Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI THỨ 4

Đời thứ tư

Phúc khánh Quận công
NGUYỄN CẢNH HUY
(IV-Đ)

Ngài là con trai thứ năm của Ngài Nguyễn Cảnh Cảnh, là người tài trí dũng lược lập nhiều công tích với Nước, được Nhà Lê thăng là Vạn an vệ Tổng tri binh dân sự vụ, Hành hạ Nghệ an đạo, tước Hoằng Hưu Tử.
Ngài cư trú tại thôn Nùng Quán (thuộc huyện Thanh Chương ngày nay). Chính thất của Ngài người ở Hiến Lăng, sinh được một người con trai tên là Noãn. Đến năm 1508 Ngài lấy kế thất tên là Tế, 13 tuổi, ở Đô Lương ngày nay, sau đó làm nhà cư trú tại Đô Lương. Tháng 12 năm Tân Tỵ (1521) thời vua Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu thứ sáu, ứng điểm hùng bi (sinh võ tướng), bà sinh con trai đặt tên là Nguyễn Cảnh Hoan.
Năm Thống Nguyên (1522), có Mạc Đăng Dung người làng Cổ Tế, tỉnh Hải Dương nổi lên chiếm ngôi vua, đổi niên hiệu là Minh Đức. Số Cựu thần Nhà Lê bất phục, nổi lên hùng cứ các nơi. Bốn phương loạn lạc, trộm cướp xảy ra khắp nơi. Nhiều bọn lục lâm nổi lên ở vùng Nghệ An như Mỹ Tích, Thằng Bật (ở Đông Liệt), Nha Bạt, Hạc Lâm (ở Đồng Luân), Bá Cao (ở Đại Đồng) hùa nhau quấy rối khắp vùng.
Hoằng Hưu Tử Nguyễn Cảnh Huy về giữ trại Nùng Bang (nay là Nùng Sơn, huyện Thanh Chương), đào hào lũy bảo vệ xóm làng. Ngài bàn bạc với bô lão các xã họp bàn việc chống giặc, được các bô lão suy tôn làm chỉ huy.
Sau nhiều năm chiến đấu khốc liệt, lần lượt Mỹ Tích bị chết trận, Nha Bạt bị bắt và bị bêu đầu tại Chợ Lạt (xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương), Nguyễn Bá Cao không chịu quy hàng đã bị hỏa công của Ngài tiêu diệt.
Giặc cướp tan rã, Ngài đề xướng việc chuyển dân xây dựng quê mới. Mọi người đồng tình đi xây dựng trang ấp mới ở trang Tảo Nha (nay là hai xã Thanh An và Thanh Chi, huyện Thanh Chương ) - đây là vùng quê Mẹ của Ngài.
Quê mới đã an cư, đời sống mọi người ổn định. Ngài trở về quê cũ Nùng Bang. Lúc này ở Nùng Bang, bọn giặc cướp Hạc Lâm dã nổi đậy chiếm cứ. Ngài đưa quân đánh tan giặc. Hạc Lâm bị bêu đầu ở Thạch Trúc. Nhân dân cả vùng được an cư lạc nghiệp từ đấy.
Thời kỳ này Nguyễn Kim, quê ở xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) dò tìm được người con của vua Quang Thiệu nhà Lê, tên là Lê Ninh (Do hồi nhỏ chạy nạn bần hàn, nợ nần chồng chất nên sau này còn có tên là Chúa Chổm) chạy loạn cùng mẹ về vùng Đô lương Nghệ An ngày nay, lập lên vua Lê mới, lấy niên hiệu là Nguyên Hòa, tức Trang Tông Dụ Hoàng đế, lưu vong trên đất Sầm Châu (Lào). Hào kiệt miền Thanh, Nghệ nghe tin theo về rất đông, Thái sư Nguyễn Kim đều thu nạp cả.
Năm Bính Thân (1536), Ngài Nguyễn Cảnh Huy cùng con là Nguyễn Cảnh Hoan dẫn quân sang Sầm Châu (nay là Sầm Nưa-Lào) là nơi vua ở để yết kiến Nguyễn Kim, nhờ Thái sư Nguyễn Kim trình lên triều đình, được vua vời vào yết kiến, vua Lê phong cho Ngài Nguyễn Cảnh Huy tước Bình dương Hầu, con Ngài là Nguyễn Cảnh Hoan tước Dương Đường Hầu. Cả hai cha con đều được giao nắm giữ binh quyền trong triều.
Đến năm Đinh Mùi (1547) cùng triều thần bảo vệ xa giá, rước vua Lê về cung điện Vạn Lại (xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân Thanh hoá  ngày nay) và sau đó được giao cho binh quyền trấn giữ Hoan Châu (tỉnh Nghệ An ngày nay).
Ngài Nguyễn Cảnh Huy mất năm 64 tuổi, ngày tháng tạ thế không thấy ghi chép lại. Mộ chôn tại xứ Núi Chùa, thôn Nùng Bang (do tránh tên của vua Anh Tông là Duy Bang nên đổi tên là thôn Nùng Sơn), đặt tên thụy là Huệ Nhật Phủ Quán.
Ngày 26 tháng giêng, niên hiệu Thuận Bình thứ nhất (1549), nhân khi lên ngôi, vua Trung Tông Vũ Hoàng Đế truy tặng cựu công thần, Ngài được truy tặng là Dương Vũ dực vận tán trị công thần, hành hạ Nghệ an đạo, Đô tổng binh sứ thiêm sự, quản Tri binh dân sự Bình Dương Hầu, tặng Phúc Khánh Quận Công.
Ngài có năm người con trai và một người con gái.
Con cả tên Nguyễn Cảnh Noãn do bà chính thất ở Hiếu Lãng sinh.
Con thứ hai là Nguyễn Cảnh Hoan do bà kế thất họ Thái ở Đô Lương sinh (tức là Tấn Quận Công).
Con thứ ba tên là Nguyễn Cảnh Hân do bà kế thất ở thôn Mộ Cơ huyện Thanh Chương sinh (tức là Trung Quận Công ).
Con thứ tư tên là Nguyễn Cảnh Vãn, do bà kế thất ở thôn Tùy Cứ, xã Đại Đồng, Huyện Thanh Chương sinh (tức là Cường Quận Công ).
Con thứ năm tên là Nguyễn Cảnh Chiêu, do bà kế thất ở thôn Cao Điền, huyện Thanh Chương sinh (tức là Lập Quận Công).
Người con gái tên là Ngọc Hoành, cùng một mẹ với Lập Quận Công và bà cũng chính là chính thất của Đường Quận Công.
          Trong các người con của Ngài có người con thứ hai là Nguyễn Cảnh Hoan lúc mới sinh đã có tướng mạo khôi ngô, lớn lên cương minh trí dũng, chuyên tâm thao lược, xem rộng binh thư, tinh thông thiên văn địa lý, sùng chuộng bùa phép, kỳ tài bí thuật vốn sẵn thiên bẩm, mong gặp thánh chúa để thoả chí giúp đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét