Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

SẮC XUÂN QUÊ NHÀ



Mấy ngày qua hai vợ chồng tôi cứ xộn rộn chẩn bị đón con trai từ xứ sở Kim Chi trở về ăn tết, hôm nay mới đảo qua một vòng qua các phố thì đã thấy đâu đâu cũng hoa và cây cảnh, các con đường trở nên rực rỡ sắc màu của hoa và đèn trang trí. Mùa xuân đã thật sự tràn về trên thành phố biển Nha trang.
Đêm qua nghe tin con đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì trong lòng càng náo nức khó ngủ, nằm nghĩ ngợi miên man chuyện nọ xọ chuyện kia, bao nhiêu ký ức tuổi thơ được dịp ùa về. Gọi điện cho bác Hải, biết thêm quê mình giờ đang lạnh lắm, nhưng có lẽ những đứa trẻ ở quê bây giờ không còn chịu cảnh đói ăn và thiếu mặc như bọn mình trong những mùa đông giá rét ngày xưa. Ngày ấy, ăn chẳng đủ no nên chẳng mấy ai nghĩ đến việc chơi hoa chơi lá. Tuy nhiên mỗi bận tết đến xuân về vẫn tràn ngập không khí tươi vui háo hức đến lạ thường.
Cảm nhận sắc xuân rõ nhất là những làn mưa xuân, những hạt mưa ly ty nhè nhẹ bay trong gió, rồi đậu lại trên sợi tóc như những bụi phấn trắng, chỉ có thể cảm nhận được khi thấy mi mắt nằng nặng khi có nhiều hạt mưa trên đó. Những hàng cây khẳng khiu, khắc khổ như những cành khô tàn lụi bởi mùa đông lạnh giá, bỗng chốc đồng loạt bật những mầm non tươi xanh tràn trề sức sống…Con đường quốc lộ số 7 chạy qua trước nhà tôi, đã xuất hiện nhiều người đi đường hối hả đổ về miền ngược. Trên ba lô hoặc trên ghi-đông xe đạp ai ai cũng có một vài nhành hoa làm bằng giấy màu rực rỡ và chắc chắn trong hành trang của họ không thể thiếu mấy hộp mứt bí, mấy gói trà Ba Đình, cùng vài gói thuốc lá Điện biên hay Tam Đảo gì đó. Họ là những người bộ đội, thanh niên xung phong hay công chức được may mắn về quê ăn tết.
Trong làng, từ sáng sớm mọi người đã í ới rủ nhau ra khỏi nhà, đám thì vào tận khe Ngang khe Cá đốn củi về chuẩn bị cho nồi bánh chưng bánh tét, đám thì đi lên tận Cầu Trù, bãi bồi Tri Lễ cắt cỏ để dành cho trâu bò trong mấy ngày tết.
Ngoại trừ những năm mất mùa đói kém, còn thì năm nào bố mẹ tôi cũng gói nhiều bánh chưng bánh tét, phần để ăn trong mấy ngày tết, phần để giành cho các anh chị sau tết trở về nơi học tập công tác, mang theo mỗi người một cái để ăn dọc đường. Đặc biệt là bao giờ bố tôi cũng vét những nắm gạo nếp cuối cùng trong cái thúng, gói cho anh em chúng tôi mỗi đứa một cái bánh con con, như mấy cái bánh chưng ăn sáng bây giờ ở phố. Cái bánh nhỏ xíu nhưng với chúng tôi bấy giờ niềm vui sao mà lớn thế, thấp thỏm cả đêm chờ đợi để sáng ra tới giờ vớt bánh. Rồi thì xách trên tay chạy lăng xăng đi khoe khắp nơi, bởi không phải trong làng đứa nào cũng có. Cđể giành mãi thế cả ngày, mà hít hà thưởng thức cái mùi bánh chưng lá dong thơm thơm ngầy ngậy chẳng nỡ mở ra thưởng thức, mặc dù cái bụng lúc nào cũng đói.
Và năm nào cũng vậy, vào ngày sát tết là bố tôi lại ra vườn chặt một cành đào hoặc cành mận, cành mơ, đem vào đốt sém gốc rồi cắm vào cái vỏ đạn pháo cao xạ làm bình hoa đặt lên bàn thờ, bên cạnh là chồng bánh chưng và đĩa trái cây hái ở trong vườn. Chỉ ngần đó thôi, chẳng phải tốn kém gì nhưng trong nhà bỗng bừng lên cả một sắc xuân rực rỡ, nó góp phần xua tan cái lạnh lẽo của khí trời và cái thiếu thốn thường trực về miếng cơm manh áo. Với khí trời mùa xuân, những nhành hoa vẫn tiếp tục đơm bông và phát lộc cho tới tháng giêng mà không hề héo úa. Không biết đã bao năm tuổi thơ tôi, gia đình tôi đã đón tết với sắc Xuân bình dị như thế.
Rồi tôi lớn lên vào chiến trường miền Nam như bao chàng trai trẻ khác, hòa bình tôi lập nghiệp và định cư ở xứ sở một năm có hai mùa mưa nắng. Những bận nghe đài báo quê nhà có gió mùa đông bắc lại thấy “Thương cái rét của thợ cày thợ cấy, nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy”. Nhưng đôi lúc cũng thèm chút lành lành, chút se se tê tái của mùa đông xứ sở quê nhà. Lâu dài, tôi quen dần với cái nắng nóng của miền gần xích đạo và đôi khi quên mất, giờ này quê mình đang là mùa gì. Chỉ có một thứ tôi chưa bao giờ quên là cứ mỗi độ xuân về, trong làn mưa xuân nhè nhẹ, trên bàn thờ nhà tôi luôn có một nhành hoa đào, hoặc hoa mận hoa mơ. 
            Bao mùa xuân đã đi qua cuộc đời tổi thơ của tôi như thế. Giờ đây khi đã lớn khôn, nhưng sắc xuân quê nhà vẫn mãi mãi trong tôi, cùng hình ảnh mẹ cha và những tháng ngày xưa ấy.
 Note: Quý vị có thể đọc bài viết trên trang Web với giao diện thân thiện hơn Blog này bằng cách chọn tên miền in thường. Rất cám ơn!