Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI 18 D CẢNH TRÀ

Ngài Cảnh Lâm có người em ruột tên là
NGUYỄN CẢNH TRÀ
(XVIII-F)

          Ngài Cảnh Trà là con thứ sáu của Ngài Nguyễn Cảnh Thứ. Ngài còn có tên tự là Ló.
Chuyện kể rằng: “Nguyên một lần hồi còn trẻ, hai anh em Thảo, Trà đi qua một cánh đồng lúa, vì chỉ còn hai anh em nên nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Thấy đồng lúa phì nhiêu,  Ngài Cảnh Trà nói “Ló tốt quá” (lúa tốt quá). Sau mấy mươi năm xa quê, nghe lại từ “Ló” vừa lạ, vừa quen, tình cảm quê hương trỗi dậy trong lòng. Ngài Cảnh Thảo bảo “Chú đổi tên đi để tránh đi quân dịch, lấy tên là Ló để khỏi trùng tên ai”. Từ đó Ngài Cảnh Trà có tên là Ló. Do vậy người dân trong vùng thường gọi Ông là Ông Sáu Ló.
Năm sinh: 1919. 
Nơi sinh: làng Nghiêm Thắng, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Mất ngày:  12 Tháng 08 Năm 1980  (Âm lịch), thọ:  61 tuổi.
Mộ táng tại: Sa đéc, Đồng tháp.
Chánh thất của Ngài là bà:  Huỳnh Thị Muông
Quê quán: Cao lãnh, Đồng tháp.
Mất 26 Tháng 06 năm 1948 (Âm lịch).
Mộ táng tại Mỹ trà, Cao Lãnh, Đồng tháp.
Ngài Huỳnh Thị Muông sinh được 2 người con, 1 trai (mất sớm) và một gái.
Lúc còn nhỏ ngài được cha mẹ cho sang ở với ông bà Ngoại tại làng Trung thịnh, thuộc xã nam Sơn, Đô lương ngày nay.
Chuyện kể rằng: “Từ nhỏ trong dịp tiễn đưa anh Năm (Cảnh Thảo) và cậu ruột Nguyễn Văn Thuyên vào Nam công tác, với bản tính ham vui, thích mạo hiểm và khám phá những điều mới mẻ, Ngài chạy theo trèo lên xe xin đi chơi cùng anh và cậu. Không ngờ đó là một chuyến đi định mệnh, không còn cho Ngài gặp lại mẹ cha và trở về xứ sở. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, sông Bến Hải ngăn cách hai miền Nam Bắc, Ngài ở lại với cậu và anh trai nơi miền sông nước của đồng bằng Sông Cửu Long trọn cả kiếp người”.
Thời kỳ khánh chiến chống Pháp, Ngài gia nhập quân đội nhân dân Việt nam (Vệ quốc quân), thuộc tiểu đoàn 307 tham gia chiến đấu và bị thương nhẹ, sau phục viên về nhà làm ăn, cưới vợ, sinh con và định cư tại thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (ngay bờ sông, đầu cầu Đình Trung) mà lòng luôn ngóng về quê cha đất tổ. Sau năm 1975, tuổi già sức yếu, hoàn cảnh kinh tế gia đình bấy giờ cũng cực kỳ khó khăn không thể trở về thăm quê. Nhưng trong lòng Ngài vẫn đầy ắp kỷ niệm về một miền quê “Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ” của vùng xứ Nghệ.  Nơi đó Ngài đã từng sinh ra trong vòng tay bao dung và lời ru à ơi của mẹ. Nơi đó tuổi thơ đã đi qua, Ngài nhớ từng cây đa bến nước, từng lối mòn mọc đầy gai xấu hổ có những đám cây Bùng bục mà mẹ hay sai mấy anh chị em đi hái về lót chõ đồ xôi trong những ngày giỗ chạp…
          Vợ đầu của Ngài sinh được 1 người con gái. Nhớ quê hương, họ hàng làng xóm, mặc dù là con gái, Ngài vẫn đặt tên con là Nguyễn Cảnh An. (Họ Nguyễn Cảnh, quê Nghệ An). Vợ mất sớm, cảnh gà trống nuôi con, Ngài gửi Cảnh An cho con gái Cậu ruột Nguyễn Văn Thuyên là bà Nguyễn Thị Biền tận Sài gòn ăn học, Cảnh An được bà Biền nuôi ăn học và đã tốt nghiệp Tú tài (một học vị không tồi hồi đó). Năm 1975, giải phóng về, bà Biền theo chồng di tản sang Mỹ, Cảnh An ở lại ẵm con về Cao lãnh buôn bán mưu sinh.
Kế thất của Ngài tên là bà: Nguyễn Thị Ba.
Quê quán:  Hoà an, Cao lãnh, Đồng tháp.  
Ngài Nguyễn Thị Ba sinh được 3 người con, 1 trai và 2 gái.
Người con trai tên là: Nguyễn Cảnh Lương (để ghi nhớ quê Đô Lương). Cán bộ nhà nước, làm nghề lái xe.
Người con gái thứ nhất tên là: Nguyễn Thị Bé Hai. Buôn bán.
Người con gái thứ hai tên là :  Nguyễn Thị Bé Nhỏ. Buôn bán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét