Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI THỨ 12

Đời thứ mười hai

Yển Đức Hầu
NGUYỄN CẢNH QUY
(XII-D)

            Ngài là con trai thứ tư của Thừa sứ Thuận Trung Hầu Nguyễn Cảnh Việt, sinh nhằm năm Kỷ Mùi (1739). Ngài lập gia thất năm 16 tuổi và sinh sống tại thôn Nghiêm Thắng (Nay thuộc xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
          Ngài sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước loạn lạc, đàng trong thì Chúa Nguyễn, đàng ngoài thì Chúa Trịnh. Hai miền phân tranh triều miên, nhân dân cơ cực, giặc giã như rươi. Trong thời gian này, có phong trào bạo động của nông dân do các vị tướng áo vải là anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ ở huyện Tây Sơn (Tỉnh Bình Định) lãnh đạo. Triều đình nhà Nguyễn Tây Sơn tuy chỉ tồn tại trong một thời gian không dài, nhưng là nhà nước hùng mạnh. Đã có nhiều chiến tích hiển hách. Ở phía Bắc, nhà Lê thối nát, vua Lê Chiếu Thống chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh, gây ra cuộc xâm lăng nước ta. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã đưa quân ra Bắc dẹp giặc, làm nên những kỳ tích chiến thắng Đống Đa, Ngọc Hồi. Ở phía nam chúa Nguyễn thua trận, với giặc Xiêm la (Thái Lan) đánh vào Nam bộ. Vua Nguyễn Huệ đã đem quân vào Nam đánh tan năm vạn Xiêm trên sông Cửu Long với chiến tích Rạch Gầm, Soài Mít vang dội. Anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ không hòa thuận và vua Nguyễn Huệ lại mất sớm (năm 1792), làm cho nhà Nguyễn Tây Sơn suy sụp, dẫn đến kết cục Chúa Nguyễn Ánh nhờ sự viện trợ của Pháp đã lập nên triều Nguyễn Gia Long sau này (năm 1802). 
          Ở Nghệ An lúc này, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Ngài Nguyễn Cảnh Quy lập đội thiên lý phường quân, đánh lại giặc cướp ở các miền Nam Đàn, Đô Lưong, giữ cho nhân dân trong vùng được bình yên. Ngài được phong là Trung nghĩa vệ, Yển Đức Hầu, kiêm bản tộc binh.
          Cùng thời đó, Ngài Cảnh Quy có một người cháu ruột gọi Ngài bằng chú tên là Nguyễn Cảnh Thước (Còn gọi là Nguyễn Cảnh Trữ, là con trai thứ hai của người anh cả, chính là Thiêm sự viện Thiếu Thiêm sự Nguyễn Cảnh Ứng). Đó là một võ tướng hơn người. Làm quan đến chức Khâm sai, trấn thủ Kinh Bắc kiêm Tuyên Quang đạo, nổi tiếng hùng mạnh và mưu lược. Chuyện kể rằng: Từ nhỏ, Ngài Cảnh Thước được cha mẹ cho thầy theo học nghề văn chương. Có một lần cùng đám bạn bè mải đuổi theo một con diều no gió, Ngài không để ý chạy đâm bổ vào một đám quan quân trên đường, bị quân lính phạt đòn rất đau. Cha của ngài tức chí cho con mình chuyển sang học võ, quyết trở thành võ tưóng. Người đưa Ngài Cảnh Thước về quê, dựng một ngôi nhà trên núi, mời thầy về ngày đêm luyện võ với lời dặn “Chưa thành tài không được trở về nhà”, đến nỗi mẹ ốm nặng cũng không được về thăm. Chính nhờ vậy Ngài Cảnh Thước đã thi đậu và trở thành Tiến sỹ Võ thuật, được bổ nhiệm làm quan lớn.
Đương thời ngài Cảnh Thước được Vua giao quyền “Tiền trảm hậu tấu” tức là Chém trước báo cáo sau. Được dự bàn việc quân chính trong Triều ngoài quân, vì vậy uy danh của ngài rất lớn, trong quan, ngoài quân ai ai cũng nể sợ.  Chuyện kể rằng: Có một lần khách đến chơi nhà, vào đến sân lũ chó vây quanh cắn sủa ầm ỹ, Ngài bực mình với đám gia nhân không ra đón khách, liền dậm chân gầm lên một tiếng, người khách vì quá khiếp đảm vì bản tính nóng nảy cùng uy  quyền “Tiền trảm hậu tấu” của Ngài, tưởng mình bị chém vội ù té chạy, bị vấp ngã trong khi còn thanh kiếm giắt ngang lưng, chẳng may tai nạn xảy ra chết người. Người nhà của vị khách nọ viết đơn kiện lên nhà Vua. Trong buổi thiết triều, Vua đưa đơn cho Ngài đọc. Biết được lời tố cáo sai sự thật, với bản tính nóng nảy Ngài đưa lá đơn lên ngọn nến trước mặt, đốt ngay trước mặt bá quan triều đình. Nhưng nhờ uy tín và bản chất trung thực của Ngài nên Vua cũng bỏ qua cho.
          Ngài Cảnh Thước chính là người đã bắt lột áo bào của Vua Lê Chiêu Thống khi vua chạy ra biên ải sang Trung Quốc để cầu nhà Thanh. Vì hành động yêu nước này một thời gian dài, Ngài bị mang tiếng là “Khi quân”. Chuyện kể rằng: Trong thời gian làm tướng, trấn thủ vùng Kinh Bắc. Lúc Vũ Văn Nhậm dẫn quân Tây Sơn ra tiêu diệt Hữu Chỉnh, vua Lê Chiêu Thống và Nguyễn Hữu Chỉnh thấy Ngài Cảnh Thước là dòng dõi công thần muốn lấy làm chỗ dựa để khôi phục nhà Lê, nên vượt sông sang Kinh Bắc, chạy ra biên ải sang Trung Quốc để cầu nhà Thanh. Ngài Cảnh Thước giả vờ cáo ốm không mở cửa thành đón tiếp lại ngầm sai thủ hạ đuổi theo cướp tư trang, tiền bạc và lột áo bào, ấn tín xa giá của vua, giấu thuyền bè không cho sang sông. Vì hành động được coi là “Khi quân” này, cộng với đức tính cương trực, nóng nảy như Trương Phi nên về sau Ngài Cảnh Thước theo quân Tây Sơn nhưng không được tin dùng lắm. Đồng thời trước đây ở quê nhà, trong mỗi dịp tế lễ của dòng họ Nguyễn Cảnh (mười năm một lần), con voi thứ 18 (làm bằng giấy) của Ngài cũng không được hoá vàng mà chỉ được thả xuống sông Lam cho trôi xuôi. Nhưng đến năm 1969 Uỷ ban khoa học Xã hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam đã khẳng định lại là: “Trung quân là ái quốc, nhưng Vua phải là Minh quân, còn đối với Hôn quân bán nước như Lê Chiêu Thống thì việc làm của Trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Cảnh Thước là một hành động yêu nước”.
          Lại nói về Ngài Yển Đức Hầu Nguyễn Cảnh Quy, sau khi vua Gia Long lên ngôi, Ngài xin về nghỉ tại quê nhà.
Ngài mất ngày 25 tháng 4 năm Ât Sửu (1805), hưởng thọ 67 tuổi.
Mộ táng tại cồn Cây Ngát, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
          Ngài có hai người vợ:
Chính thất là Ngài Nguyễn Thị Tần, sinh năm Tân Dậu (1741), mất ngày 28 tháng tư năm Ất Dậu (1825), mộ táng cạnh chồng. Bà có bốn người con trai và sáu người con gái.
Á thất là Ngài Nguyễn Thị Hiền, mất ngày 8 tháng 8 (Năm không rõ), bà có 3 người con trai và  3 người con gái.
          Ngài Nguyễn Cảnh Quy sinh hạ được 7 trai và 9 gái:
          Con trai trưởng là Nguyễn Cảnh Độ (Du), (mẹ là Nguyễn Thị Tần). Sinh năm Canh Ngọ (1750), được nhà Lê phong là Hữu khuông cơ cai Hậu Đức Hầu. Ngài mất ngày 5 tháng 2 năm Nhâm Thân (1812), thọ 63 tuổi. Ngài Cảnh Độ có 5 người con trai.
          Con trai thứ hai tên là Nguyễn Cảnh Lương (Tào). Ngài Cảnh Lương tham gia chiến đấu trong vệ trung nghĩa bản tộc binh, được phong là Trung nghĩa vệ cai cơ. Sau khi mất, mộ Ngài táng ở cồn Cây Ngát, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ngài Cảnh Lương có hai vợ là hai chị em ruột họ Thái, người làng Phương Liên (Liên Sơn, Đô Lương Nghệ An ngày nay).
          Con trai thứ ba mất sớm.
          Con trai thứ tư tên là Nguyễn Cảnh Kỳ (Tôn), Ngài Cảnh Kỳ không có con trai, nên cháu của Ngài là Nguyễn Cảnh Bỉnh thừa tự.
          Con trai thứ năm Nguyễn Cảnh Vịnh (Lâm), tự Thọ (thuộc chi ông Cửu Đoài). Con cháu Ngài hiện sống tập trung ở xã Đông Sơn, huyện Đô Lương .
Con trai thứ sáu Nguyễn Cảnh Khiết không có con trai, vì vậy cháu của Ngài là ông tú Doãn thờ tự.
          Con trai thứ bảy tên là Nguyễn Cảnh Hứng, tự Hướng thi đậu Hiệu sinh, Ngài tham gia trong quân đội bản tộc, đươc phong là Bảo an Thành Hoàng, Phó quốc bảo dân, Dực báo trung hưng linh ứng chi thần. Ngài Cảnh Hứng mất ngày 18 tháng 2, (Không rõ năm mất). Trước đây mộ của Ngài táng tại Hồ Làng Phương Liên, nay đã dời về táng tại cồn Cây Ngát, xã  Đông Sơn, huyện Đô Lương. Ngài sinh được 3 người con trai và đều thi đỗ Hiếu sinh. Con cháu của Ngài là Nguyễn Cảnh Vị chuyển cư về làng Kim Nghĩa, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trước đây không rõ lý do đã đổi thành họ Nguyễn Hậu, nhưng ngày nay đã đổi trở lại họ Nguyễn Cảnh. Tộc trưởng của tiểu chi này là ngài  Nguyễn Cảnh Chí.
Chín người con gái là: 
Con gái thứ nhất tên là: Nguyễn Thị Ngọc Hiến.
Con gái thứ hai tên là: Nguyễn Thị Ngọc Doan (mất sớm).
Con gái thứ ba tên là: Nguyễn Thị Ngọc Thuy, lấy chồng về Đức Mỹ.
Con gái thứ tư tên là: Nguyễn Thị Ngọc Trân, lấy chồng về Phương Liên.
Con gái thứ năm tên là: Nguyễn  Thị Ngọc Thông (mất sớm).
Con gái thứ sáu tên là: Người thứ sáu cũng mất sớm.
Con gái thứ bảy tên là: Nguyễn Thị Ngọc Tục (tức là cố Cửu Luyện ở làng Nghiêm Thắng, Đông Sơn).
Con gái thứ tám tên là: Nguyễn Thị Ngọc Khang lấy chồng ở Cẩm Ngọc.
Con gái thứ chín: (mất sớm).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét