Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

CHUYỆN GIẾNG CỔ LÀNG TÔI

     Giếng Sân trường bị bỏ hoang phế trước lúc trùng tu
Ảnh chụp 2008
Giếng Sân trường sau khi trùng tu
Ảnh chụp 3/2013
    Không biết cái giếng khơi của làng tôi có tự bao giờ, nhưng với tôi hai từ "Giếng cổ" là lần đầu tiên đọc được từ một bài viết trên mạng với tiêu đề "Trùng tu xong giếng cổ, gái ế đồng loạt có chồng". Trong ký ức tuổi thơ của tôi đó là một cái giếng tọa lạc ngay đầu làng Trung Thịnh, được người dân quê tôi gọi là Giếng xóm Gát (xóm Cát) hoặc Giếng sân trường, đơn giản là để phân biệt với Giếng xóm Sau, Giếng bà Thiêm, Giếng Chọ hao, giếng Cây bàng hay Giếng Phú Nhuận. Giếng Sân trường được dân làng đào khá sâu chứ không phải như hình đăng trên mạng, trừ những năm hạn hán còn thì lúc nào nước cũng đầy và trong vắt, lòng giếng được ghép bằng những hòn đá hộc thu nhặt từ trên các đồi như hòn Dài, hòn Xạ ... trong thành giếng có các búi dương xỉ mọc lên tự bao giờ, toàn bộ khuôn viên trước đây được bao bọc bởi một bức tường thấp vừa để ngăn trâu bò vừa là nơi kẻ những dòng khẩu hiệu đại loại như "HỠI AI CÔNG TÁC GẦN XA-XIN ĐỪNG DÙNG LẠC LÀM QUÀ BIẾU NHAU-LẠC LÀ THÉP, LẠC LÀ GANG-LẠC SANG NƯỚC BẠN, LẠC MANG MÁY VỀ". Chà, ngày đó đọc câu khẩu hiện này cứ nghĩ tới những cỗ máy móc hiện đại từ Liên xô, Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba lan xa tít trời tây sắp được đưa về thấy tự hào cho những củ lạc của quê mình quá hi hi ... 
     Điều đặc biệt ở đây là chất lượng nước của giếng Sân trường, người dân quê tôi vẫn truyền khẩu nhau rằng, nếu lấy nước ở đó nấu rượu thì rượu ngon, làm tương thì tương ngọt, ủ giá đỗ thì giá lên đều cây mập, hãm chè thì nước chè xanh đẹp, đặc biệt là tắm nước giếng thì làn da trắng mịn, gội đầu thì tóc đen và dài hơn mượt mà hơn và có lẽ vậy nên nghiệm ra con trai con gái xóm Gát quê tôi hình như cũng có phần mặt mày sáng láng, thanh tú, học hành giỏi giang hơn thì phải, he he ... Chưa có công trình hay số liệu  nào xác nhận điều đó cả, nhưng một điều có thật là ngày đó gần như cả xóm tôi từ người lớn đến trẻ con chỉ uống nước lã lấy lên từ giếng làng. Người dân đi làm đồng về, trẻ con đi học đi chăn trâu về hay chơi đùa đang trong con khát, cứ bê cả gàu mà uống ừng ực vừa ngọt vừa mát mà chẳng thấy hề hấn chi, kể cả sau khi níc đầy bụng khoai lang sống hay miệng còn đen nhẻm vì vừa ăn quả sim quả móc.
    Trong sâu thẳm lòng tôi, Giếng sân trường có muôn vàn kỷ niệm buồn vui, kỷ niệm buồn liên quan đến cái giếng làng trong những ngày Cải cách tôi đã viết trong chương 18 của Gia phả tiểu chi. Chuyện nửa vui nửa buồn là những năm đại hạn tất cả các nguồn nước bị cạn, mẹ tôi phải thức dậy từ một hai giờ sáng để ra giếng gánh nước ăn cho cả nhà, còn ban ngày là thời gian giành cho lũ trẻ con vô công rồi nghề chúng tôi tranh nhau ném cái gàu của mình vào vũng nước dưới đáy giếng kéo kên từng bát nước đổ vào đôi vò sành, đến khi đầy thì gọi người lớn đến gánh về trong niềm vui hân hoan như vừa lập được một chiến công vĩ đại. 
    Giếng làng là nơi tụ tập hóng mát hay ngồi chơi nói trạng (nói chuyện phiếm kiểu hóm hỉnh quê tôi) của trẻ già trai gái cả làng. Vào mỗi dịp hè về nhất là những đêm trăng sáng, lũ chúng tôi tụ tập nơi đây để chơi đánh trận giả, trở đi trở lại chỉ có trò "Trốn tìm",  "Bắn khẹc", "Du kích chém"... tối nào cũng chơi, ngày nào cũng vậy làm náo loạn lên cả một góc làng mà không hề thấy chán. ....
    Lũ trẻ chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả, từ cái giếng làng này ra đi để trở thành thầy cô giáo, thành kỹ sư, bác sỹ, sỹ quan trung cao cấp, có người sự nghiệp thành danh cũng không ít người nằm lại ở những cánh rừng đại ngàn xa lắc.... Với riêng tôi mỗi bận về thăm quê, đi qua giếng làng hoang phế đìu hiu thấy lòng nặng trĩu đầy hoài niệm. 
     Hôm nay lang thang trên mạng đọc bài báo này bao kỷ niệm tuổi thơ trỗi dậy. Vui vì gái ế và trai hạn làng tôi thoát nạn (như bài báo viết), điều vui hơn là giếng cổ làng tôi sẽ trường tồn mãi mãi, không còn lo người ta thay vào đó một ngôi nhà, vì đó là một nơi đắc địa trong làng. Như vậy là câu thơ ngày nào của tôi vẫn sống mãi với thời gian: "Giếng sân trường vẫn mỗi buổi tiếng gàu khua ..."
     Mời mọi người đọc bài báo nhé.


TRÙNG TU XONG GIẾNG CỔ, GÁI Ế ĐỒNG LOẠT CÓ CHỒNG

"Làng gái ế" ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, đã thở phào sau khi giếng cổ rêu phong đổ nát được tu bổ vì người làng tin rằng đã cứu được lớp gái làng khỏi họa ế chồng. Cả làng đã bảo nhau góp tiền xây tường bao rào sắt, trồng cây lát gạch trong khuôn viên giếng.
Nằm ngay cổng làng Trung Thịnh, chiếc giếng cổ đã gần trăm tuổi “thi gan cùng tuế nguyệt”. Ngày xưa, giếng là nơi tụ họp của dân làng, cứ sáng sớm và chiều tối mọi người lại nườm nượp rủ nhau đi lấy nước giếng về dùng. Giếng làng trở thành “trung tâm văn hóa” của cả làng.
Cụ Lê Tiến Lào, năm nay hơn 80 tuổi, một cao niên trong làng cho biết: “Giếng này đã có từ lâu đời. Trước đây, có rất nhiều người ở các làng lân cận cũng đến lấy nước nhưng nước trong giếng không bao giờ cạn. Người ở xa cũng nhất định phải sang gánh nước ở đây về nấu nướng, đàn bà con gái ai cũng muốn lấy nước giếng về tắm gội để có làn da hồng hào và mái tóc bóng mượt.”
Theo thời gian, giếng làng ngày càng thưa bóng người qua lại do mỗi gia đình đều lần lượt đào giếng riêng để dùng cho tiện lợi. Xung quanh, cỏ mọc um tùm che khuất cả thành giếng rêu phong đổ nát, ngoài ở nơi khác tới đôi khi không thể phát hiện đằng sau lớp cỏ dại là chiếc giếng một thời được “sủng ái”.
Từ ngày giếng bị “thất sủng”, người làng cho rằng cuộc sống của mình thường xuyên gặp bất trắc. Họ đều là những người dân chịu khó làm ăn nhưng không hiểu sao vẫn bị cái đói cái nghèo đeo bám từ năm này qua năm khác.
Cùng với sự bủa vây của cái nghèo là hàng loạt tai ương. Trai tráng trong làng liên tục bị nạn: người thì ngã lầu, người thì ngã trên cây xuống, người thì xe tông… Điều đáng nói là những thanh niên bị “sao quả tạ chiếu mạng” này đều rất tuấn tú tài giỏi. Gái làng không đến nỗi bị hạn mất mạng nhưng lại “ế sưng ế xỉa”, nhiêu cô xinh đẹp nết na vô cùng nhưng không sao lấy nổi một tấm chồng.
Tình trạng trai thì yểu mạng, gái thì vô duyên kéo dài mãi cho đến khi xuất hiện một “ông thầy” địa lý. Theo cụ Lào, cách đây khoảng 5 năm, một ông lão tự xưng là “thầy” địa lý từ nới khác ghé qua làng. Tình cờ đi ngang giếng cổ, ông lão đứng lặng nhìn trân trân vào thành giếng lấp ló đằng sau lớp cỏ dại um tùm, buông lời phán: “Giếng này nằm ở vị trí “long mạch” rất linh thiêng. Nếu nó không được khôi phục mà bị vùi lấp đi thế này thì cả làng sẽ gặp nhiều điều xui xẻo, thanh niên trong làng sẽ dần bị tàn lụi”.
Phán xong, ông lão kỳ lạ lắc đầu bỏ đi. Không ai biết “ông thầy” địa lý này tên gì và từ đâu đến, những bậc cao niên như cụ Lào chỉ nhớ đó là một ông cụ râu tóc bạc phơ, vẻ mặt rất hiền hậu. Người dân lúc mới nghe xong đều xôn xao nhưng không quan tâm vì cho rằng đó chỉ là lời nói bâng quơ của ông lão qua đường gàn dở.
Năm tháng trôi qua, nhưng sự đen đủi vẫn liên tiếp xảy ra, người dân dù cặm cui cày cấy đêm ngày cũng không “ngóc đầu lên được”. “Hết thuốc chữa”, lúc đó mọi người mới nhớ tới lời phán của ông lão bí ẩn.
Sửa giếng xong, gái ế bỗng có chồng
Cụ Lào chia sẻ: “Tôi nguyên là cán bộ xã, vì vậy nhưng chuyện mê tín từ trước đến nay không hề tin. Tuy nhiên, trước sự hoang mang lo lắng của người dân và đặc biệt là nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên, ai cũng phải suy nghĩ”. Và kế hoạch khôi phục giếng cổ được bắt đầu theo nguyện vọng của dân làng.
Tiền khôi phục giếng hoàn toàn do người dân đóng góp, không ai bảo ai, mỗi người góp một ít tùy theo khả năng. Làng Trung Thịnh nghèo khó, nhiều nhà con đói ăn nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động được hơn 30 triệu đồng để “tân trang” chiếc giếng.
Bà con kể lại sau khi ấn định ngày khởi công thì suốt mấy ngày ròng rã trời mưa tất to, bầu trời xám xịt không le lói một tia nắng. Cả làng nhốn nháo lo sợ ngày đẹp khởi công bị trì hoãn. Nhưng đúng ngày khởi công đã định, trời bỗng tạnh ráo, bầu trời trong xanh lạ thường, cả làng hớn hở lập đàn “khấn thần linh” rồi bắt tay vào công cuộc khôi phục giếng cổ trăm tuổi.
Sau gần 3 năm kỳ công tu sửa, đến đầu năm 2012, đã có hẳn một “lãnh địa” riêng dành cho chiếc giếng. Khuôn viên giếng cổ nằm cạnh cổng làng Trung Thịnh, rộng đến vài chục mét vuông, cổng hoành tráng, bốn phía xây tường bao rào sắt chắc chắn. Thành giếng được tu sửa mịn màng, xung quanh không có lấy một cọng cỏ dại. Người dân còn lát gạch đỏ vòng quanh miệng giếng khiến nền giếng, đồng thời trồng cây cối xanh tốt để tô điểm màu xanh.
Thật trùng hợp là từ khi giếng làng được lên kế hoạch khởi công cho đến khi hoàn thanh, nhóm gái ế của làng đều lần lượt được “thanh lý”. Tính đến thời điểm hiện tại, cả làng nhỏ có đế gần 10 người quá lứa đã lấy được chồng. Có những chị U40, U50 tưởng đã chấp nhận đời cô đơn cho đến già thì tự nhiên đều có người tìm đến “xin chết”, cả làng cứ tưng bừng tiễn hết cô dâu này đến cô dâu khác về nhà chồng trước sự thắc mắc của những người làng xung quanh. Thậm chí có mấy cô gái trẻ chưa lấy chồng còn lén ra giếng để cầu duyên mong tìm được “đức lang quân như ý”.
Số lượng thanh niên trai tráng cũng được “bảo toàn”, không còn nơm nớp sợ chết trẻ như trước. Mùa màng bội thu. Một người dân trong làng tâm sự: “Lúc đầu khi nghe tin đồn về câu phán của ông lão lạ mặt tui không tin, nhưng sau khi tu sửa giếng người làng đều gặp nhiều may mắn hơn. Có lẽ cái giếng này đúng là “giếng thần”, ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của làng như lời ông thầy kia”.
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Hải, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nam Sơn, cho rằng chuyện giếng cổ ở làng Trung Thịnh được gọi là “giếng thần” hoàn toàn không có căn cứ. “Chẳng qua đó chỉ là những đồn đại không hề có cơ sở khoa học nào cả. Còn những sự việc trùng hợp gần đây liên quan đến giếng, đó chỉ là điều tình cờ, ngẫu nhiên xảy ra”, ông Hải nói.
Theo Đất Việt

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

ẢNH MÙA HÈ 1972

    Mùa hè năm 1972 là một thời khắc đáng nhớ nhất của gia đình. Giữa hai đầu trận chiến của không quân Mỹ oanh tạc ra miền Bắc (Đang tạm ngừng ném bom để rồi trở lại ném bom ồ ạt vào cuối năm 1972). Bác Thìn từ Liên Xô về, bác Hải sau 8 năm gần như biệt tích từ chiến trường Miền Nam trở về trên đôi nạng gỗ. Gia đình có một cuộc hội ngộ hiếm hoi tại quê nhà.
   Ngày đó đối với người dân chốn thôn quê, chụp ảnh là một hoạt động gần như xa xỉ, phải ra thị trấn mới có tiệm chụp hình, những tấm ảnh chủ yếu là cỡ 3x4, chả vậy mà bà con làng trên xóm dưới cứ đua nhau nhờ bác Thìn chụp cho một vài tấm ảnh, thật may mắn không ít trong số đó đã trở thành di ảnh của họ cho người thân sau này...
   Bác cũng chụp rất nhiều ảnh cho gia đình, sau khi trở lại Liên Xô bác rửa và gửi về quê, nhà cũng chẳng có nhiều chỗ để trưng bày và cũng chẳng mấy ai quan tâm đến việc lưu giữ những bức ảnh đó. Năm 1974 lên đường vào Nam đi chiến đấu, tôi mang theo một vài tấm xem cho đỡ nhớ nhà, vào đến chiến trường B2 (miền Đông nam bộ) khi đi chiến đấu tôi để lại ở hậu cứ, giải phóng xong nó theo tôi về Sài gòn, càng ngày tôi càng quý và giữ gìn như báu vật, số còn lại ở gia đình qua chiến tranh, lụt lội đã không còn nữa. Như vậy, hình như đó cũng là những tấm hình may mắn còn sót lại đến ngày nay (nếu ai trong gia đình còn giữ được những tấm khác xin hãy bổ sung). Xin giới thiệu mọi người những hình ảnh không thể nào quên đó....




Từ trái sang phải lần lượt là: Bác Bằng-Bác Lương và cháu Hằng-Bà nội-Cảnh Quang-Bà ngoại-Cảnh Vinh-Mẹ Thu-Bác Ngọc-Bác Mỹ vợ bác Lương-Bố Cảnh Lâm-Chị Trí vợ bác Thìn-Bác Hải-và bác Thìn. Rất đáng tiếc vắng mặt chị Xuân!
                                                  Ảnh do anh Sỹ Quế chụp tại ruộng lúa đầu nhà vào hè 1972.




Ảnh Bà nội


Ảnh Bà ngoại



Mẹ Thu và bố Cảnh Lâm


Chiếc thuyền này là của HTX do bố Cảnh Lâm là đội trưởng




Ảnh mấy anh em và bố mẹ


Từ trái sang: Bác Thìn-Chị Xuân-Chú Quang-chị Mỹ và cháu Hằng-Bác Lương-Cảnh Vinh-Bác Bằng và bác Hải. (Thiếu bác Ngọc)



Tội nghiệp Cảnh Quang chỉ có quần cộc và chân đất.



Chân đất, quần cộc nhưng rất ngộ nghĩnh và đáng yêu ...




Bên gốc phi lao cạnh bờ ao sau buổi đi nhặt phân bò được 40 kg nhập cho Hợp tác xã được 8 điểm (10 điểm được 1 công lao động), do đói ăn nên còi cọc vậy chứ đã đậu vào cấp 3 rồi đấy he he.
  Ảnh Bác Thìn chụp khoảng 3 giờ chiều




Bác Thìn (người để tay trên ngực) những ngày du học ở Liên Xô. Nếu thi Nam hậu trong nhà chắc Bác giải nhất.



Bác Bằng-Bác Lương và Bác Thìn


Bên trái bác Thìn là một cái rãnh nối ao nhà với ruộng Lá Cờ, nơi vẫn đặt Bộng lóc bắt cá 



Bác Thìn chụp hai anh em ở chế độ tự động
Ngoài bờ ao sát ruộng Lá Cờ