đ41 thuộc đoàn 22 của Mặt trận Giải phóng  miền Nam Việt Nam.
Dưới chế độ Việt nam Cộng hoà, thanh niên lớn lên đều phải đi lính hoặc làm việc cho chế độ cũ. Tuy nhiên vợ chồng Ngài tìm mọi cách cho các con trốn quân dịch, các con Ngài đều được học hành tử tế, tham gia vận chuyển tài liệu, thuốc men cho cách mạng và đều trở thành thầy cô giáo hoặc theo nghề của cha.
Sau năm 1975, vì thành tích đã có công nuôi giấu cán bộ, bộ đội, tiếp tế tiền bạc, thuốc men, lương thực cho cán bộ, chiến sỹ cách mạng phục vụ công cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, gia đình Ngài được công nhận là “Gia đình có công với cách mạng”.
Là người con xa xứ trong điều kiện đất nước còn chia cắt, chiến tranh triền miên, không hẹn ngày về. Ngài đau đáu nhớ về quê hương và cùng với em trai (Cảnh Trà) đặt tên các con cháu bằng những tên làng, tên xã nơi quê cha đất tổ của mình. Sợ không đợi được tới ngày tái ngộ, Ngài ghi âm lại căn dặn con cháu rằng:  Sau này thống nhất đất nước các con hãy tìm về quê nhà, đường đi ở trong tên tuổi của các con đó. Ba đặt tên các con Nghệ là tỉnh Nghệ An, Thắng là làng Nghiêm Thắng, Lương là huyện Đô Lương…”.
Sau mấy mươi năm xa cách, đất nước thống nhất nhưng vì mắt mờ (do cận thị từ hồi còn trẻ, lại làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng của nghề chụp hình) không thể đi xa để trở về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn. Nhưng thật may mắn là năm 1978, Ngài đã gặp lại được hai chị gái và anh trai Cảnh Lâm của mình. Các con cháu Ngài cũng đã lần lượt tìm về quê hương xứ sở đúng như nguyện vọng của Ngài.
Chiến tranh Biên giới Tây Nam xảy ra, tuổi già sức yếu, Ngài để nhà cửa lại cho con cả Cảnh Phượng, chuyển về Tại thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay là số nhà 31, Tổ 31, Xóm 4, Phường 4, Thị xã Cao Lãnh, Đồng tháp, ngay đầu cầu Cái Tôm, gần lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Dựng một căn nhà mới sinh sống tại đó đến cuối đời.
Ngài sinh được 6 người con, 2 trai và 4 gái. Đó là:
Con trai thứ nhất: Nguyễn Cảnh Phượng. Làm nghề chụp hình.
Con trai thứ hai: Nguyễn Cảnh Hồng Tôt nghiệp đại học, giáo viên.
Bốn người con gái là:
Con gái thứ nhất: Nguyễn Thị Nga. Nội trợ
Con gái thú hai:   Nguyễn Thị Nghệ. Giáo viên.
Con gái thứ ba:    Nguyễn Thị Nghiêm Thắng. Giáo viên.
Con gái thứ tư:    Nguyễn Thị Lan. Kinh doanh, lao động tự do.

2 nhận xét:

  1. Anh Vinh, con gái mới làm cho tôi một blog để kết nối với anh đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ok thế thì hay quá. Chờ đọc các bài viết trên Nghệ Nguyễn. Nhưng lần sau O vào Web đọc dễ hơn (chọn dòng Gia phả ... in thường), hai trang có dữ liệu như nhau, nhưng bên này khó xem hơn.

      Xóa