Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

ĐÂU RỒI HAI TIẾNG ĐÒ ƠI

    

    Trong tâm tưởng của người đi xa, có lẽ quê hương bao giờ cũng là nơi đẹp nhất, đúng như lời thơ ai đã viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Với mình, mảnh đất Nam Sơn Đô Lương cũng là nơi như thế.
     Quê mình là một vùng bán sơn địa, thuộc “Khúc ruột Miền Trung”, nơi có ruộng có đồng, có sông có núi. Hồi còn nhỏ mình thích trèo lên đỉnh núi Hòn Dài trước nhà, bởi từ đó cả một vùng ba xã Nam-Bắc-Đặng, cùng các vùng lân cận được thu vào tầm mắt. Nơi đó làng quê bình yên cùng cánh đồng Cời, được một dòng sông mềm mại như tấm lụa màu xanh, ôm trọn vào lòng. Làng mình vô tình thuộc về một bán đảo, đi về phía nào cũng có sông có nước. Bởi vậy nơi đây còn ghi đậm vào ký ức lòng mình, hai tiếng gọi: “Đò ơi…”. Ngoại trừ những tháng ngày mưa lũ, còn thì quanh năm dòng sông lúc nào cũng hiền hòa, trong xanh đúng như cái tên thường gọi của nó-Sông Lam. Nói thường gọi, bởi sông còn có một tên “cúng cơm”, mà có thể nhiều người không biết, đó là Sông Cả.
     Xa xa phía trước Hòn Dài, bên kia sông theo một vòng cung từ trái sang phải là đồi là núi, thứ tự là lèn Kim Nhan, là rú Hội rú Cấm, là lèn Tràng Thịnh ... Cả một dãy  trùng trùng, điệp điệp xanh thẫm cùng trời mây, ôm trọn làng quê, chở che bốn phương tám hướng. Chếch về phía đông, đoạn đối diện với bãi bồi Phú Nhuận là vườn Vải với làng chài Lưu Sơn. Trong cái yên ả của làng quê, tiếng gà eo óc vọng sang sao mà thương mà nhớ.
    Để cấp nước cho một vùng mấy huyện vùng xuôi, người Pháp cho xây dựng ở đây một con đập tràn chắn qua dòng Lam giang, ngay đoạn ngang thị trấn, gọi là đập Ba Ra. Để duy trì sự thông thương của hệ thống đường thủy trên sông Lam, quê mình có thêm một dấu ấn của người Pháp, đó là hệ thống sông Đào và âu thuyền  Thủy quan núi Cóc. Nhưng người dân quê mình thường gọi tắt là Vòm Cóc, lâu dần thành quen. Ngày đó, lưu lượng thuyền bè qua lại trên sông Lam tấp nập vô cùng, âu thuyền vận hành suốt ngày đêm không xuể. Vì vậy Sông Đào sau khi men theo chân Hòn Dài, được thiết kế phình ra, với diện tích mặt nước khá rộng để các phương tiện làm nơi tập kết. Rồi từ đó mới mềm mại uốn cong, đi vào âu thuyền Vòm Cóc, kẹp giữa hai quả đồi nhỏ, trông xa như hai cái bát úp, đó là Hòn Cóc và Hòn Trọc. Từ trên cao, dòng sông trông như cổ và ngực của giống gia cầm, có lẽ vì lẽ đó mà người dân trong vùng gọi đây là Diều Ga (cái diều của con gà), lâu dần thành tên địa danh. 
     Từ đỉnh Hòn Dài nhìn xuống, con đường quốc lộ Số 7 như sợi chỉ chạy xuyên qua làng mình, rồi vượt qua sông Đào bởi một chiếc cầu. Điều đặc biệt là “quê hương” của cây cầu này ở tận Châu Âu xa xôi, bởi vậy quê mình lại có thêm một công trình nữa của người Pháp, đó là Cầu Sắt. Rất tiếc là nó đã bị bom Mỹ phá hủy trong những năm chiến tranh phá hoại. Trong sâu thẳm ký ức tuổi thơ của mình, cây cầu vẫn trường tồn mãi mãi, như một Long Biên của đất Hà Thành. Đó là một chiếc cầu màu đen, hai bên thành là những tấm sắt đan xéo vào nhau, trông rất nhẹ nhàng thanh thoát, như liếp dậu vườn rau. Ngày nay, cạnh đó được thay thế bằng một chiếc cầu bê tông, đặt tên là cầu Khả Phong. Đơn giản vì nó nằm ngay đầu làng Khả Phong, tuy nhiên cái địa danh Cầu Sắt, vẫn được người dân trong vùng quen dùng hơn cả.
     Hai bên bờ Sông Đào, người Pháp cho trồng rất nhiều phượng vĩ. Những cây phượng già nua, nhiều cây thân rỗng vài người ôm không xuể, nhưng cứ mỗi bận hè về là nở hoa cháy rực cả bờ đê, chả vậy mà quê mình có thêm địa danh Hàng Phượng. Có lẽ những người con Nam Sơn xa xứ, cứ tiếc nuối không nguôi cái màu hoa đỏ ấy, mà có bài “Phượng không còn cháy”? (mời quý vị giữ Ctrl và click vào đường link này đọc nhé). http://www.namsondoluong.com/gioi-thieu/que-huong-nam-son/263-ph%C6%B0%C6%A1ng-kh%C3%B4ng-con-%E2%80%9Cch%C3%A1y%E2%80%9D.html.
     Tuổi thơ của mình, nơi đây ngập tràn hoa phượng. Hoa không chỉ để ngắm, mà nhụy nụ hoa để chơi trò chọi gà và cánh hoa còn dùng để… chén. Vâng nếu ai chưa từng, thì hãy nếm một lần cho biết, cái vị ngòn ngọt, chua thanh dễ chịu của những cánh hoa này, nhất là cánh hoa có nhiều đốm trắng. Có thể ngày nay là thử cho biết, còn với lũ trẻ chăn trâu chúng tôi ngày đó, là “giải pháp tối ưu” cho buổi đói lòng.
     Hôm nay sống trong lòng thành phố, nơi quanh năm du khách đổ về, để được tắm mình trong cát vàng, biển xanh và gió. Nhưng đôi khi nhìn lên núi Cô Tiên, lại muốn được về trèo lên đỉnh Hòn Dài Hòn Xạ, thấy nhớ nao lòng, hai tiếng gọi: Đò ơi …! 

Nhìn núi Cô Tiên nhớ Hòn Dài Hòn Xạ, nhớ nao lòng hai tiếng gọi: Đò ơi…