Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

XE ĐẠP ƠI

Vượt lên cả thời gian, chiếc xe vẫn thi gan cùng tuế nguyệt
     Xin mượn tựa đề bài hát “Xe đạp ơi” để trải lòng mình về một thời xa vắng. Chả là hôm qua, cháu Thủy Tiên con bác Ngọc ở Hà nội về thăm quê, chụp được tấm hình chiếc xe đạp vất chỏng chơ, nằm thi gan cùng tuế nguyệt sau hồi nhà bác Bằng. Mình đăng lên facebook và nhận được nhiều chia sẻ của bạn bè, bởi với thế hệ của bọn mình thì ai cũng hiểu rằng, đây là biểu tượng một thời ở Miền Bắc. Vậy là người thì ví nó như SH, người thì nâng lên ngang tầm Camry bây giờ… Ý kiến chung là đề nghị nên phục hồi, bảo tồn làm kỷ niệm.
     Là một người hoài niệm, nhìn bức ảnh như chạm vào nỗi nhớ, từ sâu thẳm trong ký ức tuổi thơ, bao kỷ niệm bỗng chốc ùa về. Mình nhớ như in chiếc xe này bố mình mua từ những năm 60 của thế kỷ trước, đó là chiếc xe đạp mang thương hiệu Favorit do Tiệp Khắc sản xuất. Nếu mình nhớ không nhầm thì đó là chiếc thứ hai trong làng, sau xe ông Chắt Đạm. Nó được mua với giá một ngàn năm mươi đồng, tiền Việt Nam-Dân chủ-Cộng hòa. Khi mà tiền Xu, tiền Hào còn có giá trị, thì nhiêu đó quả là một đống tài sản của người lao động. Đủ biết bố mẹ mình đã chắt chiu tằnn tiện thế nào để có được ngần ấy, trong điều kiện nuôi tám anh em mình, giữa một miền quê được mệnh danh là “Chó ăn đá gà ăn sỏi”, mà không thất học một ai.
     Ngày đó ở Miền Bắc chỉ có vài loại xe đạp, phổ thông nhất là xe Thống Nhất của Việt Nam, chất lượng rất kém. Tiếp đến là xe Phượng Hoàng của Trung Quốc, loại này khá chắc chắn bởi làm toàn bằng sắt, kể cả chắn bùn mà người Bắc vẫn gọi theo tiếng Pháp là Gác-đờ-bu, chắn xích là Gác-đờ-sen…Khi đi lại nếu phải vác qua đò hoặc qua những đoạn đường có hố bom thì cực kỳ vất vả. Đến lúc bong sơn thì rỉ rét đen kịt trông rất xấu, nên được mệnh danh là “xe trâu”. Bởi thế mà Favorit được xếp vào tốp đầu vì vừa tốt, vừa nhẹ lại vừa đẹp. Chả vậy mà nó được coi là tiêu chuẩn lựa chồng của phái đẹp, rằng: “Có Favorit có đài (radio) mang hông” thì dù có già đến mấy các em vẫn: “Phen này cháu quyết lấy ông”. Nhắc đến đây lại chợt nhớ cái thời chiến tranh bao cấp, mà ai ai cũng nghèo, cái gì cũng thiếu, bởi vậy mới có bài hát chế: “Tình tang tình em đi rình Trung úy. Tuy nó có già nhưng mà lắm tiền. Đài mang bên hông đồng hồ treo tay”. Hay: “Một yêu anh có Pơ-zô (xe đạp), hai yêu anh có cá khô ăn dần”. Thế đấy, người có cái Radio và đồng hồ Pôn-jôt của Liên Xô, là đã được xếp vào hạng lắm tiền cơ đấy.
     Hồi đó theo quy định bắt buộc, xe đạp cũng như Radio đều phải có đăng ký (Cà-vẹt), mỗi xe được đeo một biển số như xe máy bây giờ. Chẳng riêng gì bố mình, người nào có xe đạp cũng vậy, trước đầu xe thường được trang trí một cái gì đó, có khi là túm lông gà, có khi là một lá cờ đuôi nheo, đi trên đường trông cũng vui mắt đáo để, hi hi… Mỗi bận đi đâu về là lau chùi sạch sẽ, dầu mỡ đủ đầy, trong nhà có sẵn hai cái dây buộc từ xà nhà, đầu dưới có hai cái móc sắt quấn giẻ chống xước, ông treo chiếc xe tòng teng để lốp xe cách ly khỏi mặt đất khoảng một gang tay. Dân trong làng ai nhìn thấy chiếc xe cũng trầm trồ, đưa tay bóp nhả cặp thắng nhẹ hều, búng búng vào sườn xe để được nghe âm thanh boong boong trong vắt, miệng trầm trồ thán phục: “Favorits đạp ít đi nhiều”.
     Không biết có phải vì tuổi tác, tự nhiên nhìn lại chiếc xe, cứ thấy có cái gì đó vừa gần gũi thân thương, lại vừa xa vời vợi. Thoáng một chút cảm giác xót xa, thương mẹ thương cha, thương mình. Thương một thời bao cấp khốn khó mà vui, mà tràn đầy hạnh phúc, trong gia đình đông vui giữa một chốn làng quê.
 Một cửa hàng Bách hóa thời bao cấp
 Mời mọi người click vào đây để nghe lời bài hát nhé.