Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

NGÀY NÀY NĂM ẤY


Cuộc hội ngộ tại công viên Tao Đàn ngày này năm ấy.
Từ trái sang: Bá Ba (đã mất). Mình (Cảnh Vinh). Hoàng Đồng và Thanh.



     Tối hôm qua anh Tường gọi điện cho mình, câu đầu tiên anh hỏi là: Chú đang làm gì? Có nhớ ngày này mấy mươi năm về trước? Mình hiểu anh đang muốn chia sẻ tâm trạng của một người lính đã may mắn đi qua chiến tranh.

     Quên sao được những ngày này năm ấy, nơi được mệnh danh là “Cánh cửa thép Xuân Lộc”, bởi đi qua được yết hầu này, coi như cánh cửa vào Sài gòn đã được mở tung. Nói như vậy để biết rằng, sự khốc liệt của chiến tranh, sự giành giật thắng thua, mất còn ở cửa tử này là câu chuyện dài, không diễn đạt được trong một vài trang viết.

     Mình nhớ như in từng vạt rừng nắng cháy giữa mùa khô, những  lô cao su  bạt ngàn của xứ sở Miền Đông đất đỏ, nơi giấu cả mấy sư đoàn lính chúng tôi khi bao vây, tấn công Xuân Lộc. Nhớ những loạt bom dù cứ chạm cành cao su là nổ, những trận pháo giàn cấp tập từ Núi Thị, Biên Hòa, Trảng Bom… mà phần tử bắn có lẽ đã được tính toán từ lâu.

     Nhưng có lẽ điều mình nhớ nhất, là những gương mặt đồng đội thân quen. Những người con trai mười tám đôi mươi trẻ trung, trong sáng đến tinh khôi. Gấp bút nghiêm, rời tay cày tay cuốc, ra đi từ những miền quê bên bờ sông Lam, sông Ngàn Trươi, Ngàn Phố. Chả vậy mà sau này khi về làm quân quản ở Sài gòn, trên ngực áo chúng tôi được mang một cái tên rất thật, rất quê-"Sông Lam".  

     Hôm nọ đọc cuốn sách “Những trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn” mà anh Tường gửi tới, những tên đất, tên người, thấy gần như vừa mới hôm qua, nhưng cũng có cảm giác thấy xa vời vợi. Đọc xong mình cứ trăn trở một điều: Không biết sau hai cuộc chiến (Xuân bảy lăm và biên giới Tây Nam) đồng đội tôi bây giờ ai còn, ai mất? Người trở về thì cuộc sống mưu sinh, cơm áo thế nào?

     Giá như ngày này sang năm Đoàn Sông Lam có cuộc gặp mặt giữa đất Sài Gòn, nơi dinh Độc Lập. Giá như đồng đội tôi tất cả trở về để "sư đoàn tôi thành mấy sư đoàn" như vần thơ ai đẫ nói. Giá như ai cũng có cuộc sống tạm đủ cơm gạo áo tiền, để có thể mua vé tàu vé xe trở về thành phố. Giá như bao điều không thể trở thành có thể. Để chúng tôi tìm nhau, những người con bên bờ Sông Lam, sông Ngàn Trươi, Ngàn Phố năm nào. 
     Vâng, có lẽ ngần ấy thời gian đủ rồi đừng nhiều hơn nữa, nếu dài hơn thì muộn quá người ơi!




































Anh Từ (người đứng) đã hi sinh trong cuộc chiến Biên giới Tây Nam
Người ngồi là Hoàng Văn Trần, Đại đội hỏa lực ĐKZ

   
 Hoàng Văn Trần hôm nay
 (Ảnh chụp cách đây 10 năm)

Thương binh Nguyễn Văn Hà, người mệnh danh "Có cặp má hồng nhan" năm nào.
(Ảnh chụp vào tháng 4 năm 2013)
.