Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

KHI CHIM TU HÚ GỌI BẦY



     Hôm nọ cháu gái Cao Nguyên post lên face bức ảnh một bông hoa màu tím, mới biết nhiều người lần đầu được biết đến bông Hoa Mè, sau khi được giải thích rằng: Bông Mè cho ra quả Mè, khi già đập ra hạt mè đem chế biến món Mè Xửng hay rang lên với muối làm món Muối Mè… Mình nói đùa với ông con nhà mình là “Thật tội nghiệp, PhD sudent rồi mà không biết cây Mè”.
     Nói vậy bởi so với thế hệ bọn mình, thì trẻ con thành phố có rất nhiều thiệt thòi, suốt ngày chỉ chăm chăm có học và học, nếu không có ông bà ở quê thì các kỳ nghỉ hè lại là “học hè”. Tuổi thơ của đám trẻ con nhà quê bọn mình ngày xưa thì khác, ngoài cái khổ bởi đói cơm rách áo ra, nhưng còn khối niềm vui đấy nhé.
     Quê mình thuộc vùng bán sơn địa, nên đồng ruộng ngoài trồng lúa còn trồng màu, cây màu chủ lực là các loại Lạc (đậu phộng) đỗ, kê, vừng. Mật độ dân cư hồi đó còn thưa thớt nên vườn ai cũng rộng, trong vườn còn có nhiều cây ăn quả. Từ trên đồi đến dưới Hói, chỗ nào cây cối cành lá cũng sum suê, rất thích hợp cho lũ chim làm tổ. Bởi mùa này, với lũ chim ăn hạt thì có các nông sản trên đồng, chim ăn côn trùng thì cào cáo châu chấu muôn trùng, chẳng thiếu. Chả vậy mà đi đâu cũng nghe tiếng chim hót véo von, từ cặp chích chòe thánh thót, tiếng lũ Bọ Chao ỏm tỏi không ra hồi ra nhịp, tiếng chim Cu Đất gật gù bình yên, tiếng lũ chim Đa Đa sôi nổi thách thức, đầy kiêu hãnh trên Cồn Đề, Cồn Tắt… Tất cả tạo nên bản hòa tấu, vui nhộn náo động cả làng quê.
     Nhắc đến chim muông, lại nhớ một câu nói của người ở quê là: “Cái đồ tu hú”. Chả là giống chim này chẳng làm tổ bao giờ, cứ đến mùa sinh sản thì đi tìm tổ của những loài chim khác chén sạch trứng, rồi đẻ trứng mình vào trong đó. Chim mẹ không nhận ra, cứ thế ấp nở kiếm mồi nuôi con đến lớn mà không hề hay biết. Nghĩ chuyện tạo hóa cũng thật buồn cười, loài chim mà cũng có chuyện láu tôm láu cá. Có điều tiếng hót gọi bầy của giống chim này thì nghe thiết tha đằm thắm và no đủ lắm. Có lẽ bởi tiếng hót của nó trùng với một khoảng thời gian trong năm, khi mà ngoài đồng lúa đã chín đỏ đuôi, hứa hẹn một mùa cơm gạo mới. Từ trên cồn đến dưới bãi, chỗ nào cũng xanh mướt màu xanh của cây Lạc, hai bên luống là những hàng đậu các loại quả nặng trĩu cành. Bọn trẻ đi chăn trâu thường hái những trái Đậu Đa vừa chín tới, đem về hấp vào nồi cơm hoặc nồi khoai luộc, ăn vừa thơm vừa bùi. Trong làng thì nhãn đã đậu quả, vải đã chín bói, mỗi ban mai khi nắng hừng lên là mùi mít thơm lừng lối xóm…
     Gần nhà mình có khu vườn gọi là Lòi ông Hoe Luyến, không biết ông khai hoang tự bao giờ, nhưng ở đó ngoài đất canh tác còn có nhiều cây to và dây leo. Ngoài các loài cây ăn quả như Mít, Nhãn, Trám đen, Tắt… còn có những cây cổ thụ, gỗ có thể dùng để đóng thuyền như cây Lội. Những bụi tre, bụi nứa cùng mấy đám dây Song, dây Mây, củ Nâu… leo tít ngọn cây cứ như rừng nguyên sinh. Trên tầng cao lũ chim tự do làm tổ, chẳng sợ bị quấy rầy. Đây cũng là nơi lý tưởng cho loài Tu hú tìm cơ hội “gửi trứng”, vì vậy mình cũng suốt ngày được nghe tiếng Tu hú gọi bầy.
     Năm tháng trôi qua, mỗi bận về quê thấy nhà cửa ngày một nhiều hơn, khang trang hơn. Đất chật người đông, mỗi căn hộ cũng chỉ được dăm mười mét bề ngang đủ cho một căn nhà ống. Lòi ông Hoe Luyến chỉ còn trong ký ức của người già, tại đó đã xuất hiện những ngôi nhà mái bằng một vài mê. Còn đâu những cây Lội, cây Sồi, cây Mui cây Trám cho lũ chim làm tổ, còn đâu cho tiếng Tu Hú gọi bầy…Nhà quê đã vậy nói chi thành phố, chả trách PhD student nhà mình chưa bao giờ nhìn thấy bông hoa Mè phải không các bạn?
 Thủy điện Bản Vẽ tích nước và dòng sông Đào kiệt nước.