Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI THỨ 5

Đời thứ năm

Tấn Quận Công
NGUYỄN CẢNH HOAN
(V-B)

Ngài là con trai thứ hai của Phúc Khánh Quận Công Nguyễn Cảnh Huy. Khi mới sinh khôi ngô tuấn tú. Khi lớn lên, Ngài theo cha sang Sầm Châu phù Nhà Lê Trung Hưng. Là người cương, minh, trí, dũng vẹn toàn. Ngài chuyên tâm thao lược, xem rộng binh thư, am hiểu thiên văn địa lý, kỳ tài bí thuật là vốn thiên bẩm.
Khi theo giúp vua Trang Tông Nhà Lê, Ngài đứng dưới quyền chỉ huy của Hưng Quốc Công Nguyễn Kim, lúc này ở Sầm Châu, Ngài được phong Đường Dương Hầu là tước hiệu của Dương Quận Công Nguyễn Hữu Liêu trước đây.
Năm 1545, Hưng Quốc Công Nguyễn Kim bị hàng tướng Mạc là Trung Hậu Hầu đầu độc chết. Hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng còn nhỏ tuổi. Anh rể là Dực Quận Công Trịnh Kiểm (tức Minh Khang Thái Vương) thay quyền Nguyễn Kim, được vua Trang Tông giao trọng quyền tiết chế, đổi là Lượng Quận Công.
Khi Vua Lê Trang Tông ở Sầm Châu, trong khi Vua Lào đang đến thăm, thì có tin quân phò vua đến đón về nước. Trên đường về nước, tướng Mạc là Tây Quận Công Nguyễn Kính áp ngoài cõi, tướng Lê là Thái Bảo Xuân Quận Công Nguyễn Tử Nha đón đánh. Thấy quân Mạc mạnh, Tử Nha muốn hàng giặc. Nguyễn Kính lấy việc thầy của Tử Nha là Trần Thiết Sơn trước đây có công với nhà Lê mà vẫn bị cha của Lê Trang Tông là Đà Dương Vương xử bạc khuyên Tử Nha phản bội. Tử Nha theo Mạc phản Lê, định cùng Nguyễn Kính bắt Vua Lê Trang Tông, nhưng không bắt được. Vua Lê trở lại Sầm Châu.
 Gặp lúc Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi lập Chính Trung Hoằng Vương để gây loạn với Nhà Mạc, chiếm vùng Ngự Thiện và Hoa Dương, Chúa Mạc là Khiêm Vương Mạc Kính Điển gọi Nguyễn Kính về Sơn Nam (tỉnh Nam Hà) lo dẹp loạn. Vua Lê Trang Tông lại trở về Long Sùng, Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa).
Vua Lê cho xây cung điện tại Vạn Lại (nay là Xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), cung khánh thành năm Đinh Mùi (1547) là năm Vĩnh Định thứ nhất của triều chúa Mạc Phúc Nguyên.
Khi Chính Trung Phạm Tử Nghi đã ra Yên Bang (nay là tỉnh Quảng Ninh), nhà Mạc cho Nguyễn Kính vào đánh Nhà Lê. Nguyễn Kính đưa hai cánh quân đánh vào Lôi Dương và Thụy Nguyên nhưng bị Trịnh Kiểm và Vua Lê đánh bại. Nguyễn Kính nghe vợ khuyên rút quân ra biên ải. Trịnh Kiểm cử Nguyễn Cảnh Hoan đem quân mai phục và đánh tan quân Nguyễn Kính, Nguyễn Kính bỏ chạy về kinh đô.
Dương Đường Hầu Nguyễn Cảnh Hoan có công to nhất được Vua Lê tặng thưởng là Đề Đốc Tấn Quận Công.
Vua Lê Trang Tông đánh giặc lâu ngày, sương gió xông pha, bị bệnh nặng, mất năm Mậu Thân (1548). Hoàng Thái tử Huyên lên ngôi, năm sau cải nguyên là Thuận Bình năm thứ nhất, triều vua Trung Tông Vũ Hoàng đế.
Hai triều Lê, Mạc tạm dừng không đánh nhau. Chúa Mạc Phúc Nguyên tin lời dèm pha của cha con Phạm Quỳnh, nên tướng Mạc là Phụng Quốc Công Lê Bá Ly cùng Trạng nguyên Thư Quận Công Nguyễn Thuyến, người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây) chạy vào Thanh Hóa theo Vua Lê.
Năm Tân Hợi (1551), Lê Bá Ly người quê ở xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Sét, huyện Thanh Trì, Hà Nội) dâng biểu xin Vua Lê đánh ra Bắc để trả thù cha, đền nợ nước. Lê Bá Ly và Vũ Văn Mật lĩnh quân ra đánh Thăng Long. Chúa Mạc Cảnh Lịch hoảng sợ chuyển đô ra Bồ Đề (nay là Gia Lâm, Hà Nội). Tháng Giêng năm Nhân Tý (1552) Thái sư Trịnh Kiểm dẫn quân ra Bắc, Ngài Nguyễn Cảnh Hoan cũng được cầm quân  tham chiến đánh vào Thăng Long, cuộc tấn công như thế chẻ tre, đánh thắng kinh đô Mạc ở Bồ Đề và đánh tiếp xuống Kinh Môn (Hải Dương). Trong lễ mừng công, Ngài Nguyễn Cảnh Hoan được tăng thưởng là Đô Đốc.
Vua Lê cho tiến quân đánh Hải Dương. Chúa Mạc sai Khánh Quốc Công đánh vào Thiên Kiện. Thái Sư Trịnh Kiểm điều binh đánh thắng quân Mạc tại Thiên Kiện. Tấn Quận Công có công to được thăng Thái Bảo.
Trở về dinh, Ngài mộng thấy điềm sinh con trai. Chính thất của Ngài người họ Nguyễn, con gái của Đỗ Liêu Phấn Vũ Hầu, quê ở Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), bà rất xinh đẹp, được Ngài yêu dấu. Đến ngày 21-8 năm Quý Sửu, niên hiệu Thuận Bình (1553), Ngài sinh con trai là Nguyễn Cảnh Kiên.
Năm Giáp Dần (1554), Trịnh Thế Tổ Thái Vương dời đô về Biện Thượng (nay là Bồng Thượng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Năm ất Mão (1555), tướng Mạc là Thọ Quốc Công Vạn Đồn Hầu đem quân đánh vào Biện Thượng. Trận này, Tấn Quận Công Nguyễn Cảnh Hoan (tức Ngài Trịnh Mô-Họ Trịnh do chúa Trịnh ban tặng) bắt sống tướng giặc.
Năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Bình thứ tám (1556), Trung Tông Vũ Hoàng Đế mất, không có con trai. Triều thần chọn Mai Sơn Hầu Lê Duy Bang, cháu năm đời của Lam Quốc Công lên ngôi. Năm 1557 đổi niên hiệu là Thiên Hựu, tức là Anh Tông Tuấn Hoàng Đế.
Biết Vua Trung Tông mất, Nhà Mạc đem quân vào đánh Hoan Châu và Ái Châu (Thanh Hóa và Nghệ An) nhưng bị quân Nhà Lê đánh bại.
Hàng tướng Nguyễn Thuyến mất. Vua Lê phong cho con của Thuyến là Nguyễn Quyện lên thay, đem quân ra trấn giữ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Hà). Nhà Mạc dụ dỗ, Quyện và em là Miễn đầu hàng Mạc làm phản vua Lê.
Trịnh Thái sư đem quân đánh Sơn Nam, bắt sống Khánh Quốc Công ở sông Phượng Sy (có thể là sông Phượng Tường ở huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Hà). Nhà Mạc sai Nguyễn Quyện đem quân đánh ở Giao Thủy. Quân Lê thua to. Vua Anh Tông đổi niên hiệu là Chính Trị (1558).
Năm Kỷ Mùi (1559), quân Lê tiến đánh Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương. Chúa Mạc Quang Bảo sợ hãi bỏ thành Thăng Long, tháng ba năm Tân Dậu (1561) Mạc Khiêm Vương tiến đánh Thanh Hóa. Tháng chạp năm Quang Bảo, Mạc Vương tiến đánh Thanh Hóa. Tháng chạp năm Quang Bảo, Mạc Phúc Nguyên chết. Con là Mạc Hậu Hợp nối ngôi. Năm Nhâm Tuất niên hiệu Thuần Phúc. Năm Bính Dần (1566) đổi thành niên hiện Sùng Khang.
Năm Kỷ Tỵ (1569) vua Lê phong cho Trịnh Kiểm là Thượng tướng Thái Quốc Công, tôn là Thượng phụ. Ngày 18-2 năm Canh Ngọ (1570) Trịnh Kiểm mất. Con trưởng là Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối lên thay. Nhân dịp này, Nhà Mạc sai Mạc Kính Điển vào đánh Thanh Hóa.
Ngài Nguyễn Cảnh Hoan cùng nhiều võ tướng như: Vinh Quận Công Hoàng Đình ái, Lương Quận Công, Đoan Vũ Hầu Lê Cập Đệ, Vương Dương Hầu Trịnh Bách, Văn Phong Hầu Tịnh Vĩnh Thiệu, Nghĩa Quận Công Đặng Huấn, Lai Quận Công Phan Công Tích, Vị Quận Công Lê Khắc Thận, Dương Quận Công Nguyễn Hữu Liêu, Hùng Trà Hầu Phạm Văn Khoái, Tây Hưng Hầu Hà Thọ Lộc v.v thề cùng Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng (con trai của Thái Vương Trịnh Kiểm) đem quân diệt Mạc. Chiến sự diễn ra khốc liệt ở các miền An Định, Vĩnh Phúc, Nông Cống, Quảng Xương, Thụy Nguyên, Đông Sơn (nay thuộc Thiệu Hóa, Hà Trung, Nông Cống, Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).
Tấn Quận Công Trịnh Mô (tức Nguyễn Cảnh Hoan- được ban họ của chúa Trịnh) lập công to được thăng Thiếu Phó. Tháng 7 năm 1571, quân thủy Nhà Mạc vào đánh Nghệ An. Thiếu Phó Tấn Quận Công cùng Lai Quận Công Phan Công Tích đem quân đánh thắng, quân Mạc rút về.
Ngày 26-12-1571, xảy ra sự cố, Đoan vũ Hầu Lê Cập Đệ định hại Trịnh Tùng, bị Trịnh Tùng giết chết, Vua Lê Anh Tông sợ Trịnh Tùng nên bỏ chạy vào Nam. Ngày 1 tháng giêng năm Nhâm tý (1573) Hoàng tử Lê Duy Hoàng lên ngôi, niên hiệu Gia Thái, Thế Tông Nghị Hoàng đế. Ngài Nguyễn Cảnh Hoan làm tướng đã lâu năm, thấy Ngài có tài biện luận, Vua Lê thăng Ngài giữ chức Hiệp mưu công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Binh bộ thượng thư Thái phó.
Hôm sau, Trịnh Tùng cho đón Vua Lê Anh Tông (Lê Duy Bang) từ Nghệ An, về đến Thanh hóa thì bị giết chết.
Năm 1574, tướng Nhà Mạc Nguyễn Quyện đem quân xâm chiếm Diễn Châu (Nghệ an), Chúa Trịnh cử Tấn Quận Công Nguyễn Cảnh Hoan và Lai Quận Công Phan Công Tích đem quân vào đánh. Nguyễn Quyện rút quân về Bắc.
Năm Ất Hợi (1575), Tấn Quận Công Nguyễn Cảnh Hoan cùng Lai Quận Công Phan Công Tích, Thái Phó An Quận Công Lại Thế Khanh và 30 viên tướng, trong đó có con Ngài là Thắng Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên, các em Ngài là Trung Quận Công Nguyễn Cảnh Hân, Lập Quận Công Nguyễn Cảnh Chiêu, Cường Quận Công Nguyễn Cảnh Vãn vào trấn thủ Nghệ An.
Lai Quận Công Phan Công Tích đóng quân tại núi Lưỡng Kiên (tức lèn Hai Vai ở Diễn Châu), bị quân của Nguyễn Quyện đánh, Lai Quận Công tử trận. An Quận Công Lại Thế Khanh đóng quân ở Quỳnh Lưu và Tấn Quận Công đóng quân ở mạn Thanh Chương đã không cứu được Lai Quận Công. Voi của Lai Quận Công mang xác của Ngài về và mộ chôn ở Yên Trường.
Nguyễn Quyện tiến quân lên sông Hao Tiền (Cửa Rào), Tấn Quận Công đem quân đánh ở Chung Tháp (Thanh Chương), Nguyễn Quyện thua. Dũng tướng trẻ chém nhiều đầu giặc trong trận này là Nham lĩnh Hầu Nguyễn Cảnh Kiên, con trai của Thái phó. Nguyễn Quyện đã phải thốt lên: “Người này tuy trẻ, nhưng võ nghệ cao cường, khi xung trận các người không được khinh suất”.
Quân Nguyễn Quyện thua to bỏ chạy. Tấn Quận Công yểm chú tội để giặc chạy thoát, làm cho miếu thần Bạch Hà mất linh thiêng.
Bảng Quận Công hàng nguyễn Quyện, bày mưu cho Quyện lẻn đánh quân Thái phó ở Thanh Chương. Thái phó lệnh cho Nham lĩnh Hầu Nguyễn Cảnh Kiên cùng Trung Quận Công Nguyễn Cảnh Hân, Lập Quận Công Nguyễn Cảnh Chiêu, Thanh Quận Công Đặng Kính đem quân cứu nguy ở Võ Liệt. Vây đánh ác liệt ở Bình Mô (xã Thổ Hào, Thanh Chương) và Chọ Rỗ, Nguyễn Quyện thua chạy, nhìn thế núi nơi phát tích của Tấn Quận Công núi hùng vĩ nhưng thế đất huyết thực nên biết Tấn Quận Công sẽ có ngày bị Quyện bắt.
Nguyễn Quyện đề thơ:
Hoan Châu trước cước lộ thôi ngôi,
Vạn lý hành chinh tửu hạc lôi,
Tương thức dĩ hà phong tri vấn,
Nam vô lưỡng tự Tấn Như Lai.
Ý thơ  nói tuy đánh Hoan Châu lâu ngày, lương kiệt, cảnh tiêu điều, không biết lấy gì tặng Tấn Quận Công, đành xin Phật Như Lai ban phúc cho Tấn Thái phó. Song nội dung lại ám chỉ là: Tấn Quận Công sẽ phải chết như Lai Quận Công, ở phương Nam sẽ không còn hai người đó nữa.
Nhận được bài thơ, Tấn Quận Công giận lắm, cho quân đánh chiếm Hoa Lâm. Ngài sai Trịnh Quận Công đem quân mai phục và dẫn đại binh đánh thẳng chính diện liền trong 3 ngày không phân thắng bại. Nguyễn Quyện núng thế định rút quân về Sa Nam (thị trấn Nam đàn), gặp phục binh nghĩ là trúng kế, bỏ chạy về Thái Lão. Quyện sai Kỳ Quận Công đốt phá nhà dân và theo đường sông rút chạy. Tấn Quận Công thúc quân đuổi đánh, chém chết Kỳ Quận Công. Thạch Quận Công Nguyễn Quyện cùng em là Phù Hưng Hầu chạy về phương Bắc. Từ đó nhân dân lại được yên hàn. Vua Lê thấy Tấn Quận Công đã trên 30 năm chiến trận, nhiều công lao, nên việc quốc sự lớn nhỏ đều mang bàn định với Ngài.
Năm Bính Tý (1576), Nhà mạc sai Khiêm Vương Mạc Kính Điển đánh Thụy Nguyên (sông Chu) và Đồng Cổ (sông Mã), Vua Lê mời Tấn Quận Công ra Thanh Hóa bàn định việc chống giặc.
Ngày 18-8-1576, Ngài đưa gần 1000 quân đi ra Thanh Hóa hầu vua. Thuộc tướng của Tấn Quận Công là Lâm Quận Công phản trắc, hàng Mạc bày mưu cho  Tấn Quận Công. Nguyễn Quyện đưa phục binh dùng chiến thuyền lẻn mai phục ở đoạn tử Cầu Quán đến Mai Lạp thuộc huyên Ngọc Sơn (nay thuộc Tĩnh gia, Thanh hóa). Gặp lúc trời mưa to, voi ngựa bị sa lầy, tuy chiến đấu dũng cảm, nhưng Ngài bị con trai của Lâm Quận Công bắt và Nguyễn Quyện đưa Ngài về Thăng Long (nay là Hà Nội).
Bị giặc bắt, trước khi Nguyễn Quyện đưa Ngài ra Bắc, Ngài đã làm 2 bài thơ, gói lại cùng với cuốn Dược tính, giao cho tùy tướng là Bố Lâm, Cha Bất và Thằng Sủng mang về cho binh tướng, chuyển cho vua Lê và để lại cho con cháu đời sau một tấm gương trung liệt:
Bài thứ nhất:
Nhân trung bẩm cương nghị,
Thế thượng bất trung bình,
Thiên địa quang chính khí,
Nhật nguyệt chiếu lâm tình,
Lăng lăng thanh bất hủ,
Lẫm lẫm tử do sinh,
Sát Phạt chư man quỷ,
Tróc phược chúng tà tinh,
Túng hữu chân tâm đảo,
Lai lâm tự luật linh.
Bài thứ hai:
Thế thụ thao kiềm,
Đàn đăng tướng súy,
Kiên trì kình tiết thanh,
Lưu thử đan tâm tử,
Thân thượng tri Lê Trịnh triều,
Diện thẳng tâm trung nghĩa quỷ,
Nhan Đường, Văn Tống liên tiền hiền,
Liệt nhật, thu sương thúy hậu thế.
                  Hoàng triều Gia Thái tứ niên bát nguyệt
                     Trung thu nhật - Tấn Quận Công đề.
Nghĩa là:
 Bài thứ nhất:
Vốn tính người cương nghị,
Trên đời tỏ trung trinh,
Chính khí rạng trời đất,
Nhật nguyệt chứng chân tình,
Thanh danh truyền bất hủ,
Lẫm liệt thác thư sinh,
Diệt hết loài gian dối,
Trói bắt lũ tà tinh,
Ai thật lòng cầu khẩn,
Ta sẽ đến rất nhanh.


Bài thứ hai:
Đời trao thao ấn,
Tướng súy trọng quyền,
Giữ vẹn tròn tiết tháo,
Chết để tấm lòng son,
Thân còn biết triều Lê Trịnh,
Mặt không thẹn ma trung trinh,
Gương Chân Khanh, Thiên Tường,
Nắng hạ, sương thu truyền hậu thế.
Tết trung thu tháng tám năm Gia Thái thứ tư
    Triều Lê (1576) - Tấn Quận Công đề thơ.
           Ghi chú: - Chân Khanh là Nhan Chân Khanh, Thái thú Bình nguyên thời Đường Thái Tông, khi An Lộc Sơn nổi loạn, Ngài chống lại, giẹp Giặc xong ông được cử làm Thượng thư Bộ hình, được cử đi xứ dụ Lý Hy Liệt, giặc uy hiếp vẫn giữ khí tiết không khuất phục, bị giặc giết.
- Thiên Tường là Văn Thiên Tường, đỗ tiến sĩ dưới triều Tống Lý Tông, được cử làm An phủ xứ tỉnh Giang Tây. Khi giặc Nguyên xâm lược Tống, Ngài được cử đi sứ sang Nguyên, bị bắt, ông trốn về Chân Châu. Được cử làm Hữu tướng, phong Tín Quốc Công. Ngài Mộ Quân chống lại giặc Nguyên, nhưng bị giặc bắt, ông làm bài Chính Khí Ca nêu rõ chí hướng của mình trước khi mất.
Thạch Quận Công Nguyễn Quyện nhiều lần gửi thư, vàng bạc khuyên dụ Ngài hàng Nhà Mạc nhưng đều không được. Trước sau Ngài vẫn tỏ lòng trung trinh phò Lê chống Mạc.
Thư của Nguyễn Quyện gửi Tấn Thái phó có đoạn viết: “Tướng nam vệ Thạch Quận Công Nguyễn xin tự tay viết thư gửi tới Tấn Quận Công Hoan Châu rằng: Cao cả thay đại huynh! Một lòng trung nghĩa, vốn không chút thẹn! Nhưng cái lẽ bỏ chỗ tối theo chỗ sáng chưa được Đại huynh để ý tới. Nay tôi nghĩ hai ta cùng là con nhà Tướng, có thể giúp nhau được tý chút chăng? Xưa cha tôi cùng Diễn Quốc Công đều là danh thần trong nước, được đãi ngộ rất hậu. Chỉ vì lời dèm pha mà không khỏi treo mũ tháo giày để ngao du nơi quan ải, bắt chước chuyện tướng Phục Ba ngày xưa, cùng con cháu họ Lê rong ruổi, chỉ mong khôi phục tiền triều. Nào ngờ khi Vua Lê qua đời, hai người con cũng lên thuyền về với chủ cũ (chỉ việc Nguyễn Quyện cùng em là Nguyễn Miễn lại bỏ Lê về với Mạc)…Nếu Tấn Quốc Công có thể tính chuyện thuận mệnh trời, bỏ nước Ngu về với nước Tần, thì tôi sẽ cởi dây trói của Lý Tả Xa, đẩy xe cho Tấn Quận Công ra đảm đương công việc trước Triều đình. Công lao của Tấn Quận Công sẽ như Bách Lý Hề, để phúc cho con cháu. Như vậy mới là gặp thời để hành đạo, há chẳng phải sung sướng ư? Tội gì mà bo bo giữ kẽ, cam tâm làm anh tù nước Sở khóc lóc nhìn nhau, liệu ai biết cho mình? Vì mến Đại huynh mà tôi thiển nghĩ vậy, xin sơ lược giải bày. Mong Đại huynh khi nhận được thơ, chớ  bỏ qua những điều vừa hiến kế”.
                                     Nay thư: Sùng Khang năm thứ mười một (1576)
Tấn Thái phó vẫn giữ lòng trung trinh không chịu hàng giặc, Ngài đã viết thư trả lời Nguyễn Quyện như sau:

                                    Triều Lê chính thống, Thái phó Tấn lão Nguyễn
                                            Viết thư gửi đến Thạch Quận Công rằng:

Phàm người sinh ra trong trời đất, phải hiểu rõ lẽ trời đất. Mà đã nói đến lẽ trời đất, thì cương thường là hệ trọng. Đại trượng phu lập thân, bỏ điều ấy không nghĩ tới, lại thay lòng đổi dạ, đi thờ hai chúa, thì dù có mũ cao áo xiêm thì cũng chỉ là hạng cầm thú thôi, sao có thể nói chuyện để tiếng thơm cho mai hậu?
Triều Lê, trên thuận lòng trời, dưới đáp lòng người, bình Ngô phục quốc, công đức vẫn còn đó, trong triều, ngoài nội ai ai cũng là bề tôi, cương thường được tạo dựng. Vừa rồi họ Mạc theo dớp Vương Mãng, can phạm đến ngôi vua. Vậy mà nhà ngươi lại vội đem họ Mạc sánh ngang cùng Tống tổ thật không hiểu khi Tống tổ bị sáu quân bức ép trở về đất Biện đã cầm dây cương thề với các tướng rằng: Thái hậu và Chúa thượng là những đấng ta tôn thờ, các ngươi không được xúc phạm. Đến ngày được nhường ngôi, không hề nuốt lời. Lòng người đều khoái trá, ý trời cũng chiều theo, cho nên mới được như vậy. Còn nay, nào việc giam cầm nội cung phía Tây, nào việc mẹ con Thồng Nguyên đều bị bức hại (chỉ việc Mạc Đăng Dung phế truất Hoàng đệ Xuân xuống làm Cung vương, giam luôn cùng Hoàng Thái hậu Trịnh thị ở nội cung phía Tây, sau ép phải tự vẫn), thảm khốc thế là cùng! Đấy là điều Tống tổ không nỡ làm. thế mà ngươi lại nói là bắt chước Thuấn, Vũ, chẳng hóa ra nhà họ Tào đi khen Thuấn, Vũ?
Nhà ngươi gốc đạo Nho mà không phân biệt được trong đục, khinh suất đem thân mang đánh cuộc với loạn triều, khom lưng thờ Ngụy chúa. Nhà ngươi nói không ở nước lọan mà lại xử sự như vậy sao?
Cũng may là ý trời vẫn còn đó, cây xanh lại đâm chồi. Vua Lê theo chí Thiếu Khang, chúa Trịnh lấy lại tinh thần cho đám bề tôi đang nghiêng ngả, chuyển loạn thành trị. Đến thời buổi ấy, cha con nhà ngươi mới đổi hướng hồi tâm quay về với chính thống, cũng là cử chỉ đáng khen. Tới lúc Vua Trung Tông qua đời, tiên đế kế vị, cũng giống như Tống Cao Tông rời vào phía Nam, Hiến Tông được nhường ngôi. Nước phải có người đứng đầu, đó là nghĩa lớn của việc tiếp nối dòng họ đã tuyệt. Còn như việc rước vua ở Bố Vệ (chỉ việc Trịnh Kiểm và quần thần rước vua Lê Duy Bang từ Bố Vệ-Đông Sơn, Thanh Hóa- về lập làm vua sau khi vua Lê Trung Tông mất), sách văn lên ngôi được các trung thần, nghĩa sĩ trong triều ai ai cũng ký tên và nguyện cúc cung tận tụy, thì nhà ngươi lại hồ đồ khua môi múa mép bảo nào là họ hàng xa xôi, nào là để đạt tới âm mưu làm phản.
Nhà ngươi gặp gia biến mới một năm, mà đã nhanh chóng bỏ con đường của cha, quên công ơn của Chúa, như thế không chỉ bất trung mà còn là bất hiếu, tội không thể trốn tránh được. Nay nếu còn nghĩ đến công ơn nuôi dưỡng của Tiên Vương, sửa sai lầm, tự đổi mới, bắt chước việc qua năm cửa quan chém sáu tướng để về với Huyền Đức thì bản triều cũng sẵn sàng tha cho lỗi lầm trước, không nỡ bỏ nhà ngươi. Còn nếu như cố chấp không chịu tỉnh ngộ, muốn làm Vệ Luật khuyên Tô Vũ hàng Hung Nô thì Tấn lão này thề phơi thây nơi đồng nội, hoặc chăn dê ở miền Bắc, chứ nhất định không muốn gặp mặt nhà ngươi nữa!
                                                                        Nay thư
                                                       Gia Thái năm thứ tư (1576).
Đọc thư trả lời của Tấn Thái phó xong, Nguyễn Quyện ra lệnh cho binh lính giam cầm Ngài theo chế độ nghiêm ngặt hơn.
