Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI THỨ 3

Đời thứ ba

Vĩnh Khánh Hầu
NGUYỄN CẢNH CẢNH
(III-A)

Ngài là con trai duy nhất của Tổ Nguyễn Cảnh Luật, tiếp tục làm nghề chữa bệnh cứu người do Cha truyền lại. Tên thụy của Ngài là Đoan, Chính phủ quân, sau này do con cháu có công tích với Nước, được Nhà Lê Trung Hưng truy tặng Dương võ uy dũng tán trị công thần, hành hạ Nghệ an đạo, Đô tổng binh sứ ty thiết sự, quản tri dân sự vụ Vĩnh Khánh Hầu.
Ngài vốn giàu lòng nhân đức, dáng vể khoan hoà, thích làm việc thiện, được nhiều người yêu mến.
Chuyện kể rằng: Tại xã Đại Đồng có cụ già ngoài 60 tuổi bị ốm nhờ Ngài chữa bệnh, gia chủ trả 5 quan tiền, Ngài chỉ lấy 1 quan, khi đã khỏi bệnh cụ hỏi: vì sao nhà Thầy nghèo mà chỉ lấy 1 quan? Ngài trả lời: phương thuốc đó tuy chữa khỏi bệnh, nhưng có đáng là bao, chẳng nhẽ tôi lừa người để lấy tiền sao? Cụ già bảo: Người có lòng từ thiệnnhư thế này thì trời sẽ báo đáp. Sau đó ít lâu, cụ dắt 1 con bò sang biếu Ngài. Có được con bò, Ngài khai hoang vỡ ruộng dưới chân núi trồng cấy để sinh sống độ nhật qua ngày.
Lại có chuyện một Thầy địa lý râu tóc bạc phơ, mặt đỏ như gấc có tiểu đồng quẩy la bàn theo sau, rõ là một nhà thuật số hạng cỡ, trên đường về xã Đại Đồng tìm giúp người bạn họ Chu một ngôi đất quý. Khi đã chiều tà gặp Ngài hỏi đường, Ngài nói đường còn xa lại nhiều thú dữ, trời sắp tối. Thầy và trò nên tìm nơi nghỉ lại. Thầy trò xin Ngài cho nghỉ nhờ qua đêm. Nhà chật lại chỉ có một chiếc chõng tre, chủ nhường khách ngủ, còn mình thì trải chiếu đất nằm. Dọn cơm đãi khách nhưng nhà hết gạo, chỉ còn ít nếp và con gà chuẩn bị ngày mai cúng giỗ Cha, hai vợ chồng Ngài bàn nhau đồ xôi giết gà, để một nửa cúng Cha trước, một nửa dọn cơm đãi khách. Khách biết chuyện vô cùng cảm động. Sáng hôm sau Ngài lại gánh củi đi bán lấy tiền mua gạo thịt, về làm lễ cúng Cha và cũng nhân để đãi khách. Thầy địa lý hỏi han cặn kẽ gia cảnh. Cảm phục nhà nghèo nhưng tấm lòng nhân nghĩa, Thầy địa lý tìm chỉ cho Ngài ngôi đất quý “Tân long chuyển tốn nhập tả hữu, cước kết kim tinh khai thủy huyệt”- là huyệt đất tốt vào loại nhất có phát vương công ở chân núi Ngọc Sơn. Chỉ vạch hình thế, căn dặn cẩn thận rồi ra đi không quên lưu lại vài bài cáo.
Thầy lưu lại bài cáo như sau:

Trù tướng cao bích,

Tốn tân xuất mạch,
Công hầu thượng cách,
Đại đại bất dịch,
Đản hiềm sa vệ khoáng phi di,
Lũy thế công khanh cư quán khách.
Nghĩa là:
Dù trướng che cao biếc,
Long mạch xuất tốn tân,
Khanh tướng với công thần
Đời nối đời không đổi,
Chỉ hiềm án cát rộng dạt trôi,
Nên phải quê người danh mới rạng.
Lại một bài nữa là:
Tiền tam phong, hậu tam phong,
Tử tôn thế thế xuất anh hùng,
Đản hiềm thủy phá Cấn Dần cung,
Nữ chủ không phòng độc túc trung.
Nghĩa là:
Ba trước ba sau núi trập trùng,
Đời đời con cháu phát anh hùng,
Hiềm vì Cấn Dần dòng nước cản,
Con gái thường hay bị góa chồng.

 Nửa năm sau, Ngài mới táng mộ Mẹ vào huyệt đất trên, từ đó gia nghiệp ngày càng phát đạt.
Chính thất Ngài họ Nguyễn, ở xã Trung Lâm, huỵện Thanh Chương, con gái quan Tổng tri quân dân sự vụ.
Ngài mất chôn ở phúc địa Ngọc Sơn, xã Hoa Lâm (nay là xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Bà chính thất mất chôn ở phúc địa Nùng Na (cũng ở huyện Thanh Chương).
Ngài sinh được 9 người con. Con trai lớn tên là Đạo. Người thứ hai tên là Địch. Người thứ ba tên là Tông Liệt. Người thứ tư tên là Bá Cầm. Người thứ năm tên là Huy. Người thứ sáu tên là Huyên. Người thứ bảy tên là Tạc. Hai người con gái tên là Ngọc Chẩn và Ngọc Nô. Tổng số có 7 người con trai và 2 người con gái.
Thật là:
Thất nam nhị nữ tư vi thịnh,
Cánh khởi gia thanh cánh thị thùy.
                                         Nghĩa là:
Bảy trai hai gái cơ phát đạt,
Làm rạng danh nhà đố biết ai?
Theo tranh Hà Đồ thì con số 7 và số 2 ở về phương Nam, xếp thành một chuỗi, muốn biết người nào có tướng mạo hùng bi (tướng võ) thì phải chờ xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét