Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

ĐỜI THỨ 6

Đời thứ sáu

Thư Quận công
NGUYỄN CẢNH KIÊN
VI-B

Ngài là con trai thứ hai của Hùng Nghị Đại Vương Nguyễn Cảnh Hoan, do bà họ Nguyễn, con gái Đào Liêu Phấn Vũ Hầu, quê ở Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh sinh hạ.
Ngài sinh vào ngày 21-8 năm Quý Sửu (1533).
Từ nhỏ, Ngài đã được cha dạy dỗ và luyện rèn văn võ song toàn. Nhắc lại trong trận đánh quân Mạc năm ất Hợi (1575) tại Thanh Chương, Nghệ An, phía giặc do Thạch Quận Công Nguyễn Quyện chỉ huy, lúc này Ngài mới 22 tuổi, nhưng đã nổi danh chém nhiều đầu giặc. Đến nỗi Nguyễn Quyện phải thốt lên: “Người này tuy trẻ, nhưng võ nghệ cao cường, khi xung trận các ngươi không được khinh suất”.
Khi Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan bị Nguyễn Quyện bắt, cùng với anh em ruột và tướng sĩ, Ngài thề trả thù Cha, đền nợ Nước. Ngài mang những bài thơ tuyệt mệnh của cha ra Thanh Hóa báo tin cùng Vua Lê và Chúa Trịnh. Ngài được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tướng Dương Quận Công Nguyễn hữu Liêu.
Năm 1576, quân Mạc đánh vào Yên Mô, Yên Khang (Tỉnh Ninh Bình ngày nay), Dương Quận Công Nguyễn Hữu Liêu đưa quân ra tiếp ứng cho Tiết chế Trịnh Tùng. Ngài Nguyễn Cảnh Kiên được cử làm tướng tiên phong. Nguyễn Quyện sai tướng là Hoằng Quận Công Lại Thế Mỹ đến khiêu chiến ở lũy Bùi Môn, trong trận này, quân của Nguyễn Cảnh Kiên chém đầu Lại Thế Mỹ. Nguyễn Quyện thân chinh tiến quân vào tiếp đánh. Ngài nổi giận khi thấy kẻ thù giết cha mình, xông thẳng lên đuổi Nguyễn Quyện chạy dài trên mười dặm.
Ngài Nguyễn Cảnh Kiên chiếm công đầu, được gia thưởng là Cẩm y vệ sự Tín Quận Công.
Năm Tân Tỵ (1581), quân Mạc do Mạc ứng Vương Đôn Nhượng theo đường biển đánh vào Quảng Xương (Thanh Hoá). Hoàng Đình Ái cử Dương Quận Công Nguyễn Hữu Liêu đón đánh. Trong trận này, Tín Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên chém trên một trăm đầu giặc. Tướng giặc là Nguyễn Công (cháu của Nguyễn Hữu Liêu) bị bắt, được tha tội, sau được phong là Tung Quận Công.
Từ đó, nhân dân Ái Châu và Hoan Châu được an cư vì nhà Mạc không dám đem quân vào đánh nữa.
Tín Quận Công thấy ứng điềm sinh võ tướng. Vợ Ngài người họ Nguyễn, là chắt của Thái sư Cang Quốc Công, người làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, đến năm Quang Hưng, Quý Mùi (1583) bà sinh con trai, đặt tên là Nguyễn Cảnh Hà (sau này là Phò mã, Đô uý Thiếu phó Tả tư không Thắng Quận Công).
Năm 1591, trong trận đánh quân Mạc tại Kinh Dự, Dương Quận Công Nguyễn Hữu Liêu giao cho Tín Quận Công làm cầu phao, cho đại quân rút lui lừa quân Mạc, quân Mạc tiến vào, bị quân ta mai phục trong đồng, tiêu diệt nhiều vô kể.
Tháng 12 năm Tân Mão (1591), nhà Lê đưa quân ra tập kích Sơn Tây và đánh Thăng Long. Sau khi chia quân canh giữ các cửa biển, năm đạo quân tiến ra Bắc, trong đó, quân của Dương Quận Công Nguyễn Hữu Liêu và Kỳ Quận Công Trịnh Ninh làm tiên phong. Chúa Mạc bị bất ngờ, phải điều binh trên mười vạn, do Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn, Thường Quốc Công Nguyễn Quyện chỉ huy ra đón đánh.
Tín Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên xung trận, Ngài đã diệt được hai tưóng Mạc là Khuông Định Công và Tân Quận Công.
Nguyễn Quyện bàn với Chúa Mạc Hồng Ninh dùng kế giả lui binh để đánh mai phục, Quyện đem quân mai phục ở Phấn Hạ. Mạc Hồng Ninh cho quân rút lui, nhưng vì bạc nhược nên tháo chạy hỗn loạn. Nguyễn Quyện không dám ra đánh. Mạc Hồng Ninh qua Phấn Hạ vượt sông Hát (Phúc Thọ - Hà Nội ngày nay).
Quân Nhà Lê quyết định nhân lúc giặc Mạc đang nao núng, tiến quân đánh Thăng Long. Tối ba mươi Tết quân ta do Dương Quận Công Nguyễn Hữu Liêu chỉ huy gồm năm nghìn người áp sát phía Bắc thành, đốt lửa, Mạc Hồng Ninh ra lệnh cho cung tần gói ghém tư trang chuẩn bị bỏ chạy.
Ngày mùng ba Tết Nhâm Thìn (1592), đại binh nhà Lê áp sát sông Ninh Giang (gần chùa Trầm), ngày mùng sáu Tết, quân Lê tiến vào sông Tô Lịch, qua cầu Nhân Mục (cống Mộc), xứ Xạ Đôi (nay là Giảng Võ). Nguyễn Quyện dẫn quân mai phục ở Cửa cầu Dền. Tín Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên là quân tiên phong mở đột phá khẩu tấn công. Tướng Mạc là Bùi Văn Khuê và Tần Bích Liên bỏ chạy. Quân của Nguyễn Quyện bị tiêu diệt gần hết. Nguyễn Quyện bị bắt.
Quân Lê cho binh lính san phẳng hào luỹ xung quanh thành Thăng Long và phái hai đạo quân đi thu phục các vùng phía Tây và Nam.
Tín Quận Công lập công to được thăng là Đô Đốc Thiêm sự.
Nguyễn Quyện có người con gái tên là Nguyễn thị Ngọc Niên rất xinh đẹp, là vợ của tướng Mạc là Sơn Quận Công Bùi Văn Khuê. Chúa Mạc Hồng Ninh muốn chiếm đoạt nàng nên mưu trừ khử Bùi Văn Khuê. Nguyễn thị Ngọc Niên biết được, khuyên Bùi Văn Khuê hàng Lê. Quả nhiên có lệnh Chúa Mạc triệu, Bùi Văn Khuê đưa quân bản bộ vào Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) hàng Lê và xin quân đánh Mạc. Thái uý Vinh Quận Công Hoàng Đình Ái tiến quân ra Bắc đánh Mạc. Vinh Quận Công chưa thật tin hàng của Sơn Quận Công. Sơn Quận Công kêu lạy Tiết chế (Chúa Trịnh). Tiết chế cho quân ra Điềm Giang đánh Mạc. Các tướng Mạc là Quỳnh Quận Công và Lộc Quận Công đều hàng Lê.
Quân Nhà Lê liên tiếp giành thắng lợi, chỉ trong mấy ngày đã đánh chiếm Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), Tinh Thần (Quốc Oai tỉnh Hà Đông ), Sông Hát (tỉnh Phú Thọ), đến Thăng Long, quân Mạc tan rã, tướng ra hàng. Quân Lê đánh chiếm tiếp các vùng như Kim Thành (Hải Hưng), Thuận An (Thuận Thành-Hà Bắc), Tam Đới (Vĩnh Tường-Vĩnh Phú), Thượng Hồng (Hải Hưng).
Chúa Mạc Hồng Ninh trốn chạy về phủ Lạng Tả. Quân Lê đánh, bắt được Mạc Thái Hậu, Mạc Thái Hậu sợ quá mà chết.
Trong tháng mười hai, quân Lê đánh tan quân của Hùng Lễ Công Mạc Kính Chỉ ở Thanh Hà, Nam Sách, Hạ Hồng (Hải Hưng). Mạc Kính Chỉ trốn sang Đông Triều. Quân Lê đánh tiếp Vĩnh Lại (Ninh Giang-Hải Hưng). Trà Quận Công, Liêu Quận Công đánh huyện Yên Dương (Yên Dũng-Hà Bắc), Mạc Hồng Ninh Trốn về Phượng Nhãn (Hà Bắc) và bị bắt ở chùa Mộ Khuê và bị xử tử chém đầu. Mạc Tổ Mẫu cũng bị bắt.
Mạc Hùng lễ Quận Công (vua Bảo Định) chiếm được vùng Nam Giản, Chí Linh, Thanh Lâm (Nam Sách), quân Lê do Bùi Văn Khuê, Nguyễn Thất Lý, Trần Bách Niên, Nguyễn Nga đánh trên sông bị thua. Vùng Hải Dương, Kinh Bắc vẫn thuộc về Mạc Kính Chỉ (Khang Hựu năm thứ nhất-1590).
Ngày 17 tháng giêng, Chúa Trịnh sai Hoàng Đình Ái và Nguyền Hữu Liêu đánh Hải Dương, bắt và chém đầu Mạc Kính Chỉ.
Phía tây bắc, Mạc Ngọc Liễn ở Hát Giang, chạy vào Tam Đảo, tìm người lập vua Mạc là Đôn Hậu Vương (vua Kiêm Thống) cũng bị quân Lê dẹp tan.
Sau 24 năm chinh chiến (1570-1591), Nhà Lê mới dẹp xong Nhà Mạc.
Ngày 16-4 năm Quang Hưng thứ mười sáu (1593) vua Lê trở về đóng đô ở Thăng Long.
Thật là:
Lê xã trùng hưng cựu vu hồi,
Lam sơn phục kiến cựu lâu đài,
Quân thần đạo tận tư vi mỹ,
Chính trị hân quan vạn quốc khôi.
Nghĩa là:
Xã tắc Nhà Lê buổi phục hồi,
Lam sơn được thấy lại lâu đài,
Quân thần trọn đạo nêu gương tốt,
Chính sự bang giao vẹn cả đôi.

Trong lễ mừng công, Tín Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên được phong Đô Đốc Đông tri. Sau này do có nhiều công đức tiếp theo, nên Ngài đã được gia phong nhiều chức tước cao hơn như: Hiệp mưu công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô Đốc phủ Tả Đô Đốc, rồi Dương võ uy dũng Công thần Nam quân Đô Đốc phủ Tả Đô Đốc.
Ngoài công việc nước, Tín Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên còn là một thầy thuốc giỏi. Ngài đã dày công nghiên cứu dược lý và các dược liệu. Nhiều bệnh nan y đã được Ngài chữa khỏi, nổi tiếng khắp kinh kỳ.

Thật là:
Biển Thước gia truyền đơn Tổ nghiệp,
Đan khê lực triển tế nhân gian.
Nghĩa là:
Biển Thước Gia truyền, thừa Tổ nghiệp,
Đan khê rộng mở cứu nhân dân.
Chúa Thượng quý trọng Ngài và đã phong cho Ngài là Hiệp mưu dương võ uy dũng Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân phủ Nam quân Đô Đốc phủ Tả Đô Đốc tri Thái y viện Chưởng viện sự, kiêm Tế sinh đường sứ Thư Quận Công.
Thời kỳ từ năm 1597 trở đi, đất nước có nhiều sự kiện thuận lợi và khó khăn như: Quan hệ ngoại giao giữa Nhà Lê với Nhà Minh (Trung Quốc) thông suốt, thông qua hoạt động sứ quân của ta Phùng Khắc Khoan và sứ quân nhà Minh Vương Kiến Lập. Chúa Mạc là Mạc Kính Cung lưu vong ở Long Châu (Trung Quốc) hay sang quấy nhiễu. Nhưng vì giữ mối bang giao Việt-Trung nên Nhà Lê không dùng binh. Trong nước, Trịnh Tùng được phong là Bình An Vương. Thái uý Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng (con trai Nguyễn Kim) làm Hữu tướng.
Ngày 24-8-1600, Thế Tông Nghị Hoàng Đế mất. Lê Duy Tân lên ngôi, niên hiệu Thuận Đức thứ nhất. Giữa Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng có hiềm khích, Phùng Khắc Khoan cho Ngưyễn Hoàng lời khuyên: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”- nghĩa là Hoành sơn một dải, có thể dung thân, biển cả là hào, có thể vẹn toàn, lời nói của người xưa, không thể không ghi nhớ. Tháng 5 năm Đinh Mùi (1607) nổ ra cuộc biến do Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng xúi dục Mỹ Quận Công Bùi Văn Khuê, Kế Quận Công Phan Ngạn, Tráng Quận Công Ngô Đình Nga chống lại chúa Trịnh Tùng. Đoan Quận Công vờ đem quân đi trấn áp nhưng đã đưa binh gia bỏ vào Nam.
Trong tướng sĩ xảy ra bất hoà tố cáo nhau, trong đó có cả em của Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên tố cáo với Bình An Vương Trịnh Tùng là Nguyễn Cảnh Kiên kết bè, kết đảng với Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, Chúa Trịnh vẫn luôn luôn tin cậy ở Thư Quận Công. Bình An Vương nói: “Thư Quận Công vốn là người trung thành, một lòng trung nghĩa, phụng sự nước nhà đã hơn hai mươi năm nay, ta há lại không biết tấm lòng dạ đồng, gan sắt đó hay sao, ai có thể ly gián được? Lũ các ngươi không kính trọng ngài thì chớ, lại còn đi tố cáo xằng bậy. Nay chọn ngày lành dựng đàn, ta truyền cho các tướng về để dự lễ minh thệ, tỏ dạ trung thành”.
Thư Quận Công đã cùng Bình An Vương làm lễ ăn thề, các tướng đều vui vẻ, Chúa Trịnh rất hài lòng.
Nhà Lê vẫn giữ Thanh Hoá làm đế đô. Thăng Long bỏ trống. Mẹ của Mạc Hồng Ninh tụ tập quan lại cũ của Nhà Mạc chiếm Thăng Long, xưng là Quốc Mẫu. Mạc Càn Thống từ Long Châu (Trung Quốc) lại trở về. Quân Lê ra đánh được Mạc Quốc Mẫu. Chúa Mạc đóng ở Kim Thành (Hải Dương) cho Ngô Đình Nga đánh Thăng Long, bị quân Lê bắt và xử tử. Các tướng Mạc như Nhai Quận Công, Trung Quận Công hoạt động tại Đại Đồng (Tuyên Quang) cũng bị các thổ quan dùng thuốc độc giết chết.
Trong những sự kiện kể trên, Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên cùng các con như Nguyễn Cảnh Đại, Nguyễn Cảnh Hà nay đã khôn lớn, đều đứng trong quân doanh của Cha đã góp nhiều công tích như:
Trận đánh quân Mạc do các tướng Mạc Nam Quận Công và Nga Quận Công năm 1601, trong khi Thư Quận Công truy kích địch, con trai thứ là Nguyễn Cảnh Hà đã chém hàng trăm đầu giặc ở Cổ Lệnh. Tướng Mạc Nam Quận Công phải cứa cổ nhảy xuống sông tự vẫn, Nga Quận Công bị giết.
Trong trận đánh Mạc Kiền Thống ở Hà Đông tháng 3 năm 1601, Tả phủ Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên giữ ấn tiên phong, đánh nhau với quân Mạc ở sông Bạt Kiều, thuộc đất Thanh Lâm (Hải Hưng). Hai người con của Thư Quận Công là Thự vệ sự Dương Nghĩa Hầu Nguyễn Cảnh Đại, mới hai mươi hai tuổi và Quảng Phú Hầu Nguyễn Cảnh Hà, mới mười tám tuổi đã hăng hái xung trận. Quan theo dõi chiến trận của Vua Lê đã ghi: “Hai cậu con trai của Thư Quận Công đã giúp nước vô song”.
 Trong tiệc khao quân thắng trận, Bình An Vương đã nói: “Trong trận vừa qua, các tướng đều gắng sức, trong đó có hạ tướng của thần là Quảng Phú Hầu Nguyễn Cảnh Hà thật đáng khen, can đảm, mưu trí, công tích nhiều lắm, không thể ghi hết được”.
Sau khi lùng bắt các đảng phái địch còn lại, Nhà Lê đưa xa giá về kinh đô Thăng Long. Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên được tăng thưởng là Hiệp mưu Dương vũ Uy dũng Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô Đốc phủ Tả Đô Đốc, Tri thái y viện Chưởng viện sự, kiêm tế sinh đường, Thiếu Bảo Thư Quận Công.
Các con Nguyễn Cảnh Hà được phong là Dương vũ uy dũng công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy đồng tri thự vệ sự. Hầu tước là Quảng Phú Hầu.
Nguyễn Cảnh Đại được phong là Dương Nghĩa Hầu.

Thật là:
Nhất môn phụ tử Công Hầu tập,
Vạn thế nhi tôn tước lộc quyền.
Nghĩa là:
Một nhà cha, con đều Công Hầu,
Muôn thuở con cháu tước lộc truyền.

Tháng 9 năm đó, được tin Mạc Kiền Vương chạy trốn, nay xuất hiện tại Chùa Mô, huyện Phượng Nhãn (tỉnh Hà Bắc), Quảng Phú Hầu đem quân đi bắt, Kiền Vương đã cắt tóc giả là sư, nhưng bị Ngài phát hiện bắt được, giải về Kinh.
Năm 1616, thấy tàn quân Mạc vẫn quấy rối ở mạn Cao Bằng, do Khánh Vương Mạc Kính Khoan còn chiếm cứ ở đây, nuôi vỗ quân dân chống lại Triều Lê, Chúa Trịnh Tráng dẫn đội quân thứ nhất, gồm Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên, Lễ Quận Công Nguyễn Văn Giai, Bạt Quận Công, Hữu Quận Công Tạ Thế Phúc, Đăng Quận Công Nguyễn Khải, Phụ Quận Công Nguyễn Hắc (con của Nguyễn Hoàng) cùng với đội quân thứ hai do Thái Bảo Vạn Quận Công Trịnh Xuân tiến quân thu phục Cao Bằng.
Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên làm tiên phong, đánh ở Bẩm Châu, phá tan gặc, bắt sống tướng giặc Mạc là Hùng Quận Công, Mạc Khánh Vương bỏ chạy. Bọn tay chân Nhà Mạc đánh lén ở Phù Lộ, Thiếu phó Kỳ Quận Công Trịnh Ninh dẫn quân, Thư Quận Công làm tiên phong, bên trái có Dương Nghĩa Hầu Nguyễn Cảnh Đại, bên phải có Lâm Khuê Hầu cùng hiệp sức đánh tan giặc.
Năm 1619, trong nước có nội biến. Vua Lê Hoằng Định bị chết (Nghe tin con của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân muốn chiếm ngôi của anh, Vua Lê Hoằng Định đã cùng Xuân lập mưu giết Chúa Trịnh Tùng, vì Trịnh Tùng lấn quyền vua. Mưu không thành, Vua Lê Hoằng Định phải thắt cổ tự tử). Vua Lê Duy Kỳ lên ngôi năm mới mười ba tuổi là Thần Uyên Tông Hoàng Đế, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ nhất (1619).
Thư Quận Công Nguyễn Cảnh Kiên tuổi đã cao, lại qua nhiều năm chinh chiến, Ngài bị ốm nặng, qua đời giờ Thìn, ngày 4 tháng 8 năm Kỷ Mùi, thọ 67 tuổi.
Vua Lê và Chúa Trịnh Bình An Vương tổ chức lễ mai táng trọng thể, ban tặng Ngài là Hiệp mưu Dương vũ uy dũng Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Nam quốc Đô đốc phủ Tả Đô Đốc Thự phủ sự tri Thái y viện Chưởng viện sự Thiếu phó Tả tư không Thư Quận Công. Sau lại phong thêm là Mặc tướng Hồng đô Thái Bảo.
Mộ Ngài an táng tại quê nhà, ở xứ Mô Sơn, thôn Cẩm Hoa Thượng, xã Đô Lương (nay là xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
Ngài sinh được bốn người con trai và hai người con gái là:
Con trai trưởng là Nguyễn Cảnh Đại, tức Thự vệ sự Dương Nghĩa Hầu.
Con trai thứ là Nguyễn Cảnh Hà, mẹ ở Thượng xá, huyện Châu Phúc, cháu gái của Cang Quốc Công Nguyễn Xí. Ngài là con rể của Chúa Trịnh Bình An Vương, vợ là Trịnh Thị Ngọc Thanh. Là Thự vệ sự Phò mã Quảng Phú Hầu.
Con trai thứ ba là Nguyễn Cảnh Cống, mẹ người ở thôn Hoa Viên, xã Đô Lương. Ngài là con rể Chúa Trịnh Bình An Vương, vợ là Trịnh thị Ngọc Thịnh. Ngài là Thự vệ sự Phò mã Đô uý, Ly Quận Công.
Con trai thứ tư là Nguyễn Cảnh Ất, tức là Hiển Nghi Hầu.
Người con gái trưởng là Nhất Nương (Ngọc), cùng mẹ khác cha với Thắng Quận Công, lấy Uy Lộc Hầu.
Người con gái thứ hai có tên là Ngọc Quý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét