Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

CHYỆN XỨ LƯỜNG



Ảnh Cầu phao Đô Lương
     Trong bài dân ca “Giận mà thương”, mình phát hiện ra nhiều người không phải là dân Nghệ An, thường hát sai một ca từ mà nghe qua vẫn rất có lý, đó là:
Anh cứ nhủ rằng em không thương
Em đo lường thì rất cặn kẽ
Chính thương anh nên em bàn với mẹ
Phải ngăn anh không đi chuyến ngược đường.
     Họ đã nhầm câu ngược Lường thành ngược Đường. Chữ Lường ở đây là muốn nói đến địa danh Chợ Lường quê mình, nơi mà từ xưa đã đi vào câu ca như một vùng đất trù phú, cảnh đẹp người hay, nơi được coi như là biểu tượng của cảnh bán buôn sầm uất, tấp nập “trên bến dưới thuyền” một thủa, rằng:
“Muốn ăn khoai sọ chấm đường
Xuống đây mà ngược Đò Lường cùng anh
Đò Lường bến nước trong xanh
Gạo ngon, lúa tốt bến thành ngược xuôi”.
     Phải là dân xứ Nghệ thứ thiệt, sống qua những thập niên sáu bảy mươi về trước, thì mới có thể thấu hiểu hết nỗi niềm của người vợ hiền, muốn gửi gắm trong câu ví dặm. Rằng sao lại vội trách oan là “em không thương”, rằng em đã trằn trọc, trăn trở toan tính “rất cặn kẽ” lắm rồi, đã vận động lôi kéo cả mẹ vào cuộc, nhằm “ngăn anh” từ bỏ ý định “đi chuyến ngược Lường”…
     Nói “ngược Lường”, tức là dân miền dưới như Yên Thành Nghi Lộc Diễn Châu, đi ngược lên Chợ Lường quê mình. Trên thực tế họ còn đi xa hơn thế, tới tận Chợ Gay chợ Tri Lễ thuộc huyện miền núi, để mua nông sản về bán lại kiếm lời chút đỉnh, giữa thời buổi “Gạo châu củi quế”, chứ chẳng thể làm giàu. Để kịp phiên chợ và để tránh kiểm tra, họ thường đi vào ban đêm. Ký ức tuổi thơ của mình vẫn vọng về, tiếng lộc cộc của những vành nón lá va vào gi-đông xe đạp, lầm lũi giữa đêm khuya thanh vắng, của những người chạy chợ trên đường quốc lộ bảy, chạy qua trước cửa nhà mình, mà người ở quê vẫn quen gọi là “Đường quan”.
     Bởi ngày đó, ngăn sông cấm chợ là đặc thù của hoạt động thương mại ở miền Bắc. Trong chế độ bao cấp bấy giờ, mọi hàng hóa được phân phối bằng tem phiếu, thông qua hệ thống các cửa hàng bách hóa. Theo đó mỗi người chỉ được mua một số lượng hàng hóa hạn chế ghi sẵn trong phiếu. Việc mua đi bán lại, vận chuyển thông thương hàng hóa giữa các vùng bị cấm đoán hoàn toàn.
     Người ta tổ chức các chốt kiểm tra, bắt giữ tịch thu hàng hóa kể cả nông sản. Những người bỏ công việc ở hợp tác xã để chạy chợ, được coi là phần tử xấu, chậm tiến bộ, có tư tưởng làm giàu bất chính, thậm chí coi đó là mầm mống của chế độ Tư bản.
     Ngay làng mình ở đầu Cầu Sắt, cạnh quán phở bà Thảo Thanh, cũng có một trạm như thế gọi là “Phòng thuế”, Trạm được một người tên Cát, có nước da đen cháy và một gương mặt sắt lạnh lùng phụ trách, vì vậy dân trong vùng quen gọi ông là Cát Đen. Họ khám xét bắt bớ đủ thứ, nhưng thực ra cũng chỉ những thứ tạp hóa từ miền dưới đi lên, mớ chè xanh đậu lạc từ vùng cao đưa xuống.
    Nhiều cuộc truy bắt còn có cả dân quân du kích địa phương, vác cả súng CKC, K44 ra “Phối hợp tác chiến”. Có bận bác Bằng anh trai mình trong đội dân quân xã, truy đuổi “buôn lậu” đến tận dưới Bãi Bằng, Trọt Rú. Bắt được người, hóa ra là cô Hà con dì Hải, em ruột mẹ mình nhà bên thị trấn. Bấy giờ mới tóa hỏa quay lại tìm hàng hóa cho em, vì khi chạy sợ quá, đã ném lại mấy bó chè đâu đó dọc đường. 
     Chả vậy mà mình với bọn thằng Việt con Thoa, hồi nhỏ còn có cả trò chơi “Bắt buôn lậu”. Một bên ôm mớ lá cây giả mấy bó chè xanh, cố chui rúc bò lê để vượt qua chốt “Phòng thuế”, một bên đứng dạng chân lăm le đón đợi, khi phát hiện thì đuổi rượt nhau chạy bán sống bán chết. Vượt qua được trạm coi như thắng cuộc, được trở về làm quân của trạm trưởng Cát Đen, lăm le dạng chân đón đợi. Hi hi… chỉ có rứa mà chơi hoài không chán. Giờ thỉnh thoảng gặp nhau, ôn nghèo kể khổ, kể lại chuyện xưa mà cười chảy cả nước mắt.
Không biết lớp trẻ bây giờ, có tin được những điều mông muội như thế, đã xảy ra một thời không nhỉ? Cũng chẳng xa xôi gì lắm đâu, những năm tám mươi viễn cảnh đó vẫn còn tái diễn mà, bằng chứng đây này:
 

     Nhưng thôi hãy quên chuyện đó và Click vào đường link này, chọn bài “Giận mà thương 1”, để thưởng thức làn điệu dân ca ngọt ngào, của quê hương Xứ Nghệ của mình đây nhé. http://m.mp3.zing.vn/playlist/Dan-ca-Nghe-Tinh-/IWBEUUE9.html