Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

GIÁ NHƯ


 Đường về quê mẹ
Ảnh: Truông Tràng Kè vào đất Đô Lương
 (Đường hiên ngang vợt qua Truông qua suối ... là đây)
    Từ ngày “mất dạy”, ngoài việc “Tờ-Dê-Tờ-Tờ” (TDTT) và chim hoa cá cảnh, rảnh rỗi thời gian, để mắt xung quanh, góp nhặt chuyện đời, chiêm nghiệm một chút cũng nhiều điều đáng nói.  
    Những ngày về thăm quê, mình thích đạp xe lang thang đây đó, hết Đồng Chay sang Đồng Lự, đến Hòn Dài Hòn Xạ, toàn những nơi ngày xưa cùng bạn bè chăn trâu cắt cỏ. Thích ghé thăm người này người nọ trong làng trong xã, đến đâu chuyện cũng vui như tết, lại còn được khen cái tật nhớ dai, khi ôn nghèo kể khổ. Sau nhiều năm đi xa có dịp trở về, thấy quê hương cũng nhiều thay đổi. Hệ thống điện đường tốt hơn, nhà cửa khang trang hơn. Nhiều người sắm được xe gắn máy, không như ngày xưa, cả làng có mấy cái xe đạp tính chưa hết đầu ngón tay. Nhưng có lẽ đó là kiểu so sánh theo “Chiều dọc”, với mốc thời gian của tuổi thơ thế hệ bọn mình. Mà thực ra thì những người khá giả ở quê, phần lớn là cán bộ có chức có quyền, hoặc có con cái đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, kể cả theo nhau đi lao động tự do bên Lào, bên Thái. Còn nếu đem so sánh theo “Chiều ngang”, đi sâu vào tìm hiểu những người dân lao động thuần nông, thì còn nhiều điều trăn trở lắm.
    Có lẽ ít ai biết rằng ở thời buổi này, mà quê mình còn nhiều người vẫn còn chật vật, khổ sở đến từng miếng cơm manh áo. Không xót xa sao được khi nghe mọi người nói rằng: “Bà ấy sướng nhất là lần bị xe máy đâm gãy chân, được người ta nuôi ăn no đủ mấy tháng trời, còn thì khổ lắm”. Chẳng lẽ trên đời lại có người mong được gặp tai nạn giao thông, để có đủ miếng ăn qua ngày như thế? Mình đã chứng kiến có hai bà cháu nương nhau, với khoản tài chính không quá vài trăm ngàn mỗi tháng. Ngày đêm ngóng tin người con gái không chồng (mẹ cháu bé) đi làm ăn ở tận bên Lào, mà cả năm nay bặt vô âm tín. Lại có cặp vợ chồng già, con cái đứa thì dắt díu nhau vào Nam làm ăn, đứa thì lấy chồng lấy vợ ở riêng, mà cuộc sống chẳng đứa nào khấm khá. Hai ông bà sống nhờ vào trợ cấp hộ nghèo và tiền tuất gia đình liệt sỹ. Hễ trong vùng có người chết, là ông tự nguyện đến túc trực, giành suất đánh trống suốt ngày đêm, mặc dù không có tên trong đội kèn trống, để rồi sau đó được người nhà kẻ xấu số cho một một gói đồ ăn, lấy từ bàn thờ cúng cho người chết, có lẽ đó mới là dịp hai ông bà có xôi có thịt. Và còn nữa, nhiều mảnh đời đại loại như thế.
    Nơi xa thẳm ký ức tuổi thơ của mình, trong những năm đánh Mỹ, họ là những người dân công hỏa tuyến, là những dân quân du kích, với phong trào “Xe chưa qua nhà không tiếc”. Mình đã từng chứng kiến họ, vai khoác chéo khẩu súng trường K44, quần xắn cao lộ hai bắp chân rắn chắc, phăm phăm trèo lên Hòn Dài trực chiến. Sau bao năm hòa bình thống nhất, sau nhiều năm mòn mỏi đợi chờ, để đất nước hóa “Rồng” hóa “Phượng”. Nay thì đã sức cùng lực kiệt, mà hình như tương lai vẫn mịt mù đẩu đâu phía trước.
    Trở về thành phố, nhìn những văn phòng nguy nga như cung vua phủ chúa, đi qua những công trình “Ngàn tỷ” bỏ hoang, sau một lần tổ chức sự kiện, mà thấy đau thấy xót. Tiếp xúc với những ông quan bụng to mắt híp, đi xe hơi, ở nhà biệt thự, thừa mứa miếng ăn, vung vãi bạc tiền mà thấy chạnh lòng, thương cho kiếp cò kiếp vạc. Xin thưa các vị, tiền thuế của dân cả đấy, nơi thôn quê nhiều người còn khổ lắm, các người đừng phí phạm. Kẻo biết đâu, luật nhân quả có ngày báo ứng.
    Nhân đây xin kể chuyện này: Có lần đi đám cưới, ngồi cùng một vị thuộc hàng “Đầy tớ của nhân dân”. Cả buổi chỉ thấy ông nhấp mấy ngụm nước lọc ngồi cho chiếu lệ, mặc cho mọi người nài nỉ mời mọc. Thấy vậy mình nói vui: “Một đời người được phép uống 500 lít bia và ăn 500 kg thịt, ai lĩnh đủ rồi thì thôi, ai còn thiếu cứ tự nhiên truy lĩnh”, mọi người vui vẻ cười ồ.
    Thật vậy, phải chăng cuộc sống các vị là triền miên những buổi tiếp khách tiệc tùng, nơi nhà hàng quán “ruột” (lâu nay trên phương tiện đại chúng vẫn ra rả kêu gọi “Bữa cơm gia đình” đấy thôi). Nên đã nạp quá nhiều thực phẩm, kể cả loại ướp đầy hóa chất của Tàu Khựa. Nay kẻ bị gút, người huyết áp cao, máu gan nhiễm mỡ, nên nhìn thấy món ăn, cứ tưởng như ai đó lẳng ra một xâu lựu đạn?  
    Giá như có một lần họ về đến nhà quê, giá như lòng tham của “Một bộ phận không nhỏ” các đầy tớ nhân dân bớt đi một chút, giá như…. Để đất nước tôi hóa Rồng sau nhiều năm mòn mỏi, để dân đen đỡ khổ đỡ nghèo.