Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

THƯƠNG NHỚ HỒN QUÊ

 
Nhánh đường thủy trong lễ tạ ơn chùa Bà Bụt   
     Tôi nhớ như in hồi còn nhỏ, có một lần chú Trọng cho đi xem đua thuyền trong đám rước tạ ơn chùa Bà Bụt. Con đường từ nhà đến bến đò Ngọc Sơn, dọc theo bờ sông Đào là cả một quần thể đền-chùa. Ngôi nào cũng có các dụng cụ tế khí như gươm giáo, xà kích làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng trông rất uy nghi, ngoài ra còn có các pho tượng đặt trên bệ ngay gian chính giữa, từ ngoài nhìn vào thấy đã phát khiếp, đừng nói bước vào trong.
     Rồi một ngày, học sinh và dân làng cùng nhau hò hét, khênh bao nhiêu là kèo cột, rui mè đi qua trước cổng nhà tôi, về vất ngổn ngang trên bãi đất trống ngay trước nhà ông Cu Cấn. Thì ra họ phá mấy ngôi đền, cái lớn thì làm nhà hộ sinh, cái nhỏ thì làm văn phòng trường cấp một. Mấy anh học sinh còn nghịch ngợm, dùng đồ tế khí nhà đền, rượt đuổi, hò reo đánh đỡ như trong chuyện Tam Quốc. Vài hôm sau nghe người ta đồn, ở xóm sau có người ốm, lưỡi cứ thè dài ra tới cằm, không co vào được. Họ nói hôm phá đền, người này lăn một pho tượng xuống sông đào, đoạn ngang Hàng Phượng làm phao tập bơi, lại còn chơi trò “bú tý” pho tượng nên mới bị như vậy.
     Mấy lâu sau bố tôi mang về một khúc gỗ, bên ngoài được chạm trổ nhiều hoa văn rất đẹp, ông nói nó thuộc kết cấu của mấy ngôi đền mà người ta vất lại. Thời gian đầu còn được xếp vào đống gỗ, về sau vì rất nặng, lại không biết dùng vào việc gì, nên ông dùng để chặn lên cái cửa chuồng lợn, rồi lát nơi cửa hầm trú ẩn chỗ bờ tre và mục rữa dần theo thời gian mưa nắng.
     Hồi đó cả xã hội sống trong môi trường bị “tẩy não”, người ta dạy bảo rằng, tất cả các hoạt động liên quan tới chùa chiền, miếu mạo là xấu, là mê tín dị đoan. Thậm chí nếu ai lui tới, vào ra đền chùa còn được coi là loại người có tư tưởng lạc hậu, chậm tiến bộ. Vì vậy việc phá dỡ đền Thánh về làm nhà hộ sinh có khi còn được coi là một sáng kiến, một thành tích lớn lao.
     Lớn lên đi đó đi đây, hiểu biết nhiều hơn, mỗi bận về quê nhìn những khoảng đất trống vắng, nơi xưa kia là những ngôi đền cổ, mà thấy lòng xót xa nối tiếc. Từ đó tôi cứ muốn tìm hiểu xem những ngôi đền-chùa ở quê tôi thờ phượng những ai, nó được dựng lên từ bao giờ? Trao đổi ý kiến với các cụ cao niên trong làng, thì được kể một truyền thuyết thế này.
     Chuyện kể rằng: Ngày xưa có một vị tướng, chiến đấu từ Ai lao trở về mình đầy thương tích, một tay cầm cương, một tay bịt vết thương để cái đầu nằm yên trên cổ. Tới bến đò Bạch Ngọc, ông hỏi người chèo đò đường về bản doanh, bà đưa người ngựa sang sông và bảo rằng: Ngươi hãy men xuôi theo dòng Lam giang đi thêm mấy dặm nữa sẽ tới miền đất Thánh. Theo chỉ dẫn của người lái đò, vị tướng thúc ngựa đi tiếp, tới đoạn Rú Mượu (ngay bến đò Mượu ngày nay) thấy trên núi cây cối uy nghiêm, dưới sông vực sâu xanh thẳm, liền dừng ngựa thì cũng là lúc kiệt sức ngã gục và hóa thân ở đó. Từ dưới đất mối tự động đùn lên thành một nấm mộ, được coi là Mối táng. Dân trong vùng đồn nhau rằng, hàng ngày đi qua đó ai là người đầu tiên trong ngày đắp vào nấm mộ một hòn đất thì sẽ được Ngài phù hộ. Học trò đi thi thì đỗ đạt, các bà các chị đi chợ thì buôn may bán đắt ..., vì vậy ngôi mộ càng ngày càng lớn.
     Để tưởng nhớ và tri ân tới vị tướng và người chèo đò linh thiêng, người dân trong vùng đã xây dựng bên này bến đò Bạch Ngọc (thuộc xã Nam Sơn) một ngôi đền, đặt tên là Đền Thánh. Bên kia bến đò (thuộc xã Ngọc Sơn) một ngôi chùa gọi là chùa Bà Bụt và ngay chỗ hóa thân của vị tướng nọ một ngôi đền, gọi là đền Quả Sơn. Nơi ngày nay được xác định là đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Công Uẩn.
    Số phận của ngôi đền Thánh ở Nam Sơn thì như tôi đã kể, còn mấy đền chùa kia thì sao? Xin thưa là thế này, vào những năm 70, trong chiến dịch học tập Định Công Thanh Hóa, với ý chí  “Mo cau và quả cà tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”, hai xã Ngọc Sơn và Lam Sơn được lệnh di dời lên đồi để dành đất sản xuất. Người ta dỡ nhà, chặt phá cây vườn ... Cả một dải đất bên bờ sông Lam được kết nối bởi con đường liên thôn rộng rãi, ngay trung tâm là một thị tứ sầm uất. Có chợ Trung, có cửa hàng bách hóa huyện xã, có tiện chụp hình ... làng quê trù phú, nên thơ là vậy, giờ tan hoang còn trơ lại ngôi chùa Bà Bụt và ngôi đình Lam Sơn là không ai dám phá. Rồi nắng mưa thời gian, lụt lội làm cái đình có mấy hàng cột bằng gỗ lim, cái nào cũng cả người ôm không xuể, cũng tới ngày đổ sập. Mỗi lần về quê đi qua bến đò Bắc Sơn, từ xa nhìn lên chùa Bà Bụt trông như một cái nấm lẻ loi, giữa cánh đồng ngô hoang vắng mà thấy lòng quặn thắt.
Nghe nói tới một ngày, có người đến dọn dẹp, chăm nom hương khói ngôi chùa, lúc đầu lẻ tẻ về sau đông dần. Người dân trong vùng tự nguyện đóng góp tiền của sửa sang lại chùa. Ngày nay, tại chùa Bà Bụt hàng năm cứ đến ngày 20, 21 tháng Giêng (âm lịch), dưới sự tổ chức của chính quyền địa phương, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ tạ để ghi nhớ công ơn bà Bụt, người đã phù giúp Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Nghi thức rước lễ diễn ra trang trọng, di tượng Uy Minh Vương được kiệu từ đền Quả Sơn lên chùa Bà Bụt. Đoàn rước khởi hành từ sớm ngày 20 tháng Giêng, chia làm quân bộ và quân thủy, có các vị chức sắc và bô lão đi kèm, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng xếp thành hàng dài tiếp nối. Sau lễ xuất thần, đoàn rước thủy ngược dòng sông Lam, đoàn rước bộ theo đường đất tiến về chùa Bà Bụt. Đoàn thuyền trước khi cập bến chùa có ghé qua động Ngự - nơi xưa kia Uy Minh Vương thường hay duyệt đội thủy binh. Sáu chiếc thuyền rồng trong tiếng pháo lệnh rền vang đua nhau rẽ sóng về chùa Bà Bụt. Đoàn bộ dàn đội hình gồm đội nghi trượng, đội khiêng kiệu thánh. Khi qua các làng Nhân Bồi, Nhân Hậu, Nhân Trung, Trạc Thanh, đoàn rước dừng lại để nhân dân trong làng ra tế bái. Khoảng tầm giữa trưa, hai đoàn thủy bộ hợp điểm ở chùa Bà Bụt. Kiệu di tượng đức Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được đặt tại vị trí trung tâm giữa sân, mặt quay vào chùa, các vị chức sắc, bô lão cùng quân dân theo thứ tự sắp xếp làm lễ bái tạ. Sáng ngày 21 tháng Giêng, hai đội thủy bộ lại làm lễ rước di tượng đức Uy Minh Vương về lại đền Quả Sơn để làm lễ yên vị.
Không biết truyền thuyết kể trên có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng sự hiện diện của chùa Bà Bụt, của đền Quả Sơn, của lễ hội tạ ơn bà Bụt, cùng ký ức tuổi thơ đã cho tôi rất nhiều ấn tượng. Mừng là lễ hội đền Quả Sơn đã có trong danh sách điểm đến của du lịch xứ Nghệ, nhưng thật buồn khi đền Thánh làng tôi đã không còn vết tích, ngoài một cái Sân vận động cầu tre trống hơ trống hoác. Còn mấy cái nhà hộ sinh thì sao nhỉ? Tôi tin chắc nó không may mắn như cái kho III xóm Gát làng tôi. Nhất định lần sau về quê tôi sẽ truy tìm tung tích của nó xem sao.