Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

      Vào những năm thuộc thập niên 60, Nam Sơn quê tôi có đến ba hợp tác xã (HTX) đó là Nam Xuân, Tiền Phong và Đại Thắng. Mỗi HTX lại được chia thành nhiều đội sản xuất, riêng xóm Gát làng tôi là hai đội Hùng Cường và Cờ Đỏ. Tương tự như vậy, những cái tên được chọn đều rất kêu, khi xướng lên cứ thấy như trống dong cờ mở. Một hoặc hai đội lại có một tư liệu sản xuất rất đặc trưng XHCN đó là cái nhà kho, được gọi nôm na là Kho HTX. Theo đó kho xóm tôi được gọi là Kho III.
Tôi nhớ như in, chỗ cái nhà kho trước đó là một cái Lòi, như vậy có nghĩa rằng, nơi đó nguyên là một bãi tha ma. Không biết ông Xứng khai hoang cái Lòi này tự bao giờ, nhưng khi tôi lớn lên, biết quan sát mọi điều, thì đã thấy ở đó hang năm ông trồng đủ thứ, ngoài đậu lạc thì năm nào cũng có mấy luống hành tăm. Rải rác xung quanh là mấy cây Thầu Đâu (xoan) và trên đó vẫn còn những nấm mồ vô chủ, cứ bị gọt nhỏ dần, nhỏ dần sau những lần cuốc cỏ và nắng mưa năm tháng.
Thế rồi được tin, HTX sẽ xây tại đó một cái nhà kho và kèm theo một cái sân thật lớn. Tôi chứng kiến bà con xã viên san phẳng cái Lòi, kẻ ghánh gồng, người đẩy xe cút kít, lên Hòn Mình Rú Cựa đem sỏi về đổ lên, tạo nên một mặt bằng rất rộng. Không thể tả xiết niềm vui, niềm kiêu hãnh của lũ trẻ xóm Gát làng tôi, vì sắp tới chúng tôi sẽ có một cái sân còn to hơn sân nhà Số Một (căn nhà địa chủ được trưng dụng làm cửa hàng bách hóa xã). Ngay đêm đầu tiên, khi có mấy đống gạch nung chuyển đến, chúng tôi quyết định chuyển về chơi tại đó, nơi cái nền vừa san xong sỏi đá còn nham nhở. Vẫn là mấy trò chơi truyền thống, mà hôm nay thấy háo hức lạ thường. Mãi tới khuya thì thêm một quyết định táo bạo hơn nữa, rằng đêm nay sẽ ngủ lại đây, để ăn mừng cái công trình mang dáng dấp chủ nghĩa xã hội vĩ đại đầu tiên của xóm. Cả bọn háo hức ghép gạch trải lá chuối làm chỗ ngủ, lấy phên che lên làm mái, tranh nhau chui vào, nằm tán chuyện râm ran. Trong hàng tá câu chuyện viễn cảnh tương lai, có đứa nào đó báo tin rằng: Sau này HTX không chỉ đánh kẻng đi làm, họp đội ghi công điểm, mà còn tổ chức nấu cơm và đánh kẻng đi ăn tập trung ở bếp tập đoàn. Chà! Nếu thế thì chắc cơm không còn độn sắn, độn dong riềng như bây giờ, mà sẽ được độn bột mỳ, như cơm nhà thằng Việt con ông Hùng bà Cánh cán bộ miền Nam tập kết vậy sao? Vậy thì chả mấy chốc mà cái HTX Đại Thắng nhà mình trở thành Công xã công xiếc gì đó, như Liên xô và các nước tận tít trời Tây, mà tôi xem được qua mấy trang họa báo và phim tư liệu. Nghĩ đến đấy đã thấy sướng ngây ngất lên rồi hi hi …  
Rồi sương đêm trùm xuống, những câu chuyện không đầu không đuôi cũng thưa dần, làng quê yên tĩnh đến ghê người, vài thằng đổi ý bỏ về nhà mà không ngủ lại. Phải rồi, nhát gan như thằng Hồng thì có mà thách kẹo, thường ngày từ nhà thằng Vĩ về tới cổng nhà nó gần xịt, mà bao giờ trước khi về nó chả phải gọi thật to: “Mệ ơi…”, để nghe tiếng bà Chắt Lự đáp lại “Ơi mệ đây…” và cứ thế, trên cái nền âm thanh gọi đi đáp lại “Mệ ơi”-“Ơi mệ đây” đó, nó ba chân bốn cẳng chạy tót về nhà là gì. Thằng Hồng học sau tôi một lớp, nhưng hai vườn nhà sát nhau, đi chăn trâu và chơi với nhau từ tấm bé, tôi còn lạ gì tính nhát gan của nó. Kể cả cái bận rủ nhau ăn trộm cam ở trại phụ lão, bị các cụ đuổi vào tận hói (suối) Đồng Lự bắt mất trâu cũng vì nó mà ra. Bữa đó nếu cứ bình tĩnh đợi đến lượt, chui qua cái lỗ hàng rào dê chui về phía bờ sông, đoạn ngang cái trạm bơm, thì coi như cuộc đột nhập thành công mỹ mãn. Đằng này nó vội vàng trèo rào ra ngoài vườn, chỗ cái lò gạch cống Mình trống hơ trống hoác, mục tiêu lộ, lọt vào tầm mắt ông cu Mai đi tít tận trên cầu, làm cả bọn “dính chưởng”. Sau này mỗi bận về quê, mẹ nó cứ cười và nhắc hoài chuyện đó, xấu hổ đến chết đi được. Nhắc lại để “nói xấu” nó tý thế thôi, chứ nó hiền lành ngoan ngoãn, bố đi bộ đội, ở nhà với ông nội và mẹ mà vẫn học giỏi nết na. Chả thế mà giờ nó làm đến chức Thứ trưởng, niềm tự hào của xóm Gát làng tôi đấy nhé. Người ta bảo, thời buổi này muốn tiến xa trên con đường quan lộ, ngoài yếu tố may mắn và học hành chữ nghĩa. Nếu chỉ số “hậu duệ” và “tiền tệ” thấp thì cần phải láu tôm láu cá, thậm chí phải...lưu manh một chút. Nhưng với nó tôi tin là ngoại lệ.
