Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

TẢN MẠN CUỘC ĐỜI



          Ngày này cách đây 38 năm, trong thế trận của hướng tấn công chủ yếu vào Sài gòn, đơn vị chúng tôi được lệnh tạm dừng lại tại ngã ba Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay mà không có vinh dự được đặt chân vào đất Sài thành trong thời khắc lịch sử của ngày toàn thắng. Sở dĩ có sự chậm chân đó là do mất thông tin liên lạc, trước đó toàn đơn vị đã buộc phải dừng lại mất cả buổi, đáng lẽ phải đi thẳng theo xa lộ để kết hợp cùng đoàn xe tăng của Bùi Quang Thận từ Nước Trong lên tiến vào Sài Gòn, thì chúng tôi lại rẽ về phía Biên Hòa tiến về nội đô theo hướng qua cầu Bình Triệu. Tại ngã ba này người hy sinh cuối cùng của c18 là anh Kiểm người Ninh Bình. Tại thời điểm cả nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất, sự mất mát này đau đớn biết bao nhiêu.
Từ bấy đến nay hàng năm cứ đến dịp này, xem lại những hình ảnh về sự kiện 30 tháng 4 năm ấy, đôi khi tôi thấy mọi việc cứ như mới ngày hôm qua vậy, để rồi bồi hồi nhớ lại từng khuôn mặt của nhiều đồng đội, cả những người đang còn và những người đã khuất. Nhìn lại đời mình, “ngó” sang đời người khác, chiêm nghiệm, suy tư rút ra nhiều điều được mất, buồn vui. Ngày ấy hai từ “Hòa bình” sao mà thiêng liêng thế, khi xướng lên có máu xương và cả kiếp người, cảm giác này chẳng phải của riêng tôi mà với tất thảy mọi người, bất kể bên “thắng cuộc” hay là bên “thua cuộc”. Hình ảnh anh giải phóng quân của chúng tôi bấy giờ cũng rất đỗi hồn nhiên, trong sáng vô tư. Từ Sài gòn chúng tôi viết thư cho người thân trong những chiếc phong bì bên ngoài có màu sắc thật bắt mắt, với những chùm hoa in nổi thật đẹp mà từ bé lớn lên tôi chưa thấy vậy bao giờ. Chúng tôi nói cho nhau những dự định cuộc đời thật giản dị đơn sơ, người muốn được chuyển ngành, người thích về quê lấy vợ làm nông, tôi mường tượng một giảng đường đại học, không mảy may nghĩ rằng sẽ đi tiếp trên con đường binh nghiệp cho đến tận ngày nay. Trên gương mặt rạng ngời của lứa tuổi mười tám đôi mươi, tuyệt nhiên không ai nghĩ cuộc đời và xã hội phía trước lại phân hóa, bon chen, trắng đen, nghiệt ngã vậy bao giờ.
Sau thời gian hai năm làm quân quản, chúng tôi là những người lính cuối cùng rút ra khỏi thành phố Sài gòn. Tôi may mắn được ra Bắc đi học, đồng đội tôi ở lại đất Long Bình, không ai biết một cuộc chiến Tây Nam và Biên giới phía Bắc khốc liệt vô cùng đang đợi chờ phía trước. Họ lại mải mê hành quân ra trận đi đến những vùng đất xa xôi của vương quốc Căm-pu-chia mà không hề lựa chọn đắn đo, càng không biết rằng sau lưng họ từ đây xuất hiện nhiều điều đáng nói. Người đời lao vào với cuộc sống mưu sinh cùng bao điều may rủi, nhiều giá trị nhân văn hình như không còn là vấn đề bất biến, để rồi nhiều kẻ phất lên trông thấy cả về tiền tài và địa vị, họ tự cho mình có đẳng cấp hạng sang. May mắn láu cá chụp giựt được vài “miếng mồi to” đã vội tưởng hơn người, mặc dù điều đó không hề đồng biến cùng đồ thị đức-tài của họ. Khái niệm nghèo hèn dần dà xuất hiện, nhiều tham số mới làm thước đo đẳng cấp xã hội được hình thành. Trong mớ hỗn độn ấy, đồng tiền địa vị được đưa lên đến hàng thứ yếu và vì thế tình cảm con người hình như ở đâu đó cũng dần dà đổi trắng thay đen. Trong cuộc đua chen này, đồng đội tôi hình như luôn là những người thua thiệt, tôi cảm giác họ bị lãng quên trong cơn lốc cuộc đời!
Thời gian cứ trôi, cuộc sống cứ đâm chồi, đến hôm nay khi đã ở cái tuổi U60 tôi cũng rút ra được đôi điều sau nhiều chiêm nghiệm. Là một người công tác trong môi trường sư phạm tôi, thích đánh giá mọi thứ theo điểm số, nên chăng khi tính "Điểm số cuộc đời" cần một “ba rem” thế này: Điểm số cuộc đời là trung bình cộng của nhiều thứ điểm, theo đó tiền tài góp vào một chút, sự nghiệp một chút, gia đình vợ con một chút, sức khỏe một phần…Xin lưu ý trong nhiều cái đó thì hệ số của chúng là không giống nhau và tiền tài chỉ có hệ số một mà thôi! Tôi nhớ bạn tôi luôn nhắc một câu đại loại thế này: “Ai có phúc sẽ có ngày có phận”. Nào hãy dừng tay đếm tiền, thử tính điểm cho đời mình đi hỡi những “Người cao quý”, biết đâu điểm số lũ chúng tôi lại là mơ ước của các người. Ha ha ha …

TẶNG ĐỒNG ĐỘI TÔI 
NHỮNG HÌNH ẢNH THẬT NHẤT NGÀY 30/4 NĂM ẤY 
Không biết bây giờ họ làm gì ở đâu và ai còn, ai mất?

 Người chiến sỹ này rất giống Nguyễn Hàm Vình b4 c18 e270 f341


Người chiến sỹ đầu trần, đẩy chiếc xe đạp thì đích thị là Nguyễn Minh Cương
c18 e270 f341 Hiện là đại tá đã nghỉ hưu tại Đà lạt