Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

MÓN QUÀ QUÊ



Quả trám đen (quê mình gọi là quả Mui) 
         

      Lọ Nhút, trong câu "Nhút Thanh Chương
Tương Nam đàn"
     Mới sáng nghe tiếng gọi cửa, nhìn ra thấy chú Hạnh người cùng làng, lễ mễ xách túi tư trang cùng bị quà nặng trĩu. Vào tới nhà chú mở túi lôi ra bao thứ quà quê, có cả trám đen và còn hẳn một lọ Nhút to đùng. Tự nhiên thấy áy náy vì mấy hôm trước nói với cháu Điệp rằng, khi nào vào mang cho chú lọ Nhút. Tưởng đùa cho vui ai dè chú ấy làm thật, đúng là “Của một đồng công một nén”.
            Chả giấu gì, quê mình xưa kia thuộc diện nghèo có tiếng, nhà nào cũng vậy, lo cho con ăn đủ no, áo đủ ấm đã mướt mồ hôi, nói chi cao lương mỹ vị. Cả năm may ra được mấy ngày tết tháng rằm là có thịt có cá, nói tháng rằm bởi “Cả năm được rằm tháng bảy. Cả thảy được rằm tháng giêng”, còn thì như bố mẹ mình hay nói, rằng: “Trăm năm trong cũi đưa ra” ấy là Cà Nhút, một món ăn “chủ lực” xuyên dài năm tháng.
            Nói đến Nhút có lẽ hơi lạ với nhiều người không phải dân miền trung, vì vậy mình xin có vài dòng lý giải, để lỡ một mai có ai đến quê mình đỡ cảm thấy bỡ ngỡ. Thuật ngữ “Nhút” có lẽ xuất phát từ cách nói của người dân quê tôi, đó là câu: “Lộn nhào lộn nhút”. Đồng nghĩa với nguyên liệu dùng để chế biến ra món ăn này bao gồm nhiều thứ khác nhau, từ quả cà các loại, măng tre măng nứa, rồi hoa chuối đến mít non băm nhỏ, thậm chí cả xơ mít… Cách làm cũng chẳng cầu kỳ gì cho cam, một chiếc vại sành có nắp, các nguyên liệu được ém chặt trong nước muối bởi cái vỉ tre, trên cùng có dằn hòn đá, như kiểu muối dưa cà. Có điều khác là có thêm gia vị, như riềng giã nhỏ, thính gạo và không thể thiếu món ớt quả. Nói đến đây, nhớ hồi đó vại Nhút nhà mình đặt cạnh cây ớt xiêm, gốc to bằng cây sào chống rèm, quả chín đỏ rực. Nhà quê bấy giờ không khí cũng trong lành không bụi bặm, ớt chín cứ thế hái bỏ cồi ném thằng vào vại nhút, làm nước nhốm màu đỏ au. Mỗi bận vục tay vào, nước đến đâu, da tay đỏ nhừ đến đó, giờ nghĩ lại vẫn còn khiếp. Hi hi…
            Nếu nói Nhút là món “Quốc hồn quốc túy” của dân xứ Nghệ chắc cũng chẳng ngoa, bởi hầu như nhà nào cũng có, ngày nào cũng dùng đến. Vại Nhút cứ ăn nửa trên, lại bổ sung nguyên liệu và gia vị vào nửa dưới. Lâu ngày nước đặc sánh, lên men chua chua cay cay, kết hợp với hương thơm của các loại gia vị cũng dậy mùi đáo để. Nước nhút lâu năm đặc sánh thính gạo, được phi hành mỡ, đun lên làm món nước chấm rau luộc, hay kho với cá đồng cũng cho một hương vị thơm ngon đặc trưng, có phần khác lạ. Mình tin rằng cái hương vị ấy sẽ còn mãi trong hành trang cuộc đời của bao người con xứ Nghệ, cho dù họ có đi đến chân trời góc bể hay may mắn lên cao trên con đường quan lộ.
            Ngày nay cuộc sống có khá giả hơn trước, văn hóa ẩm thực quê mình đã được nhắc đến nhiều hơn. Nhiều người nhạy bén đã thương mại hóa món Nhút, bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu đắt tiền hơn, quy trình chế biến khắt khe hơn. Thành phẩm được đóng gói trong những lọ có nhãn mác bắt mắt, có địa chỉ và số phone đàng hoàng. Nghe nói đã có người thành công nhờ kinh doanh nghề làm Nhút tại các khu công nghiệp Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng tàu… Có thể là ở đó có rất nhiều công nhân có thu nhập khiêm tốn, nhưng không thể phủ nhận cái hương vị mặn ngọt chua cay, đậm đà của món Nhút. Tựa như cốt cách giản dị, chân chất mà không kém phần mặn mòi, của người dân xứ Nghệ quê tôi.   

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

XE ĐẠP ƠI

Vượt lên cả thời gian, chiếc xe vẫn thi gan cùng tuế nguyệt
     Xin mượn tựa đề bài hát “Xe đạp ơi” để trải lòng mình về một thời xa vắng. Chả là hôm qua, cháu Thủy Tiên con bác Ngọc ở Hà nội về thăm quê, chụp được tấm hình chiếc xe đạp vất chỏng chơ, nằm thi gan cùng tuế nguyệt sau hồi nhà bác Bằng. Mình đăng lên facebook và nhận được nhiều chia sẻ của bạn bè, bởi với thế hệ của bọn mình thì ai cũng hiểu rằng, đây là biểu tượng một thời ở Miền Bắc. Vậy là người thì ví nó như SH, người thì nâng lên ngang tầm Camry bây giờ… Ý kiến chung là đề nghị nên phục hồi, bảo tồn làm kỷ niệm.
     Là một người hoài niệm, nhìn bức ảnh như chạm vào nỗi nhớ, từ sâu thẳm trong ký ức tuổi thơ, bao kỷ niệm bỗng chốc ùa về. Mình nhớ như in chiếc xe này bố mình mua từ những năm 60 của thế kỷ trước, đó là chiếc xe đạp mang thương hiệu Favorit do Tiệp Khắc sản xuất. Nếu mình nhớ không nhầm thì đó là chiếc thứ hai trong làng, sau xe ông Chắt Đạm. Nó được mua với giá một ngàn năm mươi đồng, tiền Việt Nam-Dân chủ-Cộng hòa. Khi mà tiền Xu, tiền Hào còn có giá trị, thì nhiêu đó quả là một đống tài sản của người lao động. Đủ biết bố mẹ mình đã chắt chiu tằnn tiện thế nào để có được ngần ấy, trong điều kiện nuôi tám anh em mình, giữa một miền quê được mệnh danh là “Chó ăn đá gà ăn sỏi”, mà không thất học một ai.
     Ngày đó ở Miền Bắc chỉ có vài loại xe đạp, phổ thông nhất là xe Thống Nhất của Việt Nam, chất lượng rất kém. Tiếp đến là xe Phượng Hoàng của Trung Quốc, loại này khá chắc chắn bởi làm toàn bằng sắt, kể cả chắn bùn mà người Bắc vẫn gọi theo tiếng Pháp là Gác-đờ-bu, chắn xích là Gác-đờ-sen…Khi đi lại nếu phải vác qua đò hoặc qua những đoạn đường có hố bom thì cực kỳ vất vả. Đến lúc bong sơn thì rỉ rét đen kịt trông rất xấu, nên được mệnh danh là “xe trâu”. Bởi thế mà Favorit được xếp vào tốp đầu vì vừa tốt, vừa nhẹ lại vừa đẹp. Chả vậy mà nó được coi là tiêu chuẩn lựa chồng của phái đẹp, rằng: “Có Favorit có đài (radio) mang hông” thì dù có già đến mấy các em vẫn: “Phen này cháu quyết lấy ông”. Nhắc đến đây lại chợt nhớ cái thời chiến tranh bao cấp, mà ai ai cũng nghèo, cái gì cũng thiếu, bởi vậy mới có bài hát chế: “Tình tang tình em đi rình Trung úy. Tuy nó có già nhưng mà lắm tiền. Đài mang bên hông đồng hồ treo tay”. Hay: “Một yêu anh có Pơ-zô (xe đạp), hai yêu anh có cá khô ăn dần”. Thế đấy, người có cái Radio và đồng hồ Pôn-jôt của Liên Xô, là đã được xếp vào hạng lắm tiền cơ đấy.
     Hồi đó theo quy định bắt buộc, xe đạp cũng như Radio đều phải có đăng ký (Cà-vẹt), mỗi xe được đeo một biển số như xe máy bây giờ. Chẳng riêng gì bố mình, người nào có xe đạp cũng vậy, trước đầu xe thường được trang trí một cái gì đó, có khi là túm lông gà, có khi là một lá cờ đuôi nheo, đi trên đường trông cũng vui mắt đáo để, hi hi… Mỗi bận đi đâu về là lau chùi sạch sẽ, dầu mỡ đủ đầy, trong nhà có sẵn hai cái dây buộc từ xà nhà, đầu dưới có hai cái móc sắt quấn giẻ chống xước, ông treo chiếc xe tòng teng để lốp xe cách ly khỏi mặt đất khoảng một gang tay. Dân trong làng ai nhìn thấy chiếc xe cũng trầm trồ, đưa tay bóp nhả cặp thắng nhẹ hều, búng búng vào sườn xe để được nghe âm thanh boong boong trong vắt, miệng trầm trồ thán phục: “Favorits đạp ít đi nhiều”.
     Không biết có phải vì tuổi tác, tự nhiên nhìn lại chiếc xe, cứ thấy có cái gì đó vừa gần gũi thân thương, lại vừa xa vời vợi. Thoáng một chút cảm giác xót xa, thương mẹ thương cha, thương mình. Thương một thời bao cấp khốn khó mà vui, mà tràn đầy hạnh phúc, trong gia đình đông vui giữa một chốn làng quê.
 Một cửa hàng Bách hóa thời bao cấp
 Mời mọi người click vào đây để nghe lời bài hát nhé.

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

HÈ VỀ MỘT THOÁNG LAN MAN


     Chiều nay đạp xe đi qua khu Đường Đệ, bắt gặp hàng phượng vĩ nở hoa cháy rực cả góc trời. Cái cảm giác hè về làm thổn thức đến nôn nao, chụp một kiểu ảnh để ghi lại cái khoảng khắc chuyển giao giữa hai mùa mưa nắng ấy, tối nay mở ra xem lại, cứ bần thần miên man nghĩ về một thời xa vắng.
     Chả là quê mình có một công trình trị thủy do người Pháp để lại, đó là con sông Đào. Gọi tên sông như thế, có lẽ bởi nó được đào đắp thủ công bằng sức lực con người, tuy nhiên với tuổi thơ của mình đó là một công trình không hề bé nhỏ. Hồi đó, đây là nơi đám trẻ trâu làng mình tắm mát lội bơi, mò tôm bắt hến cùng bao trò tiêu khiển khác, vì vậy khi lớn lên đi xa, với bọn mình nó là một trong nhiều biểu tượng của làng quê. Không biết có phải người Pháp đã sớm biết quan tâm đến cảnh quan môi trường hay không, nhưng khi mình lớn lên thì hai bên bờ sông đã có hai hàng phượng vĩ rất to rất đẹp, cứ mỗi bận hè sang là nở rực những chùm hoa.
     Nhắc đến mùa hè, đến con sông Đào là nghĩ ngay đến một kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ của anh em nhà mình, đó là nghề xúc tép. Tuy chẳng phải là “cha truyền” nhưng cũng là “con nối”, bởi từ bác cả đến chú út cứ anh xúc thì em theo mang giỏ, đứa lớn thoát ly hay vào đại học thì đứa kế vào nghề. Tiền bán tép để mẹ mua sách vở, may quần áo, nuôi mấy anh em ăn học thành người và đặc biệt là để mẹ mình chế biến thành món mắm hảo hạng, mà hương vị của nó còn đọng lại trong mình cho đến tận ngày nay.
     Ngày đó trên sông Đào thuyền bè qua lại tấp nập lắm, bởi đây là lối đi duy nhất để tránh đập Ba Ra trên dòng sông Lam như mình đã kể. Nước sông lúc nào cũng đầy ăm ắp, hai bên mép nước dày đặc những đám rong đuôi chồn, đó là môi trường lý tưởng cho loài tép nước ngọt sinh sôi nảy nở. Những con tép ở đây có lớp vỏ mỏng tang, mọng nước, bên ngoài thì màu nâu đất, nhưng thớ thịt bên trong thì trong suốt căng tròn. Đem về rang hành mỡ, nấu canh bầu, canh tập tàng hay muối mắm, kiểu gì cũng ngon, cũng ngọt.
     Người xưa có câu: “Tôm ăn chạng vạng, cá ăn rạng đông” quả là không sai, cứ chập tối là trong các đám rong rêu, lũ tép bơi đi lội lại lăn tăn cả mặt nước. Đặt cái Nhủi (một dụng cụ xúc tép) xuống đám rong, đẩy đi là cả lũ tép nhảy tưng tưng trông sướng cả mắt. Chỉ cần đi một đoạn từ Cầu Sắt xuống đến Vòm Cóc, hoặc ngược lên đến đoạn Cầu Tre là đã đầy một giỏ. Về đổ ra cái nong con, cả nhà xúm lại nhặt sạch cỏ lá, rong rêu là có thể đưa vào sơ chế, nếu không đem bán thì mẹ mình sẽ trộn ít muối cho vào hũ để làm mắm. Thực ra cũng chẳng có gì bí quyết trong việc làm mắm tép, nhưng có lẽ nhờ nguồn nguyên liệu tuyệt vời này, cộng với kinh nghiệm lâu năm, nên món mắm mẹ mình làm được nhiều người trong vùng ưa chuộng nhất.
     Mắm tép đạt chuẩn là thứ mắm được giang nắng đầy đủ, hoặc đặt gần bếp lửa ấm áp nếu là mùa đông để vỏ tép có màu đỏ au. Khi múc ra bát, nước tép đậm như son, sóng sánh như mật ong rừng, dậy lên mùi thơm của tép chín, quyện với mùi thính gạo thính ngô và các loại gia vị như riềng sả, vỏ tắt vỏ quýt và tất nhiên không thể thiếu món ớt chín đỏ. Mắm tép càng ngon hơn khi ăn với loại cơm dẻo được nấu từ gạo mới, hoặc làm nước chấm cho các thứ như lòng heo, thịt luộc. Nhưng dân giã nhất vẫn là các loại rau quả trong vườn như chuối xanh, cà bát thái mỏng ngâm cho hết nhựa, ăn kèm với rau thơm như Tía Tô Kinh Giới, hay đơn giản hơn là một bát cà pháo muối xổi trắng ngần.
     Đã xa rồi những ngày tháng tuổi thơ, con sông Đào cũng không còn đủ nước mỗi khi về mùa hạ, dòng sông Lam không còn bóng thuyền bè xuôi ngược. Nhưng hình ảnh và hương vị những hạt cơm trắng ngần quyện với mùi đậm đà của mắm tép, với mình không chỉ là món ăn đơn thuần, mà chứa đựng cả ký ức tuổi thơ, lớn lên với đồng với ruộng, với tình mẹ tình cha đầy ắp yêu thương của một thời khốn khó.
Con sông Đào cũng không còn đủ nước mỗi khi về mùa Hạ

Mớ tép đồng này bà xã mua về làm mắm, có thể không đạt chuẩn nhưng ít ra cũng mang lại hương vị quê nhà.

Và đây là thành phẩm nhé

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

TÂM SỰ CÙNG CON

Trước sân bay quốc tế Hàn Quốc


     Từ sân bay quốc tế Hàn Quốc, con trai gọi điện về báo tin, chuẩn bị bay sang Mỹ để dự một hội thảo khoa học. Nhắc đến nước Mỹ, nhớ hồi còn đi học, từ cấp một cho đến đại học, người ta luôn dạy bọn mình theo kiểu: "Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy sỹ/Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ", rằng cái gì dính đến Mỹ cũng xấu. Nào là bọn “Bóc lột giá trị thặng dư”, nào là chúngĐang thời k giãy chết”…. Đợi mãi hết đời bố mẹ mình, đến gần hết cuộc đời mình mà chẳng thấy nó chết, chỉ thấy nó càng ngày càng “khỏe ra”, buồn cười thế đấy.
     Mình up lên Fb tấm ảnh con tay cầm vé và hộ chiếu, đứng trước sân bay cùng với một cặp trai thanh nữ tú, đang quảng bá văn hóa Hàn. Ngay lập tức nhận được gần trăm cú like và comment chúc mừng, có người còn nói đùa rằng: “Đời cha ăn nhạt, đời con thành đạt nhé”. Thế mới biết, người xứ mình cũng “Quý cái chữ” và hiểu rõ cái “Sự đời” này lắm lắm. Nói thành đạt thì thực tình là không giám nhận, thực ra ch mới “Thành người”, tất cả chỉ mới là s khởi đầu mà thôi. Hơn thế nữa ở cái xứ mình, bây giờ Tiến sỹ nhan nhản, công tác cán bộ thì nhìn nhận theo kiểu “Mèo lười” với “Mèo siêng” cũng chỉ là mèo. Có khi mèo lười còn được “Chủ” yêu quý hơn mèo chăm thì không nói trước được điều gì. Tuy nhiên các cụ ngày xưa đã có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, được tham gia một hội nghị lớn, có dịp gặp gỡ và trao đổi chuyên môn với nhiều nhà khoa học trên thế giới, được đặt chân lên một đất nước văn minh, thì hiển nhiên là một niềm vui lớn rồi.
     Vẫn biết rằng tất cả đang phía trước, nhưng càng vui hơn, trân trọng hơn với những gì con có được. Nhất là khi giữa những ngày này, cả nước đang sôi lên cái “Sự học” của nền giáo dục nước nhà, sau khi truyền hình VTV1 đưa tin rằng: Các đồ án tốt nghiệp của sinh viên, được các thầy bán phế liệu với giá 3000 vnđ một ký. Rằng nhiều sinh viên đại học, đã lựa chọn phương án thuê người làm luận án với giá 3 triệu... Còn nhớ không lâu, vụ mặc cả thành công tấm bằng Tiến sỹ, của một tên buôn gỗ với giá 200 triệu ở trường Đại học Thái Nguyên. Thực ra thì những thông tin dạng này với mình chẳng có gì mới mẻ. Chẳng qua là “Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu” mà thôi.
     Cố lên con trai, hãy giữ gìn sức khỏe cho quảng đường trước mặt. Người xưa đã có câu “Đức năng thắng số”, ba má không “ăn mặn”, “ăn bẩn”, thì đời con lo gì “khát nước” phải không nào?

Nước Mỹ xa xôi trong vòng tay bè bạn





Mời mọi người Click vào đường link này nhé.