Sau thằng Hồng là những thằng khác lần lượt “đảo ngũ”, cuối cùng còn trơ lại tôi và thằng Cát. Thực tình tôi cũng run lắm, đây nguyên là cái Lòi cơ mà, cách đó một đoạn, bên bụi hóp nhà ông Xứng còn cái mộ hoang chình ình ra đó. Quanh đâu đây, thỉnh thoảng sau cơn mưa, vẫn có mùi gì đó hôi hôi, khen khét chua chua, mà người ta thường bảo mùi Quỷ nấu cứt lợn (có lẽ mùi lá cây mục nát gặp mưa). Lại còn chuyện mấy cây tre vườn ông Mới Duyến, đầu hôm thì đứng thẳng, đêm khuya thì sà xuống thấp (có lẽ sương đêm đọng lá), mọi người kháo nhau, nói có con Tinh mặc quần áo trắng ngồi ru con hời hời. Lúc đầu đông người thì không sợ, nay còn lại hai mống, nghĩ đến đó tôi thấy rờn rợn cũng định thoái lui, nhưng thằng Cát cứ một mực động viên ở lại. Hai đứa chẳng dám ngủ, cứ rì rầm nói chuyện nhỏ to, chợt nghe tiếng quát: “Chúng mày định ngủ đó à, ma về bắt hết bây giờ”. Tôi nhận ra tiếng bà Xuyến mẹ thằng Cát, vội bật dậy chạy ù về nhà. Đêm khuya thanh vắng, vừa chạy vừa ngoảnh lại đằng sau, vì nghe hình như có tiếng chân ai đó đuổi theo thình thịch (tiếng gót chân nện xuống mặt đường), thì ra mình cũng nhát gan chẳng kém ha ha ...
Rồi cái nhà kho cũng được xây xong, với năm gian nhà hoành tráng, cùng cái sân lát gạch rộng thênh thang. Nó trở thành nơi trục lúa phơi rơm, chia thóc chia khoai của người dân hai đội Hùng Cường và Cờ Đỏ. Đêm đến là nơi hội họp ghi công điểm của bà con xã viên, là nơi tụ tập nô đùa của lũ trẻ. Mỗi dịp chẩn bị đón tết trung thu, hay mừng ngày độc lập mùng hai tháng chin, lại rộn rã tiếng còi, tiếng trống ếch của đội thiếu niên, tập đi đều tập đồng diễn thể dục. Thỉnh thoảng có đội chiếu bóng lưu động về bán vé chiếu phim, cái nhà kho trở thành điểm hẹn của làng trên xóm dưới. Cả một vùng nhộn nhịp hẳn lên, từ già trẻ gái trai cứ như ngày hội. Trẻ con lùa trâu bò về sớm hơn đã đành, người lớn làm đồng cũng nghỉ việc sớm hơn thường lệ. Cái vé chỉ vài hào nhưng với lũ trẻ chúng tôi nếu chui trộm được vào xem mới khoái.
Năm tháng đã trôi qua, những cái tên Hùng Cường, Cờ Đỏ đã không còn trong ký ức của nhiều người. Sau nửa thế kỷ trôi qua, giữa thời buổi tấc đất tấc vàng, khi con lốc “chia lô bán nền” đã kịp cuốn phăng đi tất cả. Nhưng kỳ diệu thay, cái Kho III làng tôi vẫn đứng đó với nhiều vết sẹo do bom Mỹ sót lại trên tường. Nó trở thành “nhân chứng sống” cuối cùng của một thời tổ chức sản xuất theo kiểu XHCN ở quê tôi. Chúng tôi đã lớn lên trong đói nghèo, nhưng không kém phần ngọt ngào như thế. Tuổi thơ đã đi qua, tuổi trẻ không bao giờ trở lại, lũ trẻ làng tôi thời đó đã đi xa. Đứa sắm được xe hơi nhà lầu ở Sài Gòn Hà Nội, người ẩn mình nơi sơn cùng quỷ cốc, thằng thành đạt thành danh, cũng có người chưa được nhiều may mắn. Nhưng tôi tin rằng nơi sâu thẳm tâm hồn, đứa nào cũng ắp đầy kỷ niệm một làng quê./.


Note: Quý vị  cũng có thể vào Web có tên miền trùng tên với Blog này (Gia phả tiểu chi Nguyễn Cảnh Thứ chữ in thường), để đọc bài viết này với giao diện thân thiện hơn. Rất cám ơn!