Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

TẢN MẠN TRƯỚC MÙA THI



     Hồi mới giải phóng, mình có một ước mơ cháy bỏng là được cắp sách tới giảng đường đại học. Ngày đó  làm quân quản ở Sài gòn, bọn mình có được một ưu ái là gửi thư không phải dán tem, chỉ cần viết tên hòm thư quân đội là thư được chuyển tới tay người nhận. Một trong những thông tin mình quan tâm nhất, qua những “Cánh nhạn lai hồng” này là đám bạn học phổ thông, xem đứa nào đi đâu, làm gì, học trường nào.
     Thực tình hồi đó nếu đã tốt nghiệp phổ thông, được vào một trường chuyên nghiệp là điều không khó, đứa học ngon một tý thì đủ điểm vào đại học, đứa thường thường thì đi cao đẳng, trung cấp hay­ công nhân kỹ thuật ở trong nước hoặc nước ngoài gì đó. Nếu không vào bộ đội, cùng lắm ở nhà ôn thêm, năm sau thi lại thế nào cũng đậu. Cũng dễ hiểu thôi, bởi bấy giờ số người học hết phổ thông đâu phải là nhiều. Chả vậy mà khi vào bộ đội, sau khi huấn luyện tân binh, bọn mình được chọn ngay vào các đơn vị kỹ thuật, ít đứa vào các đơn vị bộ binh và thực tế đến nay, những thằng đi suốt cuộc đời binh nghiệp thành tá, thành tướng cũng từ đó mà ra. Trong thời gian làm quân quản, hàng ngày tiếp xúc với người dân, bọn mình cũng được bà con có phần vị nể khi biết đã tốt nghiệp Tú tài. Thế mới hiểu vì sao người ta nói “Giáo dục ngày nay, thành tích nổi bật đầu tiên là... số lượng”.
     Lúc bấy giờ, hàng ngày đi qua các trường đại học, nhìn những trai thanh nữ tú vào ra trước cổng trường mà lòng đầy ngưỡng mộ, nhìn ai ai cũng thấy gương mặt thanh tú, rạng ngời, đầy trí tuệ. Với mình họ thật sự đại diện cho hàng ngũ trí thức.
     Mấy năm gần đây, trường đại học cao đẳng và nhiều trung tâm giáo dục mọc lên như nấm. Các hình thức đào tạo mới thật phong phú làm sao, học gì rồi cũng có thể liên thông thành đại học. Chỉ có điều, hình như mục tiêu của nhiều trường, nhiều trung tâm là bán chữ, bán bằng chứ không phải trang bị kiến thức. Họ làm nhiều trò để vơ bèo vạt tép miễn sao thu hút được nhiều sinh viên vào học. Không ít cô cậu sinh viên trọ sau nhà mình, hàng ngày chỉ biết đam mê trò chơi điện tử, đàn đúm bạn bè, giỏi làm phao làm phỏm để chống chế kỳ thi. Hậu quả là cả nước dư thừa hơn 70 ngàn cử nhân thạc sỹ không có việc làm. Nhiều khi thử cắt nghĩa một thực tế đang diễn ra quanh mình, mà không sao hiểu nổi. Phải chăng cuộc sống đủ đầy, cách giáo dục của gia đình và tác động tiêu cực của xã hội, đã làm hại cuộc đời chúng nó. Mà không là hại dân hại nước, vì trong cơ chế tuyển dụng của ngày nay, với sự giúp sức của những ông chú, bà bác có chức có quyền, với sức mạnh ghê gớm của những đồng tiền chạy chọt. Những cử nhân, thạc sỹ thậm chí tiến sỹ loại này, sẽ nghiễm nhiên chui vào bộ máy công quyền nhà nước, thành những “Con sâu”, thành những “Bầy sâu”.
     Hạnh phúc biết bao khi con trai mình không rơi vào “ma trận” ấy, tốt nghiệp lớp chất lượng cao Việt-Pháp của Bách khoa, con biết ước mơ "Được trực tiếp nhìn thấy tuyết rơi" như bao bè bạn, rồi con  nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sỹ ở một nước được coi là "Đang dãy chết”. Sau những tháng năm khổ công, miệt mài vật vã, giam mình trong phòng Lab. May mắn đã mỉm cười với con, niềm vui như vỡ òa khi công trình nghiên cứu đã chính thức được công bố. Giáo sư cũng đã đồng ý cho con bảo vệ sớm hơn thời gian đã định. 
     Mời mọi người nhấp vào đường link, đọc những trang viết thẫm đẫm mồ hôi nước mắt này, để chia vui cùng với con trai và gia đình mình nhé: http://link.springer.com/article/10.1007%2Fs13233-013-1013-x Và đây nữa:  http://iopscience.iop.org/0964-1726/23/6/065005
     Vẫn biết ở xứ mình, mọi thứ chưa chắc đã đồng nghĩa cùng năng lực, tài năng. Không sao đâu con, giá trị cuộc đời này đâu phải chỉ có tiền tài và địa vị, bản năng con người là vươn tới đỉnh cao, làm được điều ấp ủ cũng là niềm hạnh phúc. Chúc mừng con, cảm ơn con không phụ lòng ba má, con đã làm được điều ước mơ, khao khát, cháy bỏng suốt một thời trai trẻ cuộc đời ba.