Phía Vua Lê, rất lo lắng, tìm mọi cách để cứu Tấn Thái phó. Vua sai 20 thương nhân đem theo nhiều vàng bạc ra Thăng Long để cứu Ngài. Bà Trùm Trợ và một số nữ giới vào nhà Mạc thị (là quận chúa Mạc-vợ của Nguyễn Quyện) để nhờ bà thuyết phục Nguyễn Quyện, nhưng Nguyễn Quyện không thuận theo vì Quyện rất sợ tài trí của Ngài. Quyện đã nói: “Cho rồng xuống biển, thả hổ về rừng, là việc nước nhà nghiêng ngả”, nên mưu không thành.
Cuộc thuyết phục Tấn Thái phó hàng Mạc của Nguyễn Quyện kéo dài gần một năm vẫn không có kết quả và diễn ra nhiều khi rất sâu cay. Có lần, Quyện nói với Tấn Thái phó rằng: “Tôi nghe nói thôn quê có câu sấm truyền là Mô giả, mạc mộc giả, bất vi Mạc dụng, tất thành chi khôi”- có nghĩa là Mô là cây của Mạc, nếu không được Mạc dùng, ắt sẽ thành tro dưới mồ thôi. Tấn Thái phó trả lời: “Quyện giả, quyển nhân giả, hưu vi ư quyển, quả thụ khuyên tù chi nhục”- có ý là: ông vốn là dòng dõi nhà Nho, cha ông thấy ông tuy thông minh nhưng lười học, mới đặt tên cho ông là Quyện, nhốt trong thư phòng mà răn rằng: Quyện là người của sách, vì quay lưng với sách, quả nhiên bị cái nhục cầm tù.
Ngày 16 tháng 8 năm Đinh Sửu (1577), Ngài bị sát hại, thọ 57 tuổi, để lại cho dân tộc và con cháu đời sau gương trung liệt sáng ngời. Ngài mất đi, tướng sĩ, nhân dân thương tiếc. Để lại cho con cháu đời sau niềm vinh dự  tự  hào. Còn kẻ thù thì kính phục. Nguyễn Quyện nói : “Ngài là người trung nghĩa, cương liệt đời hiếm có, sau này ắt thành thần”. Thạch Quận Công Nguyễn Quyện thân hành đưa linh cữu Ngài lên thuyền rời bến, trả thi thể Ngài trở về với Hoan châu. Các ông bà Lãng Xuyên, Trùm Hắc, Trùm Trợ đã hộ tống đưa thi thể Ngài bến Đan Nhai (nay là Cửa hội). Lễ chôn cất Ngài được tiến hành trọng thể tại quê nhà. Hôm sau Triều đình Nhà Lê họp, truy tặng Ngài Hiệp mưu dương võ uy dũng, Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ thượng thư Tấn Quốc Công, ban tên thuỵ Hùng Nghị, sai quân mang sắc phong tặng.
Năm Hoằng Định thứ hai(1602), Triết Vương tưởng nhớ, nằm mộng thấy Ngài, tỉnh dậy cho họp triều thần, ban tặng Ngài tước vị Hùng Nghị Khuông tế trạch dân Đại Vương, xếp vào hàng Trung đẳng thần.
Thật là:
Cúc cung tận lực chung thơi dĩ,
Truy thưởng phong quân luỹ thế gia.
Nghĩa là:
Cúc cung tận tuỵ cho đến phút chót,
Truy tặng Tấn Quận phẩm trật đời đời.
Mộ của Tấn Vương lúc đầu an táng tại thôn Trường Thọ (nay là xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương), về sau người con trưởng là Thuỵ Trung Hầu Nguyễn Cảnh Hải do bất hoà trong anh em, đã trộm cải táng đi nơi khác. Sau đó con thứ hai Ngài là Nguyễn Cảnh Kiên cho vợ là Nguyễn thị về tìm, nhờ có Nguyễn Thị Năm (vợ Thuỵ Trung Hầu) và Hoàng Đăng Quang biết chỗ chỉ cho, đem về mai táng tại phúc địa cồn Chọ Mây, thôn Cẩm Hoa thượng (Rú Cấm) thuộc xã Đô Lương huyện Anh Sơn, nay là xã Đông sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.
Về gia thất, Tấn Vương lấy con gái Thái Bảo Đường Quận Công ở xã Dương Hợp, huyện Đông Thành (nay là huyện Yên Thành) họ Đào tên Ngọc. Người vợ thứ hai người họ Thái ở Đô Lương. Người vợ thứ ba là con gái Phấn Vũ Hầu, họ Nguyễn ở xã Đỗ Liêu, huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc, Hà Tĩnh), do Phấn Vũ Hầu là Túc tướng thời bấy giờ, nên Ngài lấy bà này làm vợ cả. Ngoài ra còn một số bà vợ lẽ khác.
