Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

HÈ VỀ MỘT THOÁNG LAN MAN


     Chiều nay đạp xe đi qua khu Đường Đệ, bắt gặp hàng phượng vĩ nở hoa cháy rực cả góc trời. Cái cảm giác hè về làm thổn thức đến nôn nao, chụp một kiểu ảnh để ghi lại cái khoảng khắc chuyển giao giữa hai mùa mưa nắng ấy, tối nay mở ra xem lại, cứ bần thần miên man nghĩ về một thời xa vắng.
     Chả là quê mình có một công trình trị thủy do người Pháp để lại, đó là con sông Đào. Gọi tên sông như thế, có lẽ bởi nó được đào đắp thủ công bằng sức lực con người, tuy nhiên với tuổi thơ của mình đó là một công trình không hề bé nhỏ. Hồi đó, đây là nơi đám trẻ trâu làng mình tắm mát lội bơi, mò tôm bắt hến cùng bao trò tiêu khiển khác, vì vậy khi lớn lên đi xa, với bọn mình nó là một trong nhiều biểu tượng của làng quê. Không biết có phải người Pháp đã sớm biết quan tâm đến cảnh quan môi trường hay không, nhưng khi mình lớn lên thì hai bên bờ sông đã có hai hàng phượng vĩ rất to rất đẹp, cứ mỗi bận hè sang là nở rực những chùm hoa.
     Nhắc đến mùa hè, đến con sông Đào là nghĩ ngay đến một kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ của anh em nhà mình, đó là nghề xúc tép. Tuy chẳng phải là “cha truyền” nhưng cũng là “con nối”, bởi từ bác cả đến chú út cứ anh xúc thì em theo mang giỏ, đứa lớn thoát ly hay vào đại học thì đứa kế vào nghề. Tiền bán tép để mẹ mua sách vở, may quần áo, nuôi mấy anh em ăn học thành người và đặc biệt là để mẹ mình chế biến thành món mắm hảo hạng, mà hương vị của nó còn đọng lại trong mình cho đến tận ngày nay.
     Ngày đó trên sông Đào thuyền bè qua lại tấp nập lắm, bởi đây là lối đi duy nhất để tránh đập Ba Ra trên dòng sông Lam như mình đã kể. Nước sông lúc nào cũng đầy ăm ắp, hai bên mép nước dày đặc những đám rong đuôi chồn, đó là môi trường lý tưởng cho loài tép nước ngọt sinh sôi nảy nở. Những con tép ở đây có lớp vỏ mỏng tang, mọng nước, bên ngoài thì màu nâu đất, nhưng thớ thịt bên trong thì trong suốt căng tròn. Đem về rang hành mỡ, nấu canh bầu, canh tập tàng hay muối mắm, kiểu gì cũng ngon, cũng ngọt.
     Người xưa có câu: “Tôm ăn chạng vạng, cá ăn rạng đông” quả là không sai, cứ chập tối là trong các đám rong rêu, lũ tép bơi đi lội lại lăn tăn cả mặt nước. Đặt cái Nhủi (một dụng cụ xúc tép) xuống đám rong, đẩy đi là cả lũ tép nhảy tưng tưng trông sướng cả mắt. Chỉ cần đi một đoạn từ Cầu Sắt xuống đến Vòm Cóc, hoặc ngược lên đến đoạn Cầu Tre là đã đầy một giỏ. Về đổ ra cái nong con, cả nhà xúm lại nhặt sạch cỏ lá, rong rêu là có thể đưa vào sơ chế, nếu không đem bán thì mẹ mình sẽ trộn ít muối cho vào hũ để làm mắm. Thực ra cũng chẳng có gì bí quyết trong việc làm mắm tép, nhưng có lẽ nhờ nguồn nguyên liệu tuyệt vời này, cộng với kinh nghiệm lâu năm, nên món mắm mẹ mình làm được nhiều người trong vùng ưa chuộng nhất.
     Mắm tép đạt chuẩn là thứ mắm được giang nắng đầy đủ, hoặc đặt gần bếp lửa ấm áp nếu là mùa đông để vỏ tép có màu đỏ au. Khi múc ra bát, nước tép đậm như son, sóng sánh như mật ong rừng, dậy lên mùi thơm của tép chín, quyện với mùi thính gạo thính ngô và các loại gia vị như riềng sả, vỏ tắt vỏ quýt và tất nhiên không thể thiếu món ớt chín đỏ. Mắm tép càng ngon hơn khi ăn với loại cơm dẻo được nấu từ gạo mới, hoặc làm nước chấm cho các thứ như lòng heo, thịt luộc. Nhưng dân giã nhất vẫn là các loại rau quả trong vườn như chuối xanh, cà bát thái mỏng ngâm cho hết nhựa, ăn kèm với rau thơm như Tía Tô Kinh Giới, hay đơn giản hơn là một bát cà pháo muối xổi trắng ngần.
     Đã xa rồi những ngày tháng tuổi thơ, con sông Đào cũng không còn đủ nước mỗi khi về mùa hạ, dòng sông Lam không còn bóng thuyền bè xuôi ngược. Nhưng hình ảnh và hương vị những hạt cơm trắng ngần quyện với mùi đậm đà của mắm tép, với mình không chỉ là món ăn đơn thuần, mà chứa đựng cả ký ức tuổi thơ, lớn lên với đồng với ruộng, với tình mẹ tình cha đầy ắp yêu thương của một thời khốn khó.
Con sông Đào cũng không còn đủ nước mỗi khi về mùa Hạ

Mớ tép đồng này bà xã mua về làm mắm, có thể không đạt chuẩn nhưng ít ra cũng mang lại hương vị quê nhà.

Và đây là thành phẩm nhé