Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

HOÀI NIỆM LÀNG QUÊ

Ảnh Hòn Dài,Hòn xạ từ góc nhìn trước ngõ nhà tôi

Hôm qua tình cờ đọc lại bài thơ của bác Hoe Huấn nguyên chủ nhiệm hợp tác xã Nam Sơn trong những năm 60, có lẽ bài thơ được sáng tác theo phong trào văn nghệ quần chúng, nhưng ngày đó với mình là tuyệt cú mèo lắm rồi nên mới cẩn thận ghi vào sổ lưu niệm để đi ra còn khoe với bàn dân thiên hạ cái “Nam Sơn Grats” của mình chứ. Bài thơ thì dài nhưng có đoạn thế này:
…. Đất nam Sơn khoai lúa đủ dùng
Cây công nghiệp lạc vừng cho nông sản
Chè thừa uống, mật đủ ăn, tằm tơ nuôi bán
Hồng, Gai (dứa), Mít, Nhãn cũng nhiều 
Núi Yêm sơn, núi Hòn Dài hùng vĩ
Hoa bốn mùa nhún nhảy nắng đưa hương ...
Là người hoài niệm, gặp lại bài thơ như chạm vào nỗi nhớ, trong lòng tôi bao kỷ niệm ùa về. Công bằng mà nói so với bọn trẻ bây giờ thế hệ chúng tôi có nhiều may mắn hơn vì được sống trong một môi trường và cuộc sống tuy có phần hoang sơ nhưng cũng thật nên thơ. Có lẽ nhờ không phải tiếp xúc với các trò chơi bạo lực trên mạng nên tâm hồn, tình cảm hình như có phần sâu lắng hơn.
Tôi nhớ cứ mỗi bận hè về là đích thực một kỳ nghỉ lý thú với đầy đủ ý nghĩa của từ này, không hề có chuyện học thêm học bớt, kết thúc năm học chạy về đưa cho mẹ cái giấy khen với danh hiệu “Học sinh tiên tiến” để cha dán lên xà nhà chỗ phòng khách là oai lắm rồi, ngay ngày hôm sau đoạn tuyệt hoàn toàn với sách vở. Ngoài nhiệm vụ nhặt phân, chăn trâu cắt cỏ phụ giúp gia đình lo miếng cơm manh áo, thôi thì đủ các trò tiêu khiển. Ban ngày thì nào là bắt cá, bắt chim, bắt cạp cạp, không biết nghe ai mách bảo loài cạp cạp thích tiếng ồn ào náo nhiệt mà đứa nào cũng mang mấy cái vỏ đạn cao xạ treo lên đầu nhà đánh beng beng suốt cả trưa hè để mong cạp cạp bay về đậu trong vườn mình nhiều hơn. Với trò chim chóc thì còn sôi động hơn nữa, đứa nào cũng tự đan một vài cái lồng để nuôi chim, thằng Hùng con chú Chắt Mỹ còn nuôi được cả loài chim bói cá, hàng ngày bắt Cần Cấn Mái Mái cho ăn, lông lá tanh rình mà vẫn khoái chí  mang ra khoe, có lẽ vì “của độc” không “đụng hàng” với đứa nào. Được cái là lũ chim làm tổ khắp mọi nơi, từ các ngọn cây cao dành cho bọn lớn hơn như Sáo sậu Cà cưởng, đến các cây thấp bờ bụi thì dành cho lũ Chào mào Chích chòe, đâu đâu cũng có tổ chim, chỉ cần chịu khó quan sát là thấy liền. Tối tối ăn cơm xong là tập trung tại giếng Sân trường chia phe đánh trận giả, hò reo dậy cả góc trời.
Về địa dư xã nhà quê tôi có nhiều làng, nhưng làng xóm Gát của tôi cách làng Khả Phong chỉ một cánh đồng nhỏ. Làng bên này có đường quốc lộ đi qua, làng bên kia có con mương thủy lợi với bờ mương đắp cao rất thoáng mát, những đêm trăng thanh vắng nghe rõ tiếng chó sủa, gà gáy của nhau. Đó là “Không gian lĩnh xướng” lý tưởng cho đám trai gái làng tôi tụm năm, tụm ba cất tiếng hò tìm bạn. Hò là một lời thoại dạng một câu thơ ứng khẩu được cất theo một giai điệu nào đó. Vào những năm đó, ở quê tôi hò tồn tại song song hai giai điệu, tôi không phải nhà nghiên cứu văn hóa nên không rành rõi cho lắm việc các giai điệu đó xuất xứ từ đâu, chỉ biết có một giai điệu được ưa chuộng cả. Giả sử như để tìm bạn chơi, nhóm thứ nhất thường “lĩnh xướng” rất bâng quơ nhưng không kém phần thách thức như sau: “Ơ ơ… hò!  Hôm nay trời đẹp, mà trăng ơ ớ … thanh. Đem đàn ra ơ… gẩy, thử dây ơ … bền nào bền…”. Toán làng bên nghe được câu hò đó thường đáp lại là: “Vừa ra vừa gặp em (hoặc anh) liền. Cũng bằng ăn trái đào tiên trái mùa”. Sau vài câu đối đáp bắt chuyện làm quen như thế, tiếp theo là hỏi thăm tên tuổi, quê hương bản quán của nhau ... đại loại như. “Trên trời có đám mây xanh. Anh đây hỏi thật tên em là gì?”, khi được biết tên rồi thì hỏi tên người thân như “Tên em (hoặc anh) anh đã biết rồi. Còn tên thầy mẹ em thời thưa luôn”  Hay “Đường dài ngựa nhảy cát bay. Đường về quê mẹ mấy ngày tới nơi”… và cứ thế các lời thoại thường được sáng tác và ứng khẩu tùy theo từng tình huống. Những người giỏi hò thường có lời ứng khẩu rất nhanh và lời lẽ thì vô cùng tình tứ, nếu đối đáp chậm thì thường bị đám bên kia nhắc nhở dục dã như: “Xa anh em đợi em chờ. Mong anh đáp lại câu thơ vừa rồi”. Chả vậy mà có nhiều hôm bị hỏi dồn bí quá, đám thanh niên làng tôi phải cử người chạy về mời bà cụ Xuyến vốn là nghệ nhân hát dân ca ra ngồi đằng sau, vừa hóng mát ăn trầu vừa “sáng tác nhắc bài”. Có lẽ nhờ thừa hưởng truyền thống của bà mà thằng Cát con trai bà hò hay ra phết và lũ trẻ thường có câu “Thắng Thiền hay hát, Cát Xuyến hay hò” là vậy hi hi…
Chuyện quê thì kể suốt ngày không hết, nhưng hôm nay xin kể thêm chuyện này, ấy là kiểu nói “Dọc chuối” khôi hài thông minh trào lộng có một không hai của người dân quê tôi. Nói bất cứ ở đâu bất cứ lúc nào, lúc vui nói đã đành, lúc đói khổ buồn phiền tê tái cũng không chừa, tuy nhiên tập trung ở những “Dọc-chuối-cơ” có tính vui nhộn hay nói trạng nhiều hơn. Thú thực cho mãi cho đến bây giờ, khi đã ở cái tuổi U60 mà tôi cũng chẳng hiểu vì sao ngày xưa mẹ tôi thường gọi đó là kiểu nói “Dọc chuối”. Chỉ biết có bận tôi nhận được một cú điện thoại của một cô bạn cùng quê, bắt máy xong cứ nghe cô ấy cười ngất ngưởng vừa cười vừa kể, kể rằng hôm qua đang ngồi một mình bỗng phá lên cười, con gái thấy mẹ cười tưởng mẹ làm sao hoảng hồn gặng hỏi vì sao mẹ cười? Mà mẹ thì không thể giải thích được rằng mẹ đang nghĩ lại chuyện hôm trước khi tôi vào Sài gòn, mấy anh chị em cùng làng gặp nhau ôn nghèo kể khổ, kể chuyện nói “Dọc chuối” của làng mình. Rằng có bận gặp ông Bình Liêu đi cày có người chào hỏi “Ông cày ở mô rứa” (cày ở đâu vậy), ông không trả lời thẳng mà đáp thật to “Rách đụng” (rách đũng)! Vậy là phải suy đoán rằng: Rách đũng quần thì phải … “lòi háng”, mà đã "lòi háng" thì có nghĩa là đi cày ở xứ đồng … Làng Hói. Hì hì … rứa thì có trời mà hiểu được. May ra có mấy “Chuyên gia” nói dọc chuối như ông Mới Tỵ xóm sau, ông Cu Cấn xóm trước mới hiểu ngay được. Nhắc tới ông Cu Cấn, tôi nhớ trận đói năm 1968, cả làng tiêu điều xiêu bạt đi tìm cái ăn khắp nơi, đích nhắm tới là các vùng miền ngược, nơi có các cánh rừng măng nứa măng tre, nơi đất rộng người thưa có nhiều khoai lắm sắn, vậy mà khi gặp ông mang trên lưng cái giỏ, vai vác cái cuốc đào, hỏi “Ông đi mô rứa” (đi đâu vậy) thì nhận được câu trả lười thật dõng dạc là: “Lên ty”! Người không biết nghe vậy cứ tưởng ông này chí ít cũng là cán bộ hàng huyện cần làm việc với sở này sở nọ đâu trên tỉnh (vì ngày đó Sở ở tỉnh gọi là Ty) hóa ra “Ty” ở đây là “Ty…cần”. Lạy hồn, ông ấy lên huyện miền núi Tân Kỳ để… mót sắn giời ạ! Lạc quan hóm hỉnh đến thế là cùng he he...
Sau nhiều năm đi xa, thỉnh thoảng về thăm quê, cảnh xưa còn đó người cũ đâu còn, nhiều thế hệ các ông bà đã cùng nhau về theo tiên tổ. Xem ra những điều tôi kể đã không còn nữa, nhưng chợt nghe đứa cháu nói rằng: Chú ơi “Hòn Ngắn” quê mình bây giờ xã bán cho người ta cạp đất làm đường, trông không còn đẹp như ngày xưa nữa. Tôi hiểu Hòn Dài quê tôi môi trường đang có phần thay đổi bởi bàn tay hủy hoại của con người. Nhưng lòng thấy vui vui vì hình như ít nhất kiểu nói “Dọc chuối” vẫn còn hiện hữu.
Rỗi rãi tản mạn mấy dòng để con cháu nơi đất khách quê người đừng quên nơi quê cha đất tổ và người ở quê đừng hiểu nhầm rằng chúng tôi ra đi đã quên hết mọi điều./.

                                                                      Nha Trang 1/2013