Ngài sinh được mười người con trai, tám người con gái và có hai người con nuôi:
Con trưởng là Nguyễn Cảnh Hải (tức là Thị vệ sự Nguỵ Trung Hầu), do bà họ Nguyễn ở xã Đỗ Liêu, Thiên Lộc sinh.
Con trai thứ hai là Nguyễn Cảnh Kiên (tức là Thái Bảo Tả Tư không quán Thư Quận Công).
Con trai thứ ba là Nguyễn Cảnh Bố (tức là Cẩm y Vệ sự Vũ Thắng Hầu).
Con trai thứ tư là Nguyễn Cảnh Thuận (tức là Hành hạ Nghệ An đạo , Đô Tổng binh sứ Diễn phúc Hầu ) cùng mẹ với Thuỵ Quận Công .
Con trai thứ năm là Nguyễn Cảnh Núi (tức là Thự vệ sự Mậu lương Hầu) do bà ở thôn Chân Ngọc, xã Đồng Luân sinh.
Con trai thứ sáu là Nguyễn Cảnh Điển (tức là Thự vệ sự Nghĩa Võ Hầu) cùng mẹ với Thuỵ Trung Hầu .
Con trai thứ bảy là Nguyễn Cảnh Sơ (tức là Thự vệ sự Hào Quận Công), con bà ở xã La Mỗ, huyện Từ Liêm, họ Đỗ, tên Thuận.
Con trai thứ tám là Nguyễn Cảnh Đoan (tức là Tham đốc thần vũ tứ vệ quân vụ sự Phúc nghĩa Hầu) con bà ở xã Đại Đồng.
Con trai thứ chín là Nguyễn Cảnh Yên (tức là Vạn lộc Hầu) cùng mẹ với Hào Quận Công.
Con trai thứ mười là Nguyễn Cảnh Biền (tức là Thịnh mỹ Hầu), mẹ người họ Nguyễn, ở xã Đại Đồng.
Con gái là Ngọc Nhật, trước lấy Chí Quận Công sau tái giá lấy An Quận Công.
Con gái thứ hai là Ngọc Sử, cùng mẹ với Thuỵ Trung Hầu, lấy Trịnh Quận Công, sau tái giá lấy Xuân Dương Hầu.
Con gái thứ ba là Ngọc Ủ, cùng mẹ với Diễn phúc Hầu Nguyễn Cảnh Thuận, lấy Phúc Trạch Hầu.
Con gái thứ tư là Ngọc Tây, trước lấy Chân Quận Công sau tái giá lấy Mỹ Tiết Hầu.
Con gái thứ năm là Ngọc Bồng, lấy con trai của  Tri huyện Văn Minh.
Con gái thứ sáu là Ngọc Mô, lấy người ở xã Đại Đồng.
Con gái thứ bảy là Ngọc Dương, lấy Đại Lộc Hầu.
Người con gái thứ tám là Ngọc Sâm, lấy Hùng Xuyên Hầu.
Hai người con nuôi là Tráng Quận CôngPhù Quận Công.
Do Hùng nghị Khuông tế trạch dân Đại Vương Nguyễn Cảnh Hoan có công tích lớn với nước, triều Lê cho xây dựng nhà thờ Ngài tại thôn Tràng Thịnh, xã Đô Lương, phủ Anh Sơn (nay là xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Đây là tòa nhà uy nghi, có chạm trổ long phượng, cửa ngoài có tượng mã chầu, hổ phục. Nằm trên tả ngạn sông Lam (phía dưới đập nước Ba-ra). Do Ngài là người làm rạng danh dòng họ Nguyễn Cảnh nhất trong những người làm rạng danh của Họ, nên họ tộc từ lâu đời đã lấy nơi đây làm nhà thờ Họ, để tổ chức lễ hội lớn của dòng họ mười năm một lần (lễ chay vào những năm có số 4 ở hàng lẻ như các năm 1944, 1954, 1964 v.v. Khu nhà thờ Họ Nguyễn Cảnh này năm 1992 được nhà nước công nhận đây là Di tích lịch sử đã được xếp hạng.
Khi đi qua trước nhà thờ Ngài, người dân ở Nghệ An vẫn truyền miệng nhau hai câu thơ  rằng:
           Bao giờ Rú Cấm hết cây
Bàu  Sen hết nước thì Họ này hết quan.
                                                    
        (Tiếng địa phương Rú Cấm tức là Núi Cấm- một ngọn núi thuộc xã Tràng sơn, Đô lương, Nghệ An ngày nay. Bàu Sen là một đầm sen dưới chân Núi Cấm)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét