Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

CU-ĐƠ ĐẶC SẢN QUÊ MÌNH



        Kẹo Cu Đơ chính hiệu
   Hôm nọ hai vợ chồng Huy Dũng, trong chuyến hành hương về phương Nam trước khi “Hạ cánh an toàn”, có ghé qua Nha Trang và biếu mình một món quà đặc sản quê nhà, đó là kẹo Cu Đơ. Kẹo được chế biến từ lạc nhân và mật mía, có thêm hương vị của gừng và đúc kẹp giữa hai lớp bánh tráng. Món này có thể thưởng thức quanh năm, nhưng về mùa đông nếu làm một miếng và một bát chè xanh thì coi như đủ năng lượng chống chọi với cái rét thấu xương của mùa đông phương Bắc.
Hồi nhỏ thỉnh thoảng mẹ mình vẫn làm cho cả nhà ăn, tuy nhiên để thật ngon thì không phải dễ. Trước hết nguyên liệu lạc nhân phải là thứ lạc được trồng trên vùng đất Nghệ Tĩnh, hạt to mẩy đều và rất bùi. Thứ Lạc mà một thời người ta nhắc nhau “Xin đừng dùng Lạc làm quà biếu nhau. Lạc là thép, Lạc là gang, Lạc sang nước bạn Lạc mang máy về” mà mình đã hơn một lần nhắc đến. Ngoài ra kỹ thuật rang lạc cũng như thắng mật sao cho tới độ để không non, không quá lửa lại là cả một vấn đề nghệ thuật, thuộc bí quyết gia truyền, không đơn giản chút nào đâu nhé.      
Lần đầu tiên mình nghe đến hai từ Cu Đơ là năm bảy mươi tư, khi đang huấn luyện tân binh ở Hương Sơn. Đích thực là món kẹo lạc quê mình rồi, nhưng sang Hà Tĩnh nghe mọi người gọi là Cu Đơ, ban đầu thấy hơi ngồ ngộ, hỏi ra thì được giải thích thế này. Chuyện kể rằng ngày xưa tại khu vực Cầu Phủ Hà Tĩnh, có một người làm món kẹo lạc ngon nổi tiếng tên là ông Cu Hai. Chả là theo tập quán ở miền Trung, nếu ai sinh con đầu lòng là trai thì có tên đệm gọi là “Cu”, còn nếu sinh con gái đầu lòng thì gọi là “Hoe”. Như vậy, nếu ở quê mình sẽ được bà con trong làng gọi là Cu Vinh, (giống nhà văn Nguyễn Quang Vinh có một Blog đặt tên là “Cu Vinh Khoai Lang”, bà con ai rỗi thì vào xem nhé, hay ra phết đấy). Trở lại chuyện ông Cu Hai, nghe nói nhà lại ở gần trường học, hồi bấy giờ đang thời kỳ Pháp thuộc, nên học trò học theo tiếng Pháp, mà trong tiếng Pháp số Hai gọi là “Đơ”, vì vậy món kẹo ông Cu Hai nói theo kiểu tiếng bồi, nửa tây nửa ta là kẹo ông Cu Đơ, cứ rứa lâu dần thành quen.
Không ngờ sau này nó trở thành thương hiệu đặc sản của quê mình. Chả vậy mà trước đây, mỗi lần tàu quân vận về tới ga Vinh, nghe mấy em bán hàng rong chào mời “Cu Đơ không chú?”. Mấy cậu lính trẻ từ miền Nam ra, nhanh nhảu nghịch ngợm trả lời “Đang đơ đây”. Hi hi…
Kẹo Cu Đơ bây giờ được đóng gói trông bắt mắt hơn, bên ngoài bao bì còn có mấy bài thơ, đọc thấy vui vui, xin giới thiệu cùng bà con nhé:
 
NHỚ CU XƯA
Cu xưa bay đến phố Nài
Bay từ viễn khách bay dài, bay xa
Bay từ cầu Phủ đến Na
Bay sang Bến Thủy, bay qua Ngang Đèo
Cũng nhờ mấy nhịp Cầu Treo
Cu đi xóa đói giảm nghèo thật nhanh
Cu xưa đậu nóc nhà tranh
Bay sang nhà ngói yên lành ấm no
Ngày xưa Cu mất tự do
“Ngày nay Cu đến cho dân làm giàu”
(Câu này mình xin phép tác giả sửa lại, khỏi mang màu sắc chính trị chính em)
Bà con làng xóm bảo nhau
Cho Cu lên chật chuyến tàu Bắc Nam
Thả Cu bay khắp xóm làng
Bay cùng tổ quốc bay sang nước ngoài
Cu đi bắc nhịp cầu dài
Vui cùng năm tháng đêm hoài nhớ Cu.

CU CHẬM
Cu chậm nên chi khách phải chờ
Có đâu mặn nhạt chủ thờ ơ
Sân sau chÍn ả trông mê mết
Ngõ trước mười chàng đứng ngẩn ngơ
Một mảnh trăng tròn tình mất lạc
Đôi vùng sao khuyết nghĩa Cu Đơ
Thân tình nhắn nhủ cùng ai đó
Bùi ngọt chờ lâu cũng nhạt mờ.


Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

HẠNH PHÚC ĐƠN SƠ



     
    Sáng nay hai vợ chồng mình dậy thật sớm, ở trước nhà chú gà tre hình như cũng sốt sắng chẳng kém chủ nhà, mới hơn bốn giờ mà đã cất tiếng gáy te te dồn dập. Vợ mình bảo “Khoan gọi để cho con ngủ thêm tý nữa” rồi vội vàng chuẩn bị bữa sáng, pha Café. Thế đấy, với con cái mặc dù đã tồng ngồng hai sáu hai bảy tuổi rồi, nhưng trong ánh mắt bố mẹ thì vẫn là con trẻ.
     Mới hơn năm giờ cậu Vinh đã đích thân cùng xe hơi bảy chỗ chuẩn bị “tháp tùng” trước ngõ. Hôm nay cũng là ngày đặc biệt mà, ngày tiễn con trai tạm biệt “Thành phố phía mặt trời” quanh năm ngập tràn ánh nắng để trở về với mùa Đông tuyết trắng xứ Hàn xa xôi. Tiếp tục sự nghiệp đầy gian nan thử thách, đổ bao mồ hôi công sức, lấy cho được tấm bằng Tiến Sỹ xứ người. Chẳng phải để được hơn người, vì biết thừa ở xứ mình Trí tuệ còn xếp sau nhiều lắm, nhưng dẫu sao cũng có cái mà “Mặc cả” với đời, mà trước hết là kiếm cái cần câu cơm cái đã.
     Nhiều người khi con cái có vấn đề không ổn, thường đổ hết cho ngoại cảnh, nào là xã hội bây giờ thế này, nào là hoàn cảnh của cháu thế kia. Riêng mình nghĩ tất cả đều xuất phát từ mỗi gia đình, đừng đổ vấy hết cho nhà trường và xã hội. Nhớ trước đây mỗi lần về thăm quê, mình chỉ vào mấy đứa trẻ chăn trâu và nói với con trai rằng “Quê mình là đây, hồi nhỏ ba còn cực hơn mấy bạn kia, con may mắn được sinh ra ở thành phố, nếu ba sinh con ở đây con cũng sẽ như mấy đứa trẻ kia không hơn không kém”. Mỗi bữa cơm vợ chồng mình dạy con “Con hãy ăn cho hết những hạt cơm còn dính trong thành chén, vì người nông dân như ông bà ta, làm ra hạt gạo vất vả vô cùng…”.
     Hôm qua, tình cờ được đọc lại bài báo viết về con trai cách đây gần mười năm về trước, đường Link đây ạ xin mọi người cùng đọc nhé. http://www.baokhanhhoa.com.vn/Phongsu/2005/08/99771/. Nhìn tấm ảnh ngơ ngác của cu cậu hồi đó với tấm ảnh hôm nay trước sân bay quốc tế Cam Ranh, cùng bao nhiêu thăng trầm con đã vượt qua. Chợt nghĩ: Có thể con chưa thành công, nhưng ít nhất con cũng đã thành nhân, đó là niềm vui là hạnh phúc của gia đình mình xin chia sẻ đầu năm. Hạnh phúc cũng thật đơn sơ phải không các bạn.
Sinh ra có hai ký tư mà nôi được vậy tốn nhiều gạo lắm đó bà con ạ Hi hi..