Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC PHONG LAN

 
Vẻ đẹp hoang sơ của Lan rừng
    
Vẻ đẹp lộng lẫy của Lan nhập ngoại

     Tôi thích trồng hoa từ những ngày tấm bé, tuy ngày đó ở quê chỉ có mấy loài hoa dân giã như hoa hường, hoa cúc, mười giờ…Trong những ngày hành quân vào Nam, mỗi khi ngồi trên xe hoặc nghỉ lại ở các binh trạm, từ cánh võng nhìn lên những cành cây cao của núi rừng đại ngàn Trường sơn hùng vĩ, bắt gặp những chùm phong lan rực rỡ khoe màu khoe sắc giữa mùa khô nắng cháy, trong tôi trào dâng một cảm xúc thật mãnh liệt về loài hoa quý phái này, đúng như lời thơ bạn Lê Danh Tuy đã gửi đến cho tôi:
 Em là Lan của đại ngàn
Là niềm kiêu hãnh của Trường sơn
Cuộc đời nếm trải bao sương gió
Làm đẹp cho đời dệt sắc xuân
Lan này hoa của núi rừng
Không là quân tử xin đừng ngắm hoa. 
     Mãi sau này khi đã thành lập gia đình, có một căn nhà nhỏ tôi mới có điều kiện thực hiện ước mơ trồng và thưởng thức loài hoa quý đó. Lúc đầu cứ mỗi lần nhận lương là tôi bớt chút tiền mua một giò lan về trồng. Mặc dù đã nghiên cứu qua các tài liệu sách vở nhưng thời gian đầu coi như thất bại hoàn toàn, đến nay sau nhiều năm kể như cũng có được một vài trải nghiệm, xin chia sẻ và gửi tới những ai thích trồng Lan.
     Nói đến Phong lan có lẽ là một trong những loài có quá nhiều chủng loại, để phân chia một cách rạch ròi thì thật dài dòng, nhưng theo tính chất và môi trường sống phổ thông nhất, có thể chia thành hai loại chính là Lan rừng (loài lan mọc hoang dã trong rừng) và Lan nhập ngoại.
     Với các loại Lan rừng, nhìn chung có ưu điểm dễ chăm sóc, hoa phần lớn không to, màu sắc không sặc sỡ, có loài hoa rất bé, thậm chí không có hoa hoặc rất ít ra hoa, vì vậy chỉ nên chọn những loại dễ có hoa và hoa đẹp để trồng mà thôi. Tuy nhiên điểm chung của Lan rừng là hoa rất thơm, thậm chí có loài hương thơm vô cùng quyến rũ. Nhược điểm nữa của Lan rừng là ra hoa theo mùa, mỗi năm chỉ một lần và phần lớn là trổ hoa vào mùa hè, có những loài phải rụng hết lá, trơ những thân cây khẳng khiu rồi mới nhú những nụ hoa, nhiều người không biết lại cắt bỏ những cành khi thấy không còn lá, đó là một sai lầm to lớn! Vì vậy thông thường cứ đến tết (mùa khô) thì chủ động không tưới nước để cây trút lá cho nhanh và ra hoa đều hơn. Về kỹ thuật nuôi trồng thì lan rừng khá đơn giản, chỉ cần buộc vào các khúc gỗ (nên chọn loại gỗ chắc để được lâu bền) hoặc trực tiếp trên gốc cây trước nhà và tưới nước đều không cần phân tro gì, thời gian đầu có thể tưới ngày vài lần để cây dễ ra rễ và phát triển tốt. Tuy nhiên nên nhớ một điều rằng cây luôn cần ánh sáng, nói chính xác hơn là ánh nắng, tốt nhất là ánh nắng buổi sáng, nếu làm quen dần Lan rừng có thể chịu nắng 100%. Nếu được cung cấp đủ ánh nắng cây sẽ ít nấm bệnh mà hoa lại đẹp và bền. Nhiều người trồng Lan rừng, cho mùn cưa vào chậu và tưới đẫm nước, hoặc để cây dưới tán cây quá râm mát thiếu ánh nắng, làm như vậy rễ bị thối và cây sẽ không phát triển được, thậm chí chết dần.
     Với các giống Lan nhập ngoại, nhìn chung có ưu điểm ra hoa quanh năm, bông to, màu sắc sặc sỡ rất bắt mắt và quyến rũ. Nhược điểm là ít hương và khó chăm sóc hơn Lan rừng rất nhiều, tuy nhiên nếu biết kỹ thuật chăm sóc thì cũng không đến nỗi quá khó như người ta tưởng. Về kỹ thuật trồng có những điểm chung như sau: Phải duy trì một môi trường sống phù hợp, các giò lan phải được trồng trong các chậu gốm, chậu nhựa nhập ngoại, khi cây phát triển tràn chậu phải chia tách sang chậu khác. Trong chậu phải có giá thể, thông thường là than củi để rễ cây bám vào và duy trì độ ẩm cung cấp nước cho cây, tuy nhiên cũng có loài đòi hỏi phải dùng giá thể bằng rễ Dớn cọng hoặc Dớn mùn loại nhập ngoại hoặc chuyển về từ Dà lạt. Thậm chí có loài như “Van đa” thì không cần có giá thể trong chậu và bộ rễ cứ thế buông xuống dưới có khi dài đến cả mét, thướt tha như mái tóc con gái để dài. Chậu trồng lan phải thoáng và thoát nước, dò lan phải được treo trên giàn thoáng gió, trên cao có lưới chuyên dụng hoặc đơn giản là các tấm chắn như những tấm dát giường để tạo các vệt sáng quét đều trên mặt lá, phía dưới cần có hồ nước hoặc đất cát (không lát gạch, xi măng) để duy trì độ ẩm cho cây. Tùy theo từng loại lan nhưng nhìn chung vẫn phải có đủ ánh nắng, yêu cầu này còn gắt gao hơn Lan rừng, không có ánh nắng lan cũng sẽ không phát triển và chết dần, ánh nắng trung bình là 30-50% (loài “Den-zô” phải đủ 70%, thậm chí loài “Van-da nắng” phải gần 100%), người chưa quen chơi lan nên chọn hai loại này dễ chăm sóc, dễ ra hoa mà hoa vẫn đủ màu khá đẹp. Khi đi mua cây giống, nên chú ý chọn những giò lan rễ đã bám chặt vào thành chậu, vì có thể nhà vườn nuôi cấy từ mô trong nhà kính, kích thích cho cây ra hoa mới đặt vào chậu tạo thành dò lan và mang bán, vì vậy cây chưa có thời gian thích nghi với môi trường mới, dễ sinh bệnh và chết. Tương tự như vậy, các chậu lan bán trong các dịp tết thường là từ công nghệ nuôi cấy mô được nhà kinh doanh cho vào các chậu gốm sứ và lèn chặt bằng rễ Dớn mùn, về đến nhà người chơi lại chưng trong môi trường thiếu ánh sáng và tưới sũng nước trong nhiều ngày, ăn tết xong cây đã thối rễ, rất khó phát triển thậm chí sẽ chết dần sau vài tháng. Về kỹ thuật chăm sóc, cần phải tưới nước đều ngày vài lần vào buổi sáng và buổi chiều, định kỳ một tuần hoặc 10 ngày phải phun phân bón lá NPK hoặc mua sẵn các túi lọc có chứa phân đặt vào gốc Lan để phân ngấm dần vào rễ khi tưới nước. Trên các lọ phân bón lá có ghi các chỉ số như 30-10-10 hay 6-30-30 để chỉ hàm lượng Nito-Lân-Kaly. Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây để chọn các chỉ số này cho phù hợp, cụ thể là thời kỳ cây sinh trưởng thì tăng Nitơ cao hơn Lân, Kaly và thời kỳ ra hoa thì ngược lại. Ngoài ra thỉnh thoảng cũng nên phun các loại thuốc diệt nấm. Các loại phân và thuốc này có bán rất sẵn và cũng rẻ tại các điểm kinh doanh hoa lan, nếu trồng ở quy mô gia đình mỗi lọ giá khoảng hơn chục ngàn có thể dùng từ 6 tháng đến một năm.
     Chúc quý vị thành công và có thể click vào bài “ẢNH HOA PHONG LAN” (chọn tháng 9 năm 2012, hoặc vào Web Gia phả tiểu chi Nguyễn Cảnh Thứ-chữ in thường) để chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của vườn lan nhà tôi nhé.