Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

NHỚ THỜI "NHẤT QUỶ NHÌ MA"



Tháng rồi, mấy đứa bạn học phổ thông ngày xưa gọi điện, nói mấy anh chị khóa trước tổ chức hội khóa vui lắm, có nhiều người thành đạt, tài trợ rất nhiều tiền cho buổi gặp mặt thầy cô và bạn bè, đồng môn trên phạm vi toàn quốc. Chà nhanh thật, vậy là sang năm mình đã tròn bốn mươi năm giã biệt tuổi học trò rồi đấy.

Hội khóa, ừ có điều kiện cũng nên làm lắm chứ, dẫu sao thì cũng đã thành ông nội bà ngoại cả rồi, lăn lộn bươn chải mãi với đời, thành danh hay không cũng đến lúc phải nhớ đến thầy đến bạn, hẹn nhau về xem ai còn ai mất chứ. Theo mình được biết thì các thầy như thầy Cường, thầy Đăng, thầy Trạch, thầy Thới, thầy Thân, đều đã về theo tiên tổ cả rồi. Bạn bè cũng vậy, thằng thì nằm lại ở chiến trường từ những năm còn chiến tranh, người thì ra đi vì ốm đau bệnh tật, mấy năm gần đây thêm cái nạn giao thông. Lại có người đang sống sờ sờ ra đấy, nhưng cuộc sống khó khăn, số phận long đong lận đận, có khi biết tin nhưng tủi thân tìm cớ lánh mặt, chắc gì đã gặp được nhiều. Với lại thầy cô hồi đó sống hết lòng vì học trò, nhưng cuối đời nhiều người cuộc sống cũng vất vả đạm bạc lắm, học trò thành đạt đứng ra làm “Các-Bớt” báo hiếu thầy cô, lại được dịp khoe với bạn bè thì tốt quá còn gì.

Anh Lương (anh trai mình) hồi đó là giáo viên vật lý, sau làm hiệu trưởng của trường, già nghỉ hưu theo con cái lên Đà Lạt, xa thế mà cũng được mời và tổ chức đưa đón rất chu đáo. Bác đi về cứ thắc mắc “Sao mấy cậu lớp đặc biệt lại có vẻ không thành đạt bằng mấy lớp kia”. Chả là hồi đó cả khóa có bốn lớp, nhưng con em nông dân trong vùng chỉ có ba, lớp C là lớp chuyên toán của tỉnh, nên vẫn gọi là lớp “đặc biệt”. Về việc này cũng có thể là họ không may mắn, cũng có thể là để thành lãnh đạo còn cần nhiều tố chất khác nữa, hoặc cũng có thể theo như vở kịch “Đường đua trong bóng tối” của đoàn ca kịch Nghệ An trình diễn trên VTV1 đã đúc kết thì: Công tác cán bộ hiện nay, ưu tiên về “Trí tuệ” chỉ được xếp thứ tư, sau “Hậu duệ-Tiền tệ và Quan hệ” như mình đã một lần nói tới. Thời buổi này nó vậy, có trời mà giải thích được thắc mắc của bác.

Nói vậy cũng không thể phủ nhận sự cố gắng, vươn lên của những người thành đạt. Có thể hồi đó do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, miếng cơm manh áo là ưu tiên số một, đa số đám học trò con nhà nông bọn mình, thầy cô giảng trên lớp, nhặt được chữ nào hay chữ đó, chứ về tới nhà quẳng sách là lo phụ giúp gia đình làm ruộng, nhặt phân, chăn trâu cắt cỏ, mần chi có chuyện học thêm học nếm. Đêm về nhiều hôm máy bay quần cả buổi, châm đèn lên học bài thì hàng xóm la oai oái. Sau này đi ra có thời gian tập trung cho việc học, những tố chất trời cho bây giờ mới được dịp phát huy. Tiếp xúc với tin học thấy cũng mần được, ngoại ngữ cũng ok, rồi chuyên nghành cũng tốt, chả thua kém gì dân thành thị. Lại được thừa hưởng cái tố chất của dân “Cá gỗ”, cần cù chăm chỉ “học gạo”, nên trở thành “ông Nghè”, “ông Tổng” cũng là chuyện đương nhiên.

Ngày đó chương trình học cũng nhẹ nhàng, không đao to búa lớn như bây giờ. Toán thì khảo sát hàm số, mấy cái phương trình tiếp tuyến. Lý thì mấy cái thấu kính phân kỳ hội tụ, gương phẳng, bản mặt song song, rồi mấy cái mạch song song nối tiếp, động cơ không đồng bộ ba pha, nỏ biết lưỡng tử ánh sáng ánh siếc chi hết. Hóa thì mấy bài toán đốt là kịch. Ấy vậy mà biết vận dụng ra phết nha, xin kể chuyện này làm chứng. Có lần đi chăn trâu, thằng bạn trong khi “đi ấy” vơ nắm lá Nải (lá Han) quẹt vào chỗ đó, rát quá nhảy tưng tưng. Mình nói “lấy nước vôi rửa vào coi thử”, một lát thấy êm ru, mừng hú nó hỏi “mi học mô bài thuốc hay rứa”, được dịp mặt vênh lên như bánh đa nướng nói: “tau học hóa biết vôi mang tính kiềm”. Kinh chưa?

Nói chuyện học là nhớ tới trường, ra khỏi làng dân Nam Sơn bọn mình phải đi qua cánh đồng Lòi Mua, qua xóm Phường Củi, từ đó đi dọc xã Bắc Sơn, vượt qua sông Lam và đi đến cuối xã Lam Sơn mới tới trường. Vậy mà chủ yếu là đi bộ, mấy ai có xe đạp đừng nói xe máy, xe đạp hồi đó là thứ xa xỉ, nhà nào có thường lau chùi sạch sẽ, treo tòng teng dưới xà nhà để… ngắm là chính. Người lớn may ra mới được đi, chứ học sinh bọn mình mấy khi được đụng đến. Gọi là trường nhưng mỗi lớp phân tán một nơi trong làng, cái nào cũng dựa vào sườn đồi, đào nửa chìm nửa nổi cho thoát nước, hoặc bốn bên đắp lũy cao đến tận mái nhà để tránh bom, nên trong lớp rất thiếu ánh sáng. Mãi tới năm lớp mười, hết chiến tranh phá hoại mới được tập trung về một chỗ trên đồi Kẻ Mẻn.

Nhà mình nghèo, bố mẹ nuôi tám anh chị em đi học, lo cái ăn cái mặc, sách vở giấy bút đã đủ chết, nói chi mua sắm thứ khác. Thú thật mãi lên cấp ba mình mới có đôi dép cao su quai bẹ đầu tiên trong đời, nhưng rồi việc sở hữu “vật báu” đó cũng chẳng được bao lâu. Nguyên do từ nhà đến trường toàn đường đất, những hôm trời nắng còn đỡ, hôm trời mưa thì trơn như đổ mỡ, đôi dép quai bẹ đế mỏng dính (đế dày thì nhiều tiền) trượt lên trượt xuống vài cái là tụt hết quai. Tay xách nách mang, mình nảy ra sáng kiến dấu đôi dép xuống một vũng nước bên đường, bụng đắc chí để đó trưa về lấy, bố thằng nào biết. Ai ngờ giữa buổi trời hết mưa, nước rút hết trơn và tất nhiên “bốc hơi” luôn đôi dép, vừa tiếc vừa tức, ngu chi ngu rứa. Hi hi.

Hàng ngày mẹ mình gọi dậy từ tinh mơ, nói thật dân nhà quê khi đó nỏ biết kem đánh răng và bàn chải là cái chi. Ngủ dậy mắt nhắm mắt mở múc gáo nước súc miệng òng ọc mấy cái, rồi nhổ cái toẹt, dội nước vào tay rửa mặt mèo, quẹt hai quẹt vào ống áo rứa là xong. Phần lớn bữa sáng là khoai sắn, giữa mùa thì khoai sắn luộc, cuối mùa thì khoai xéo (khoai lang phơi khô nấu chín, dùng đôi đũa cả xéo cho tơi ra) hoặc khoai riềng. Hôm dậy sớm thì chớ, hôm muộn thì bước thấp bước cao, vừa đi vừa chén.

Khổ nhất là cảnh chen nhau qua đò, bao nhiêu học sinh mà chỉ có một chiếc thuyền mục nát. Bình thường đã đông, những hôm chậm đò thì quả là thảm họa, tranh nhau lên có khi ướt cả sách vở quần áo. Dòng sông Lam bình thường nước trong xanh hiền hòa là vậy, mùa mưa lũ nước dâng lên đến tận cổng nhà thầy Đạt. Mặt sông rộng mênh mông, nước đục ngầu chảy xiết, hung giữ réo lên cuồn cuộn. Chỗ thì ào lên như có bầy thủy quái quần nhau phía dưới, chỗ thì xoáy tròn nuốt chửng cả đám củi mục trôi qua, nhìn thấy rợn cả người. Chiếc đò thận trọng men theo bờ tre, ngang đến chùa Bà Bụt mới quyết định rời bến, trước mũi sau lái, củi mục tre nứa cùng những đám bọt từ thượng nguồn trôi về vun vút lao qua. Con đò chở đầy ắp học trò, nước mấp mé hai bên mạn thuyền, không một phao cứu sinh, trông xa mong manh như chiếc lá tre, lẻ loi đơn độc giữa biển trời sông nước. Người trên bờ, người trên sông nín thở nhìn con thuyền cùng người lái đò vật vã sang sông. Sinh mạng con người sao mà rẻ rúm thế, bọn trẻ ngây thơ dại khờ đã đành, người lớn và chính quyền cũng thật vô tư, hay là mất một mạng người đỡ được một miệng ăn không biết nữa!

Nghĩ mà thương cho vợ chồng anh Tùy và mẹ con bà Quảng, mình phải chịu có ba năm đi học cấp ba, họ gắn bó cả đời với nghiệp chèo đò, vậy mà đâu đã được yên thân. Mình nhớ có lần bị mắng, khi biết thuyền đã gần cập bến an toàn, mấy đứa ngồi sau lưng bà Quảng, cố tình nghiêng bên này, lắc bên kia. Nước chạm đít người ngồi trên mạn, cả bọn đồng loạt nhổm dậy, con đò nghiêng bên kia, đám kia ré lên nhổm dậy. Chao đảo vài cái, nước ào vào chìm nghỉm, đứa nào đứa đó hai ống quần ướt nhoẹt, cứ thế vào lớp. Gét mặt cái lũ xếp sau ma quỷ, bà Quảng chẳng thèm kéo lên, hết giờ học, con đò vẫn còn ngâm dưới bến. Vậy là cả bọn lếch thếc đi bộ lên bến đò Bạch Ngọc, mãi tới một hai giờ chiều mới về đến nhà. Đáng kiếp.

Hồi học lớp chín, giáo viên chủ nhiệm bọn mình là cô Vũ Thị Nhài, người Thái Bình. Cô là sinh viên mới ra trường trẻ đẹp, nói giọng Bắc ngọt như mía lùi, từ ngữ câu cú chuẩn không cần chỉnh. Có hôm chậm đò vừa đi vừa chạy, cả đám đến trước cửa lớp dừng lại lau nhau xin phép: “Thưa cô em đi chậm”. Cô nghiêm nét mặt bảo: “các em nói lại đi”, lại “thưa cô em đi chậm”... Rồi cô nhắc “phải nói thưa cô em đi muộn, vì tôi thấy các em đi rất nhanh”. Khổ ra rứa, cái tiếng miền trung miềng nó vậy. Sau này gặp lại cô ở Nha Trang, mình kể kỷ niệm đó, cô cũng chỉ còn biết cười trừ. Đất lành chim đậu, mấy chục năm làm dâu xứ Nghệ, giờ thì cô cũng nói tiếng Nghi Lộc đến chín mươi mấy phần trăm rùi chi nữa.

 Lan man chuyện nọ xọ chuyện kia, từng gương mặt bạn bè, thầy cô hiện về từ ký ức… Khổ đấy, nghèo đấy, đói cơm rách áo đấy, nhưng nếu cho lựa chọn lại tuổi thơ, chọn lại nơi chôn rau cắt rốn, mình vẫn chọn một làng quê yên ả bên dòng sông Lam và một tuổi thơ hồn nhiên, với đầy ắp kỷ niệm buồn vui như thế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét