Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

THẬP NIÊN SỰ LỄ

     Lễ hội họ Nguyễn Cảnh đã có từ trên 400 năm. Cứ 10 năm một lần vào năm “Giáp”- (năm dứng đầu của mỗi can) như 1944, 1994 vv… Họ Nguyễn Cảnh tổ chức lễ hội một lần. Chính vào ngày Rằm tháng Ba âm lịch. Lễ hội tổ chức trong ba ngày 14, 15 và 16. Còn có tên lễ Chay. Địa điểm tiến hành tại nhà thờ Ngài Thái phó Khuông tế trạch dân Đại Vương Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Lễ hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan được tổ chức với quy mô “Thập niên sự lễ“ theo cấp Nhà nước và đã được hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam công nhận là di sản Lịch sử – Văn hóa được bảo trợ lâu dài vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển nền văn hóa bản sắc.
     Tất cả các Đại chi, Tiểu chi và mọi người trong họ đều về dự.Do chiến tranh. Có ba lần lễ 1954, 1964 và 1974 không có điều kiện tiến hành. Năm 1984 Hội đồng gia tộc Họ đã họp bàn quyết định phục hồi lại nghi lễ này nên lễ hội năm 1994 đã được tiến hành.
     Kỳ lễ hội năm 1944 tiến hành như sau:
Ngày lễ hội là ngày con cháu thờ phụng Tổ Tiên, là dịp con cháu ôn lại và ca ngợi truyền thống vẻ vang, oanh liệt của các bậc Tiền Liệt, là dịp giáo dục cho con cháu họ Nguyễn Cảnh truyền thống lâu đời của dòng họ mình là: TRUNG-HIẾU-NHÂN-NGHĨA, để mãi mãi gìn giữ và phát huy. Đây cũng là dịp con cháu trong các Đại Chi, Tiểu Chi, dù gần hay xa, dù trong nước hay ngoài hải ngoại, có dịp gặp nhau, thăm hỏi hàn huyên chuyện cũ, chuyện mới, chuyện vui cũng như chuyện buồn, chia sẻ cho nhau tình thân thương, đoàn kết gắn bó.
     Để tiến tới ngày lễ hội, có nhiều công việc phải chuẩn bị như:
Hội đồng Họ phân công nhau chuẩn bị nghi lễ, tu sửa nhà thờ, nắm và hệ thống lại thành tích và diễn biến hoạt động của con cháu.
     Các Đại Chi nô nức chuẩn bị lễ rước biểu tượng công tích của tổ tiên. Mỗi một vị tổ đã có nhiều công tích với nước, như quận công thì biểu tượng là con voi có đủ đai yên, cờ, lọng. Các vị khác là các quan chức trung cao của các triều đại hoặc các vị có học vị cao như: tú tài, cử nhân, tiến sỹ… có chức sắc trong bộ máy quản lý nhà nước như đứng đầu quận, huyện, tỉnh, thành phố, vụ, viện, bộ…(là quan văn), biểu tượng là một con ngựa trắng. Các vị là quan chức trung cao cấp như trung, thiếu tướng, đại tá, chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố…thì biểu tượng là một con ngựa hồng. Voi, ngựa làm bằng giấy, kích thước như thật, mỗi biểu tượng được đặt trên xe gỗ 4 bánh để đẩy đi.
     Tại lễ hội năm 1944, số biểu tượng kể trên là 18 voi và trên 500 ngựa, chứng tỏ công tích Họ Nguyễn Cảnh thật to lớn.
     Phần chuẩn bị cho lễ hội cũng rất phong phú. Phía nam giới, chủ yếu là chuẩn bị thờ phúng. Phía nữ giới, chủ yếu chuẩn bị các điều kiện để dự thi những người phụ nữ, đại diện cho các Tiểu Chi có tài nội trợ giỏi. Những mâm dự thi có nhiều món, có mâm bày biện tới 12 lớp.
     Nghi lễ của các lễ hội nghiêm trang. Từng Tiểu Chi cúng lễ ở nhà thờ Tiểu Chi mình từ dưới lên. Lễ rước các biểu tượng là tập trung toàn Họ. Đám rước xuất phát từ nơi tập trung tại nhà thờ Họ, rước xuống đền Đức Hoàng tại xã Yên Sơn Có ý nghĩa trình báo với Thần Hoàng địa phương theo truyền thống “Phép nước, lệ làng” và rước về chùa làng Vịnh Sơn - Với ý nghĩa tôn thờ phật, theo truyền thống con người có “Tổ tiên, Trời, Phật”. Sau đó trở về nhà thờ Họ. Lễ tế rất long trọng, diễn ra đúng tảng sáng ngày rằm tháng Ba. Văn tế Tổ đươc tuyên đọc trong không khí trang nghiêm, ca ngợi công tích từng vị Tổ theo thứ tự qua các đời và thứ tự các Đại Chi. Lễ hội diễn ra rất tươi vui, rộn ràng với nội dung: Ngâm vịnh thi thơ, thi dọn cỗ bàn của nữ giới. Kết thúc hội, các biểu tượng công tích được hỏa thiêu, với ý thức dâng lên Tổ tiên những tấm lòng, quyết tâm làm sáng danh dòng họ Nguyễn Cảnh đời đời bất diệt.
     Đọc lại truyền thống lẫy lừng của dòng họ Nguyễn Cảnh qua những trang gia phổ, con cháu xiết bao tự hào! Mỗi một người đã là con cháu, dâu rể, thân hữu của dòng họ, tự thấy mình phấn đấu cho đời, tô điểm cho họ tộc ngày càng rạng danh muôn thuở. Là con nhỏ thì hiếu thảo lễ phép, chăm học hành. Là anh em họ hàng thì đùm bọc thương yêu. Là vợ hoặc chồng thì thuỷ chung son sắt. Là cha mẹ thì bù trì nuôi dạy con cái nên người. Với công việc thì luôn hoàn thành nhiệm vụ. Với nhân dân thì nhân nghĩa, bao dung. Với tổ quốc thì ghi nhớ hai chữ trung thành!
     Để biết thêm chi tiết của lễ hội năm nay (2014) Mời quý vị Click vào đường Link sau
 
(Nguồn tin: Gia phả dòng họ Nguyễn Cảnh)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét